Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giám đốc Hàn Quốc thắng kiện hơn 3 tỷ đồng vì bất ngờ bị Công ty sa thải

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo của Công ty TNHH CDL Precision Technology (Việt Nam, công ty mẹ là Công ty CDL Investment Limited) trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động với người quản lý cũ.

Theo đơn kiện, tháng 8/2015, ông Oh (SN 1957, quốc tịch Hàn Quốc) ký hợp đồng lao động với Công ty CDL với vị trí là Tổng giám đốc Công ty. Do Chủ tịch Công ty CDL thường xuyên không có mặt ở Việt Nam nên giữa hai bên chưa ký hợp đồng chính thức. Công ty CDL đã xin giấy phép lao động và thẻ cư trú cho ông Oh với thời hạn 2 năm. Công ty lập hợp đồng lao động nhưng chỉ có chữ ký của ông Oh.

Hợp đồng lao động thể hiện thời hạn 2 năm, mức lương là 6.000 USD/tháng. Công ty chi trả tiền thuê nhà, tiền điện nước và đóng các khoản bảo hiểm.

Tuy nhiên, đến ngày 1/3/2016, Công ty có cuộc họp đánh giá năng lực làm việc của ông Oh do ông Zhou Shiqi (người được Chủ tịch công ty ủy quyền) chủ trì và đại diện các phòng ban công ty.

Tại cuộc họp, các nhân viên đã nêu ra các vấn đề tồn tại của ông Oh như bố trí công việc không hợp lý, chồng chéo, kém hiệu quả; triển khai công việc chậm trễ, thiếu tính quyết đoán, chủ động; thường xuyên nói xấu nhân viên Việt Nam. Ngày 4/3/2016, dựa trên biên bản cuộc họp trên, Chủ tịch Công ty ký thông báo chấm dứt quan hệ lao động với ông Oh từ ngày 4/4/2016 do xác định ông Oh không có đủ năng lực, phẩm chất giữ chức Tổng giám đốc Công ty.

Ông Oh khiếu nại nhiều lần nhưng bất thành nên đã khởi kiện ra tòa án. Năm 2017, tòa sơ thẩm đã buộc Công ty phải bồi thường cho ông Oh số tiền 3,4 tỷ đồng và nhận ông Oh trở lại làm việc. Bản án trên bị kháng cáo, hủy án. Lần thứ 2, năm 2019, tòa sơ thẩm tiếp tục tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông Oh, buộc Công ty bồi thường 3,2 tỷ đồng.

Sau phiên tòa trên hai bên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Vừa qua, tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của các bên.

Vì sao công ty thua kiện?

Theo tòa phúc thẩm, Công ty CDL có lỗi vì chưa ký kết hợp đồng lao động chính thức. Trong thời gian từ ngày 13/8/2015 đến ngày 20/1/2016 khi ông Oh giữ chức Tổng giám đốc, Công ty không ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tòa xác định đây là lỗi của Công ty CDL vì Công ty không có thỏa thuận nào bắt buộc ông Oh phải xây dựng quy chế trong thời gian ngắn hạn.

Theo tòa án, Công ty chưa xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý hoặc quy chế của doanh nghiệp về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

Tòa án xác định việc Công ty đánh giá năng lực của ông Oh dựa trên Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008 nhưng các tài liệu này chỉ đề cập, mô tả chung về công việc, trách nhiệm của người lao động, không có quy định cụ thể và xác định được tiêu chí không hoàn thành công việc.

Mặt khác, đại diện Công ty cũng thừa nhận không lập biên bản về những lần ông Oh không hoàn thành công việc hoặc có văn bản nhắc nhở, chỉnh đốn hoặc số liệu đánh giá, theo dõi công việc trong từng tháng. Công ty cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh việc thực hiện chậm trễ công việc do lỗi chủ quan của ông Oh.

Ngoài ra, tòa án cũng xác định công ty không xử lý kỷ luật ông Oh theo trình tự quy định. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định buộc Công ty phải bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật số tiền 3,2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan