Giao dịch chứng khoán chiều 10/6: VN-Index thủng mốc 1.285 điểm, nhóm thủy sản và phân bón la liệt sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 10/6: VN-Index thủng mốc 1.285 điểm, nhóm thủy sản và phân bón la liệt sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến thị trường lao dốc, chỉ số VN-Index thủng mốc 1.285 điểm. Đáng chú ý, các nhóm cổ phiếu tăng nóng như phân bón và thủy sản đua nhau nằm sàn.

Động lực của thị trường khá yếu khi áp lực bán luôn thường trực khá lớn và các nhóm trụ cột phần lớn vẫn giao dịch trong sắc khiến VN-Index chỉ kịp le lói sắc xanh rồi nhanh chóng quay đầu điều chỉnh về sát ngưỡng 1.300 điểm khi chốt phiên sáng nay.

Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index nỗ lực giữ giá và chỉ biến động nhẹ quanh mốc 1.300 điểm.

Tuy nhiên, sau gần 1 giờ giao dịch cầm chừng, tâm lý nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến các mã lớn bé đua nhau giảm sâu và chỉ số VN-Index cắm đầu lao dốc.

Đáng chú ý, các nhóm cổ phiếu tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua là chế biến thủy sản, dầu khí, phân bón đồng loạt bị bán tháo ồ ạt trong đợt khớp lệnh ATC khiến hàng loạt mã nằm sàn, đã gia tăng thêm áp lực cho thị trường và chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 23 điểm, về dưới mốc 1.285 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 85 mã tăng (3 mã tăng trần) và 375 mã giảm (24 mã sàn), VN-Index giảm 23,72 điểm (-1,81%), xuống 1.284,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 603 triệu đơn vị, giá trị 16.957 tỷ đồng, tăng 29,57% về khối lượng và 33,73% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,23 triệu đơn vị, giá trị 1.431,32 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh, trong đó TCB vẫn là mã tăng tốt nhất dù biên độ đã thu hẹp khi chỉ còn tăng 1,5% lên mức 37.950 đồng/CP, các mã NVL, HDB, SAB tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn VHM đứng giá tham chiếu, còn lại đồng loạt mất điểm. Đáng kể là đại diện lớn nhóm dầu khí – GAS bị bán mạnh về cuối phiên và đã dừng chân ở mức giá sàn khi để mất 7%, đóng cửa tại mức giá 118.700 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng đóng cửa tại vùng giá thấp nhất trong ngày như PNJ giảm 6,1% xuống 120.700 đồng/CP, GVR giảm 4,9% xuống 26.100 đồng/CP, FPT giảm 4,6% xuống 110.000 đồng/CP, PLX giảm 4,1% xuống 45.000 đồng/CP, SSI giảm 4% xuống 27.850 đồng/CP, BVH giảm 2,2% xuống 53.800 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, POW tiếp tục giảm sâu hơn do áp lực bán gia tăng trong phiên chiều và đóng cửa giảm 5,7% xuống mức 15.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn tốt nhất thị trường khi khớp 26,98 triệu đơn vị.

Cổ phiếu GEX và ITA cũng bị ảnh hưởng và thu hẹp biên độ khi chỉ tăng hơn 2%, với khối lượng khớp lệnh thua POW, lần lượt đạt 21,4 triệu đơn vị và 19,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi họ FLC là FLC và ROS vẫn trong trạng thái dư bán sàn và tiếp tục giao dịch sôi động dù thời gian giao dịch thu hẹp chỉ còn phiên chiều do bị hạn chế giao dịch. Đóng cửa, FLC khớp 12,78 triệu đơn vị, còn ROS khớp 8,6 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, các nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian qua bị chốt lời mạnh và đua nhau nằm sàn. Trong đó, nhóm chế biến thủy sản tác động mạnh nhất tới thị trường với CMX, VHC, ANV, ACL, IDI đều giảm sàn, còn FMC giảm 6,6%, ASM giảm 6,1%...

