Giảm sốc với “bộ đệm” tài chính

Giảm sốc với “bộ đệm” tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong giai đoạn thị trường nhiều biến động, những doanh nghiệp chủ động được nguồn lực tài chính sẽ có khả năng tránh được nguy cơ đổ vỡ.

Sau hai năm đối mặt với muôn vàn khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động hoặc rời khỏi thị trường. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay, mỗi tháng có tới 22.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngược lại, vẫn có nhiều doanh nghiệp đứng vững, thậm chí tăng trưởng mạnh.

Khẳng định doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt trong đại dịch, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh cho biết, nguyên nhân cốt lõi là quản trị dòng tiền tốt.

Phương Linh là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa hoạt động thương mại, dịch vụ, với sản phẩm chính là quạt công nghiệp, máy lọc bụi, tủ điện…, nên cần nguồn vốn lớn. Dù phải sử dụng vốn vay ngân hàng làm đòn bẩy, nhưng theo ông Lê, “sức mạnh tài chính vẫn phải từ thực lực”. Công ty cũng luôn xây dựng kế hoạch trung hạn đi kèm với giải pháp tài chính rõ ràng. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều rủi ro khó lường từ bên ngoài, doanh nghiệp tiết giảm triệt để các khoản chi để tối đa hóa lợi nhuận.

“Doanh nghiệp mà không có lợi nhuận là không có sức mạnh. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp luôn giữ được chữ tín với ngân hàng, đối tác, khách hàng thì hoàn cảnh này vẫn dễ dàng được vay vốn, được khách hàng tăng tạm ứng, nhà cung cấp cho trả chậm… để tăng thêm nguồn lực tài chính”, ông Lê nêu quan điểm.

Hoạt động trong ngành xây dựng, lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc tăng giá vật liệu xây dựng, song Công ty Xây dựng Phục Hưng Holdings cho biết vẫn hoạt động ổn định nhờ có nguồn lực tài chính dự phòng lớn. Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty lý giải, ngay sau khi ký kết hợp đồng, Phục Hưng thường đặt hàng để “chốt” giá nguyên vật liệu, nên tránh được rủi ro biến động giá vật liệu thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển với nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, sự khác biệt này đến từ quy trình quản lý tài chính của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, hai năm vừa qua là thời gian vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển với nhiều thành tựu đáng kinh ngạc và “sự khác biệt này đến từ quy trình quản lý tài chính của doanh nghiệp”.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra xáo trộn cho thị trường năng lượng và hệ thống tài chính thế giới, tác động đến lạm phát của Việt Nam theo cơ chế chi phí đẩy. Các doanh nghiệp chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch sẽ gặp thêm khó khăn vì chi phí đầu vào tăng, nhu cầu hàng hóa sụt giảm do người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Là chuyên gia từng tư vấn tài chính cho nhiều doanh nghiệp, ông Hiếu khuyến nghị, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính cho ít nhất ba năm tới để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những cú sốc kinh tế. Ngoài nguồn vốn tự có, doanh nghiệp có thể cân nhắc vay ngân hàng, hay phát hành trái phiếu.

“Doanh nghiệp nên tìm sự giúp đỡ từ các ngân hàng. Trong năm nay, tôi dự đoán lãi suất cho vay có thể tăng tới 2%/năm, song mặt bằng lãi suất vẫn đang hấp dẫn. Để có nguồn tài chính lành mạnh từ ngân hàng, doanh nghiệp cần cân nhắc mục đích vay, thời gian trả nợ, phương án kinh doanh… dễ được giải ngân và chủ động nguồn trả nợ. Nên nhớ, nguồn trả nợ phải đến từ lợi nhuận, do đó, doanh nghiệp cần tối đa hoá hiệu quả dòng vốn để làm ra lợi nhuận”, ông Hiếu nói.

Mới đây, trong công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gửi các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo dự thảo Nghị định này, "mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng”.

Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.

Tin bài liên quan