Giảm nợ công, kỳ vọng Luật Đầu tư công

Giảm nợ công, kỳ vọng Luật Đầu tư công

(ĐTCK) Việt Nam chưa có Luật Đầu tư công nên khái niệm và cấu thành của đầu tư công chưa được xác định rõ ràng.

Phát biểu tại Hội thảo “Pháp luật đầu tư công” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới, đặc biệt là vay trong nước.

Giảm nợ công, kỳ vọng Luật Đầu tư công ảnh 1

Ở các nước đang phát triển, nợ công chủ yếu tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng 

Nhu cầu đầu tư khổng lồ so với khả năng đáp ứng

Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, nợ công chiếm 54,6% GDP; trong đó nợ chính phủ là 43,6% GDP, còn nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP. Dự kiến, đến 31/12/2012, nợ công chiếm khoảng 58,4% GDP, trong đó nợ chính phủ là 46,1% GDP. Riêng phần trả nợ của Việt Nam chiếm 14 - 16% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm (theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng chi ngân sách), khoảng 100.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2012.

Việt Nam thường xuyên dành khoảng 25% tổng chi NSNN cho đầu tư phát triển và khoảng 15% cho trả nợ, trong khi chi thường xuyên duy trì khoảng 60% tổng chi cân đối NSNN. Về nguyên tắc, để bù đắp thâm hụt ngân sách, các chính phủ phải đi vay trong và ngoài nước, chứ không được phát hành tiền ồ ạt để tránh nguy cơ xảy ra lạm phát cao.

Tuy nhiên, nợ công ở một số nước đang phát triển, chẳng hạn như Việt Nam, còn do chính phủ vay nợ để tài trợ cho các dự án đầu tư (thường là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng), nên quy mô nợ công thường khá cao. Nguồn để trả nợ công là các khoản thu trong tương lai, bao gồm cả thu ngân sách và thu từ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn vay (nếu có).

Ông Ánh cho rằng, như vậy, hầu hết thâm hụt NSNN là dành cho hoạt động đầu tư công và được tài trợ bởi vay nợ trong và ngoài nước. Thêm vào đó, đa số vay nợ trong và ngoài nước cũng dành để đầu tư công, hoặc là đầu tư trực tiếp của Chính phủ, của chính quyền địa phương, hoặc là chuyển cho DNNN đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đầu tư nhà nước hiện vẫn rất lớn, chiếm đến 40% tổng đầu tư xã hội và không phải tất cả vốn đầu tư nhà nước đều đã hạch toán cân đối vào NSNN.

Đáng chú ý, đầu tư nhà nước còn có ở một số ngành, lĩnh vực không phải là công ích, ví dụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch, xây dựng, kinh doanh bất động sản, thương mại…, những khoản đầu tư này chiếm khoảng 12% tổng đầu tư nhà nước.

“Chúng ta đang quản lý đầu tư phân tán, chia cắt theo nguồn vốn, thiếu tập trung và thống nhất. Nhu cầu đầu tư của các bộ, địa phương luôn áp đảo so với khả năng cân đối của Nhà nước và của nền kinh tế”, ông Cung nói.

 

Kỳ vọng Luật Đầu tư công

Theo ông Ánh, Việt Nam chưa có Luật Đầu tư công nên khái niệm và cấu thành của đầu tư công chưa được xác định rõ ràng. Theo cách hiểu hiện tại, đầu tư công ở Việt Nam bao gồm: đầu tư từ NSNN, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; đầu tư từ tín dụng nhà nước, cả nguồn vay trong nước và vay nước ngoài; đầu tư của DNNN, cả từ nguồn vốn được Nhà nước giao và nguồn DNNN tự huy động từ trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc kiến nghị tách Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là chữ “công” trong hai luật này không giống nhau. “Công” ở Luật Đầu tư công không nhằm mục đích kinh doanh, còn “công” trong Luật Mua sắm công bao gồm cả đầu tư của DNNN, đầu tư của Nhà nước hỗ trợ DN.

Thực tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công, chịu sự điều tiết của nhiều quy định pháp luật liên quan. Vấn đề đặt ra là, liệu Luật Đầu tư công được xây dựng tới đây có chồng chéo với những quy định hiện hành liên quan đến đầu tư công hay không?

“Theo tôi, chắc chắn sẽ có sự chồng chéo. Ví dụ, trong nội hàm của đầu tư công có phần quan trọng đáng kể của việc sử dụng ngân sách cho đầu tư. Vậy việc phân cấp quản lý, sử dụng, về nguyên tắc phải theo Luật NSNN, theo phân cấp quản lý ngân sách. Ngoài ra, với những dự án đầu tư có xây dựng, thì về mặt quy trình, các bước triển khai thực hiện dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, chắc chắn sẽ có sự trùng lặp với Luật Xây dựng”, ông Tuấn nhận định.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Luật mới không những phải giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư nhà nước hiện nay, mà còn phải xử lý cụ thể các vấn đề như việc sẽ thu hẹp phạm vi ngành nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; hay Nhà nước sẽ không cấp vốn đầu tư DNNN trong các ngành có thị trường cạnh tranh, các ngành không phải là công ích. Các DN này muốn đầu tư phát triển, phải huy động nguồn vốn khác.