Giao dịch chứng khoán chiều 14/11: Hàng trăm mã giảm sàn, VN-Index hãm đà rơi nhờ nhóm vốn hóa lớn

Giao dịch chứng khoán chiều 14/11: Hàng trăm mã giảm sàn, VN-Index hãm đà rơi nhờ nhóm vốn hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi một số mã bluechip đảo chiều hồi phục tích cực, nỗ lực hãm đà rơi của thị trường thì áp lực bán tháo vẫn không ngừng hạ nhiệt khiến hàng trăm mã nằm sàn.

Phiên tăng điểm nhẹ ngày cuối tuần trước (ngày 11/11) chưa đủ thuyết phục khiến thị trường nhanh chóng quay xe giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần 14/11. Sau hơn 1 giờ giao dịch, sự khởi sắc của một số mã bluechip đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm đôi chút nhưng trạng thái thị trường vẫn khá tiêu cực khi áp lực bán tháo khá lớn khiến số mã giảm mạnh hoặc nằm sàn chiếm tỷ trọng khá lớn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau thời gian ngắn đầu phiên lình xình quanh mốc 940 điểm, lực bán một lần nữa dâng cao đã khiến VN-Index thoái lui.

Tuy nhiên, lực cầu gia tăng trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC đã giúp một số mã bluechip bật cao, điển hình như MSN có thời điểm tăng kịch trần, cùng sự khởi sắc của nhiều mã lớn khác như SAB, VIC, SSI, VNM. Tuy vậy, VN-Index cũng chỉ đủ sức để vượt qua được mốc 940 điểm bởi áp lực bán vẫn chiếm áp đảo trên thị trường.

Trên bảng điện tử, số mã đảo chiều hồi phục đã gia tăng đáng kể, gấp đôi phiên sáng khi có 86 mã xanh, tuy nhiên chưa bằng 1/4 số mã giảm, thậm chí thua xa số mã giảm sàn là 135 mã. Chỉ số VN-Index tiếp tục hình thành một cây nến đỏ đặc và nhiều khả năng sẽ tiếp tục rơi về mốc 900 điểm.

Và với sức ép lớn từ việc nhiều cổ phiếu giảm sàn dẫn đến áp lực giải chấp chéo danh mục sẽ tiếp tục diễn ra và tác động tiêu cực đến thị trường, đẩy nhiều cổ phiếu nằm sàn, theo ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS), nếu không có biện pháp hỗ trợ thị trường, thì áp lực bán giải chấp sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 86 mã tăng và 370 mã giảm (135 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,49 điểm (-1,41%) xuống 941,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 736,5 triệu đơn vị, giá trị 10.992 tỷ đồng, giảm 9,56% về khối lượng và 14,04% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 11/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,77 triệu đơn vị, giá trị 1.309,13 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhiều mã trong nhóm VN30 đã đảo chiều hồi phục tích cực, như SAB trở thành mã tăng tốt nhất rổ này với biên độ tăng 3,8% lên mức 195.000 đồng/CP, MSN cũng tăng 3% lên 89.100 đồng/CP, các mã STB, CTG, VIC, SSI đều tăng hơn 1%, cùng VNM, VJC, KDH, VRE xanh nhạt.

Trong khi đó, cặp đôi bất động sản là NVL và PDR vẫn trong trạng thái trắng bên mua khi dư bán sàn đều hơn 60 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu GVR cũng đóng cửa giảm sàn, các mã giảm sâu khác như MWG giảm 5,5%, MBB giảm 5%, VPB giảm 3,7%, BVH giảm 2,9%...

Xét về nhóm ngành, hầu hết vẫn chưa thoát khỏi trạng thái giảm. Trong đó, nhóm trụ cột bank, ngoại trừ CTG và STB tăng hơn 1%, còn lại đều mất điểm, với cặp mã lớn VCB và BID giảm nhẹ trên dưới 0,5%, các mã khác trong ngành cũng không quá giảm sâu, chủ yếu là hơn 1-2%.

