Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: “Cái khó ló cái khôn”

Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: “Cái khó ló cái khôn”

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước khó có thể thêm một lần “nhượng bộ” các ngân hàng trong việc thực hiện giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, mà sẽ tiếp tục siết dần tỷ lệ này. Do đó, các ngân hàng đã và đang nỗ lực xoay xở nhằm đáp ứng quy định của cơ quan quản lý.

Định hướng giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Trong những năm qua, có những ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa quản lý tốt nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiện không đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn.

Do đó, khi gặp khó khăn về nguồn vốn, ngân hàng phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng, làm tăng lãi suất huy động cũng như cho vay, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Chính vì vậy, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2016/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống 50% kể từ đầu năm 2017 và 40% kể từ đầu năm 2018.

Trước thực tế không ít ngân hàng khó đáp ứng quy định tối đa 40% kể từ đầu năm 2018 nên trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 45% kể từ đầu năm 2018 và 40% kể từ đầu năm 2019.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước dự kiến yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Cơ quan này đang cân nhắc hai phương án:

Một là, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%. Từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.

Hai là, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34% và từ 1/7/2022 giảm xuống 30%.

 Chưa nhiều ngân hàng đáp ứng được yêu cầu

Báo cáo tài chính năm 2018 của các ngân hàng cho thấy, tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn chiếm từ 38 - 45,5% tổng dư nợ. Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, tỷ lệ này tại Ngân hàng đang dần giảm xuống theo quy định của Thông tư 19.

Đại diện ACB, HDBank, OCB cho hay, ngân hàng từng bước giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống mức quy định từ đầu năm 2019 và đang nỗ lực giảm thêm trong thời gian tới.

Tại VPBank, năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 33,6%, tăng so với tỷ lệ 30,3% năm 2017; tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động là 73,7%, tăng so với mức 71,3% năm 2017; tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giữ nguyên mức 9%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, và dài hạn tại VIB được ông Đặng Khác Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, đã có lộ trình điều chỉnh từ 47,1% trong 2016 xuống 40,7% trong 2017 và tại thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 36,7%.

Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn: “Cái khó ló cái khôn” ảnh 1

Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tác động đến thị trường bất động sản

Với Techcombank, ngân hàng này đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn kể từ đầu năm 2018 và đến cuối năm đó vẫn dưới ngưỡng cho phép 40%. Theo lãnh đạo Techcombank, việc chủ động giảm tỷ lệ xuống dưới 40% trước 1/1/2019 nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 19. Bên cạnh đó, Techcombank định hướng cân bằng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp với tỷ trọng dư nợ của khách hàng cá nhân, nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đó cũng là một trong những lý do Techcombank được Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20% vào cuối năm 2018.

Tại nhiều ngân hàng khác, nhất là ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn chiếm tới 58 - 65% tại thời điểm cuối năm 2018, phản ánh hệ thống ngân hàng đang phải gánh một lượng lớn nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của nền kinh tế - nhu cầu có chi phí lãi suất cao. Lẽ ra, nhu cầu này được san sẻ bởi thị trường vốn, nhưng thị trường này chưa thực sự phát triển.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khó có thể giảm lãi suất khi thị trường vốn cũng như thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh và bền vững. Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thì lãi suất cho vay, nhất là đối với vốn trung, dài hạn khó có thể giảm mạnh.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, xét về mặt quản lý điều hành, Ngân hàng Nhà nước không nên giãn thời gian thực hiện việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì có thể tạo tiền lệ xấu. Định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn hai năm. Nếu cứ có ngân hàng kêu ca, Ngân hàng Nhà nước lại nhượng bộ, thì uy tín của cơ quan quản lý sẽ bị ảnh hưởng.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19 lùi thời gian áp dụng tỷ lệ 40% sang đầu năm 2019 thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của cơ quan này, nhưng rõ ràng, việc siết chặt các chỉ số an toàn để đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững vẫn là mục tiêu mà cơ quan quản lý đang hướng đến.

Bên cạnh đó, rủi ro thanh khoản cần tiếp tục được giảm thiểu khi cơ cấu huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn đang nghiêng về tiền gửi có kỳ hạn ngắn do người dân lo ngại biến động của lãi suất, tỷ giá trong dài hạn. Các ngân hàng đã phải chung sống với điều kiện này, lấy tiền gửi ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Khi thiếu thanh khoản thì ngân hàng nhờ cậy vào thị trường liên ngân hàng.

Những năm qua, có nhiều thời điểm thị trường liên ngân hàng “sốt”, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, có nguyên nhân do tình trạng vay - gửi lệch pha như trên. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn càng cao thì rủi ro thanh khoản đối với ngân hàng càng lớn. Mặt khác, tỷ lệ này giảm về mức 40% thì vẫn còn cao so với thông lệ quốc tế.

