Giao dịch chứng khoán chiều 1/7: Nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng, thị trường đảo chiều ngoạn mục

Giao dịch chứng khoán chiều 1/7: Nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng, thị trường đảo chiều ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên bật hồi ngoạn mục sau khi rơi về mốc 1.170 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng là trụ đỡ chính, đặc biệt hàng loạt mã chứng khoán đua nhau tăng trần.

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 7 diễn ra không mấy tích cực. Áp lực bán ngày càng gia tăng mạnh trong khi lực cầu tham gia khá dè dặt khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm sâu về vùng giá thấp nhất khi tạm dừng phiên sáng, trong đó chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 22 điểm về dưới ngưỡng 1.180 điểm.

Tâm lý lo ngại thị trường sẽ tiếp đà lao dốc khiến giới đầu tư vẫn đẩy mạnh bán ra để bảo toàn số vốn còn lại khiến lực bán tiếp tục dâng cao trong phiên giao dịch chiều. Chỉ số VN-Index về sát mốc 1.170 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy khá tích cực tại vùng giá này đã giúp thị trường chặn đà rơi. Đặc biệt, sau gần 1 giờ giao dịch, dòng tiền tham gia sôi động với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã dần lan rộng hơn trên thị trường, giúp các thị trường bật hồi mạnh mẽ. Thậm chí có thời điểm, VN-Index bật hồi hơn 30 điểm, vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm.

Mặc dù chỉ số VN-Index không thể giữ được mốc 1.200 điểm nhưng việc tìm sắc xanh là một “phép màu” ngoài sức tưởng tượng của giới đầu tư. Tuy niềm vui không trọn vẹn do thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền mạnh, nhưng diễn biến phiên cuối tuần đã phần nào có thể khiến giới đầu tư hào hứng hơn trong tuần tới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 210 mã tăng (17 mã tăng trần) và 243 mã giảm (7 mã giảm sàn), VN-Index tăng 1,3 điểm (+0,11%) lên 1.198,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 534 triệu đơn vị, giá trị 11.418,77 tỷ đồng, tăng 4,66% về khối lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 35,6 triệu đơn vị, giá trị 892,83 tỷ đồng.

Cùng diễn biến chung của thị trường, nhóm VN30 cũng tìm lại sắc xanh khi tăng nhẹ 3,32 điểm với việc ghi nhận 18 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, các mã chứng khoán và ngân hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường, điển hình là SSI tăng 4,8% lên mức 19.700 đồng/CP, BID tăng 4,6% lên 35.050 đồng/CP, CTG tăng 3,1% lên 26.950 đồng/CP…

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng tăng tốt như FPT và VNM cùng tăng 2,1%, PLX, HPG, GVR cũng tìm lại sắc xanh.

Dù sắc xanh chiếm áp đảo trong nhóm bluechip, nhưng các mã mất điểm đều là những tên tuổi lớn khiến thị trường khó tiến xa như GAS và MSN cùng giảm 2,2%, MWG giảm 1,7%, VIC giảm 1,2%, VCB và VHM cùng giảm 1,1%, hay SAB, PNJ, NVL, KDH điều chỉnh nhẹ.

Bên cạnh diễn biến tích cực của các bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có nhiều điểm sáng. Điển hình là HAG đảo chiều hồi mạnh và kết phiên tăng 7% lên mức giá trần 8.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua VND, đạt 23,58 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,45 triệu đơn vị.

Các mã khác như LDG, HBC, DBC, ABS, OGC, VAF… cũng kết phiên trong sắc tím; TDH, CIG, VOS tăng trên dưới 5%.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh mã lớn SSI hồi phục mạnh, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này đã kéo từ vùng giá đỏ lên kịch trần như VCI, BSI, FTS, VIX, HCM, VND.