Ở nhóm dầu khí, bên cạnh GAS, cổ phiếu lớn PLX cũng giảm mạnh, hay PSH giảm 5,7%, PVD giảm 5,6% cùng xuống mức giá thấp nhất ngày, lần lượt là 15.000 đồng/CP và 22.800 đồng/CP...

Nhóm phân bón – hóa chất với sự góp mặt của DCM, DPM đều trong trạng thái dư bán sàn, BFC giảm 5,7% xuống mức giá thấp nhất ngày 30.450 đồng/CP…

Ở các nhóm trụ cột ngân hàng, ngoại trừ TCB, HDB và EIB giữ được sắc xanh, còn lại phần lớn đều nới rộng đà giảm lên hơn 1%, đáng kể là BID, CTG, ACB, SHB, MSB, LPB cùng giảm hơn 2%, OCB giảm hơn 3%.

Nhóm chứng khoán cũng không còn mã nào giữ nổi sắc xanh, thậm chí BSI giảm sàn, các mã giảm mạnh khác là VCI giảm 6%, CTS giảm 5,4%, HCM và ORS giảm 4,3%, SSI giảm 4%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và giảm mạnh về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index giảm 6,29 điểm (-2,01%) xuống 306,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,92 triệu đơn vị, giá trị 2.088 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,48 triệu đơn vị, giá trị gần 549,37 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu đến từ hơn 4 triệu cổ phiếu PTI, giá trị 312,92 tỷ đồng và 3,7 triệu cổ phiếu THD, trị giá hơn 130 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng giảm mạnh tới hơn 17 điểm khi có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong đó, LHC bất ngờ đi ngược xu hướng thị trường và tăng vọt về cuối phiên, trở thành mã tăng tốt nhất trong rổ này, là 3% lên 134.900 đồng/CP. Tiếp theo VC3 tăng 1,8%, BCC tăng 1,7%, cùng NTP, THD, SLS tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, các mã giảm sâu như PVC giảm 9,1%, TAR giảm 7,9%, PVS giảm 7,8%, TNG giảm 7,3%, LAS giảm 6,7%, CEO giảm 5,7%, SHS giảm 5,4%...

Các mã giao dịch sôi động nhất thị trường là PVS khớp 19,67 triệu đơn vị, SHS khớp 8,57 triệu đơn vị và TNG cùng khớp gần 5,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bộ 3 này đều bị bán mạnh về cuối phiên và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày với mức giảm lên tới hơn 5-7%.

Cổ phiếu HUT cũng không thoát khỏi sự điều chỉnh sau 2 phiên khởi sắc. Đóng cửa HUT giảm 1,6% xuống mức 31.000 đồng/CP và khớp 5,53 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC có thời điểm giảm sàn và kết phiên giảm 5,4% xuống sát giá sàn 3.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,69 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng biên độ giảm về cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,18 điểm (-1,24%), xuống 93,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,25 triệu đơn vị, giá trị 1.657,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 11,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR đã có phiên giảm khá sâu khi để mất 5,6% xuống mức 30.300 đồng/CP, nhưng thanh khoản sôi động với gần 32,66 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn OIL giảm 5,7% xuống mức 14.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 2,98 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giảm mạnh đã tác động tới thị trường như VGT giảm 4,8%, VGI giảm 2,3%, VTP giảm 2,2%, MSR giảm 1,9%, VEA giảm 1,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KHB vẫn giữ được sức nóng khi kết phiên duy trì đà tăng trần lên mức 3.200 đồng/CP với khối lượng khớp 2,66 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh, trong đó, VN30F2206 giảm 24,2 điểm (-1,8%) xuống 1.311,1 điểm. Khớp lệnh hơn 232.690 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.460 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng, trong đó CVJC220 dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp lệnh hơn 1,25 triệu đơn vị và kết phiên giảm 4,8% xuống 400 đồng/CQ.

Tin bài liên quan