Doanh nghiệp và ngân hàng cùng xoay xở

Để giảm phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng và chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh, khoảng hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Trong đó, đối tác nước ngoài vừa góp vốn phát triển dự án, vừa cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi. Việc sang nhượng dự án cũng diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói chung vẫn rất lớn, không thể không trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Vì vậy, tình trạng huy động vốn chủ yếu ngắn hạn trong khi cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ lệ lớn khiến nhiều nhà băng khó xử, đặt ngân hàng trước thách thức làm sao có đủ vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản.

Giải bài toán này, Techcombank thực thi mục tiêu giảm thiểu rủi ro thanh khoản qua việc dịch chuyển mạnh các khoản vay ngắn hạn. Theo đó, Ngân hàng vẫn đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các chuỗi giá trị, song song với công tác giảm thiểu rủi ro tín dụng, chủ động nguồn vốn cho vay. Ngoài ra, Techcombank đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dài hạn cho các doanh nghiệp lớn bằng cách phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp.

Việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp đã giảm thiểu sự lệ thuộc của doanh nghiệp lớn vào nguồn tiền vay của ngân hàng và tận dụng nguồn tiền ngoài ngân hàng. Cách thức huy động vốn này vừa giúp doanh nghiệp lớn đạt nhu cầu huy động vốn dài hạn, vừa mang đến cho khách hàng cá nhân và các tổ chức tài chính cơ hội đầu tư với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, đồng thời đa dạng hóa nguồn tiền đầu tư để phát triển kinh tế trong nước.

Kết quả, sau 3 năm, Techcombank đã giảm mạnh rủi ro tập trung bằng cách giảm tổng dư nợ của doanh nghiệp lớn trên bảng tài sản, tập trung chuyển dịch để đa số dư nợ cho doanh nghiệp là hợp đồng vay vốn ngắn hạn, giảm thiểu tác động của rủi ro tín dụng.

Với chiến lược này, Ngân hàng đã đạt được chỉ tiêu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sớm hơn thời điểm ấn định của Ngân hàng Nhà nước. Từ quý III/2018, tỷ lệ dư nợ trung, dài hạn trên huy động vốn ngắn hạn của Techcombank đã giảm xuống mức 34,2%.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng đang đi theo những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro ngân hàng, đặc biệt là quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Theo ông Anh, việc giới hạn mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng là cần thiết vì nếu tín dụng tăng quá nhanh sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát, bong bóng, nhất là những lĩnh vực kinh tế cần nhiều nguồn đầu tư dài hạn.

Không ít ngân hàng khác như ACB, OCB, VPBank, SCB cũng đẩy mạnh phát hành và phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán HOSE, giá trị giao dịch trái phiếu đã tăng 10 lần trong 5 năm qua, từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm lên 36.588 tỷ đồng trong năm 2018.

Trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm truyền thống, quen thuộc trên thị trường tài chính Việt Nam, nhưng gần đây có những chuyển động mới, với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân là khách hàng gửi tiền của các ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng làm trung gian dịch vụ, thu phí, còn người gửi tiền trở thành chủ nợ của doanh nghiệp.

Lâu nay, ngân hàng thương mại làm trung gian tài chính, chủ yếu trực tiếp huy động vốn và cho vay. Mối quan hệ giữa người gửi tiền - ngân hàng - doanh nghiệp vay vốn theo truyền thống này đặt ngân hàng ở trọng tâm rủi ro; người gửi tiền cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng mức độ không đáng kể. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người có số dư tiền gửi lớn tại một số ngân hàng thương mại thường nhận được lời mời tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng phân phối, với lãi suất cao hơn. Thực tế cho thấy, thị trường đã và đang có nhiều hơn số người gửi tiền cá nhân “gật đầu”.

Cánh cửa trái phiếu mở ra, bản chất dòng tiền trong hoạt động ngân hàng thay đổi, các mối quan hệ theo đó thay đổi và rủi ro cũng hoán đổi. Rủi ro được chuyển sang người gửi tiền - trở thành trái chủ của doanh nghiệp, thay vì gửi tiền vào ngân hàng như trước. Ngân hàng tách khỏi rủi ro (nợ xấu) vì không cho vay trực tiếp như trước, mà đơn thuần làm trung gian dịch vụ, thu phí.

Như vậy, một bộ phận người gửi tiền truyền thống trở thành nhà đầu tư, có lợi ích cao hơn qua lãi suất trái phiếu luôn cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng họ cũng phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Còn doanh nghiệp vay vốn có thêm kênh trực tiếp huy động vốn với lãi suất có thể thấp hơn vay ngân hàng. Nguồn này tách khỏi tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Tin bài liên quan