Tuy nhiên, EIB vẫn chịu áp lực bán tháo mạnh với khối lượng dư bán sàn lên tới hơn 20,56 triệu đơn vị và chỉ khớp thêm vài chục nghìn đơn vị so với phiên sáng, đạt gần 125.000 đơn vị. Ngoài ra còn có MBB và SHB giảm khá mạnh với mức giảm khoảng 5%.

Ở nhóm chứng khoán, trong khi FTS, BSI, VIX, VCI vẫn đóng cửa nằm sàn, thì một số mã ngược dòng thành công. Điểm sáng là cổ phiếu VND. Sau khi mở cửa nằm sàn, lực cầu bắt đáy đã giúp cổ phiếu này dần thu hẹp biên độ và đảo chiều khởi sắc, tăng tốc về cuối phiên, thuộc top 10 mã tăng tốt nhất trên sàn HOSE. Đóng cửa, VND tăng 5,6% lên mức giá cao nhất ngày 10.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 24,43 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là SSI cũng khởi sắc trở lại khi tăng 1,1%, đóng cửa đứng tại mức giá 14.250 đồng/Cp và khớp lệnh chỉ thua VND, đạt 20,56 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn la liệt nằm sàn. Ngoài NVL và PDR, hàng loạt mã khác như DIG, TDC, SCR, HHV, FCN, LCG, TCD, VCG, DXG, BCG… đều đóng cửa giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu thép lùi sâu hơn so với phiên sáng. Trong đó, HPG đảo chiều về dưới mốc tham chiếu, HSG giảm 5,6%, NKG giảm 5,47%, SMC và TLH đều giảm sàn.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn trong trạng thái tiêu cực khi lực bán tháo tiếp tục diễn ra trên diện rộng.

Đóng cửa, sàn HNX chỉ có 36 mã tăng và 170 mã giảm (72 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,36 điểm (-3,35%), xuống 183,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,56 triệu đơn vị, giá trị 734,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,67 triệu đơn vị, giá trị 28,48 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tiếp tục gia tăng sức ép khi giảm tới gần 17 điểm và đóng cửa tại mức 280 điểm, với việc ghi nhận 28 mã giảm, chỉ còn PGS tăng 1,1% và DDG đứng giá tham chiếu.

Trong đó, có tới gần 1/2 số mã giảm sàn như CEO, PVC, BVS, IDC, BCC, TIG, L18, L14… Ngoài ra, NTP, PVS, TNG cũng có mức giảm hơn 8%.

Cặp đôi có thanh khoản tốt nhất thị trường là PVS và SHS cùng đạt hơn 12,5 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt giảm 8,7% xuống 20.000 đồng/CP và giảm 6,3% xuống 6.000 đồng/CP.

Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm HNX30, nhiều mã vừa và nhỏ cũng đóng cửa nằm sàn như PVL, APS, MBG, API, BII, SRA…

Trên UPCoM, thị trường có chút thu hẹp biên độ về cuối phiên nhưng không thể tránh khỏi phiên giảm khá mạnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,82 điểm (-2,65%), xuống 66,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,29 triệu đơn vị, giá trị 354,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,95 triệu đơn vị, giá trị 95,32 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 11,56 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa cũng không tránh khỏi “cơn bão” chung khi giảm hết biên độ về mức giá sàn 13.200 đồng/CP và còn dư bán sàn hơn 0,76 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản tiếp theo là VHG, C4G, SBS đều đạt hơn 1 triệu đơn vị, cũng đồng loạt đóng cửa tại mức giá sàn.

Một số mã đáng chú ý khác dù thoát khỏi sắc xanh mắt mèo nhưng cũng đều giảm sâu như DDV giảm 11,4%, OIL giảm 10,1%, VGI giảm 12,2%, MSR giảm 12,7%...

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm và 1 hợp đồng đứng giá tham chiếu. Trong đó, VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 6 điểm, tương đương -0,6% xuống 932 điểm, khớp lệnh gần 583.730 đơn vị, khối lượng mở hơn 40.150 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó dẫn đầu thanh khoản là CVPB2213 khớp 3,81 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 16,4% xuống 510 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CVPB2211 khớp hơn 3,55 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 18,2% xuống 180 đồng/CQ.

Tin bài liên quan