Giảm thuế VAT, cú huých cho thị trường bán lẻ

Giảm thuế VAT, cú huých cho thị trường bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10% đến hết năm nay của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách. Với đề xuất lần này, Bộ Tài chính ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế VAT và Bộ Tài chính đã lên hai phương án giảm thuế VAT năm 2023. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Chuyên gia phân tích, thuế VAT không chỉ đánh trên người tiêu thụ cuối cùng, mà còn đánh thuế cả các nhà phân phối trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất cho đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc giảm thuế VAT không những kích thích người tiêu dùng cuối cùng, mà còn kích thích cả những người mua hàng hóa trong hệ thống phân phối và sẽ có ảnh hưởng rất mạnh đến nền kinh tế.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng chung quan điểm việc giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10% xuống còn 8% sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Đây cũng là cách hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất của Chính phủ trong thời điểm này, vì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần đúng nhóm ngành được giảm là cơ quan thuế căn cứ theo đúng hồ sơ và thực hiện cắt giảm thuế. Bên cạnh đó, giảm thuế VAT sẽ giúp người bán tiết kiệm một số chi phí sản xuất và không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao, từ đó giữ vững khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, giảm thuế trung hòa áp lực lạm phát - đang gia tăng do các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trở lại sau thời gian “đứng im” do đại dịch Covid-19.

Theo đại diện Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), việc giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ..., góp phần kiểm soát lạm phát, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, từ đó có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại để nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh. Đồng thời, chính sách này cũng góp phần chia sẻ khó khăn với người thu nhập thấp, kích thích tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp bán lẻ bán được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn.

Việc giảm thuế VAT giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân và họ có thể sử dụng phần tiết kiệm đó để tiếp tục chi tiêu cho hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống và trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán hàng.

“Thêm nữa, theo phương án 1 của Bộ Tài chính thì sẽ giảm 2% mức thuế suất VAT đối với tất cả nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%. Đây là sự khác biệt lớn so với năm ngoái và biện pháp mạnh tay này của Bộ Tài chính sẽ có tác dụng mạnh hơn nhiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giảm thuế VAT là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá để chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, chính sách này cũng không kích thích được nhiều do khả năng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn hạn chế và lượng nhu cầu thấp, đặc biệt là các sản phẩm bất động sản.

Tác dụng thực chất và cả tâm lý của việc giảm 2% thuế VAT đã được chứng minh.

Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô đề xuất cơ quan quản lý nghiên cứu về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 - 5% để doanh nghiệp có thêm tích lũy, tăng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách giảm lãi suất cũng cần tập trung vào hỗ trợ người tiêu dùng, kích cầu chi tiêu.

Ông Hiếu cũng có quan điểm tương đồng khi cho rằng, việc giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 8% là một liều lượng kích thích tốt, nhưng nếu mức giảm mạnh hơn nữa, xuống 5% mới đủ mạnh hơn trong bối cảnh thu nhập, số ngày làm việc của người lao động cũng giảm.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ, nhất là các nhóm bán lẻ hàng thiết yếu, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp lương thực, thực phẩm sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này. Dù vậy, sau khi chính sách giảm mức thuế VAT 2% được ban hành, giá cổ phiếu doanh nghiệp bán lẻ có một phiên tăng trần, thể hiện kỳ vọng của giới đầu tư thì chính các doanh nghiệp bán lẻ vẫn rất thận trọng trong dự báo về sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nửa cuối năm nay.

Tin bài liên quan