Đặc biệt, cổ phiếu VND có thanh khoản vượt trội khi đạt hơn 35,63 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó hơn 3,14 triệu cổ phiếu được khớp lệnh ATC.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không bùng nổ bằng nhưng cũng là một trụ cột dẫn dắt tốt cho thị trường. Ngoài MBB, LPB và MSB đứng giá tham chiếu, cùng cặp VCB và SHB điều chỉnh nhẹ, còn lại đều đảo chiều hồi phục, với nhiều mã tăng tốt như VIB tăng 5,81%, hay mã lớn BID có thời điểm tăng sát trần và kết phiên tăng 4,6% lên 35.050 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu còn lại trong bộ 3 bank – chứng – thép cũng có diễn biến tích cực. Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu thép, cặp HSG và NKG là điểm sáng khi cùng tăng hơn 5% với khối lượng khớp lệnh trên dưới 6,5 triệu đơn vị, cổ phiếu HPG cũng có được sắc xanh nhưng còn tăng nhẹ chỉ gần 0,5% với khối lượng khớp lệnh hơn 15,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu tăng mạnh cùng sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, thị trường cũng đã đảo chiều thành công.

Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index tăng 1,19 điểm (+0,43%) lên 278,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.277 tỷ đồng, tăng 32,75% về lượng và 18,89% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,19 triệu đơn vị, giá trị 57,84 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhiều mã trong nhóm HNX30 đã có phiên đảo chiều khá ngoạn mục, thậm chí nhiều mã như PVC, HUT, MBS, CEO có thời điểm chạm trần.

Một số mã đáng chú ý trong nhóm này như PVC tăng 8,1% lên 17.400 đồng/CP với khối lượng khớp 1,57 triệu đơn vị; HUT tăng 7,2% lên 26.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,47 triệu đơn vị; CEO tăng 6,5% lên 28.000 đồng/CP và khớp 6,28 triệu đơn vị…

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng cũng tìm lại sắc xanh thì NVB lại nằm trong số mã mất điểm. Dù thoát sắc xanh mắt mèo nhưng NVB là mã giảm sâu nhất trong rổ HNX30 khi để mất 4,3% xuống 31.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã mất điểm khác trong nhóm HNX30 như L18, IDC, VCS đều giảm hơn 1%, LAS giảm 2,3%...

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX với SHS tăng 6,6% lên 14.500 đồng/CP và khớp hơn 9,5 triệu đơn vị, chỉ đứng sau PVS về thanh khoản với 12,14 triệu đơn vị; APS tăng 8,7% lên sát giá trần 13.800 đồng/CP, ART tăng 2,2% lên 4.600 đồng/CP, MBS tăng 6,6% lên 17.700 đồng/CP, BVS tăng 3,3% lên 18.600 đồng/CP, VIG tăng 5% lên 6.300 đồng/CP…

Trên UPCoM, thị trường cũng bật hồi trong phiên chiều dù chưa tìm lại được sắc xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,46%), xuống 88,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,75 triệu đơn vị, giá trị 878,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,25 triệu đơn vị, giá trị 57,95 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm trừ trên thị trường niêm yết và thị trường UPCoM. Trong đó, BSR dù thu hẹp biên độ nhưng kết phiên vẫn giảm 3,8% xuống 27.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt hơn 19,21 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL giảm 2,4% xuống 12.300 đồng/CP và khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán có diễn biến khởi sắc với SBS tăng 1,1% lên 9.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu với gần 2,64 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã PVX, DCS, KSH, KHB đều đóng cửa giảm sàn; VHG, HVG, PVV, PAS, C4G, VGT cũng mất điểm, với khối lượng giao dịch một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng, trong đó VN30F2207 đáo hạn gần nhất là mã tăng duy nhất với 1,9 điểm (+0,2%) lên 1.242 điểm, khớp lệnh 322.755 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.640 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, tuy nhiên CSTB2210 dẫn đầu thanh khoản đạt hơn 1,8 triệu đơn vị, kết phiên tăng 18,4% lên 580 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CPOW2203 khớp gần 1,64 triệu đơn vị và kết phiên đứng tại giá tham chiếu 700 đồng/CQ.

Tin bài liên quan