Giao dịch chứng khoán chiều 17/10: Cổ phiếu bất động sản giảm sâu, VN-Index vẫn bật hồi gần 20 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 17/10: Cổ phiếu bất động sản giảm sâu, VN-Index vẫn bật hồi gần 20 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù lực cầu vẫn khá thận trọng nhưng áp lực bán được tiết chế, đã giúp thị trường bật ngược đi lên và hồi phục gần 20 điểm, lấy lại mốc 1.050 điểm.

Viễn cảnh quay đầu của thị trường đến sớm hơn dự báo, khi phần lớn các công ty chứng khoán vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục giữ nhịp hồi phục lên 1.100 điểm trước khi trở lại xu hướng giảm.

Cụ thể, phiên giao dịch sáng ngày đầu tuần 17/10 khá ảm đạm, trong khi dòng tiền tham gia hạn chế thì áp lực bán trên diện rộng ngày càng dâng cao về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng giảm tới 24 điểm, về dưới mốc 1.040 điểm với thanh khoản giảm mạnh.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn không mấy cải thiện với dòng tiền tham gia thị trường khá nhỏ giọt khiến VN-Index tiếp tục giật lùi về dưới mốc 1.035 điểm.

Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút mở cửa lình xình, thị trường có dấu hiệu cải thiện nhờ áp lực bán được tiết chế. Chỉ số VN-Index bật hồi khá mạnh, vượt qua mốc 1.050 điểm và đi ngang ở vùng giá này trong suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Thị trường thu hẹp đà giảm khá mạnh và kết thúc phiên giao dịch ở mức cao nhất ngày khi chỉ còn giảm chưa tới 1%, trong đó gánh nặng chính đến từ cặp đôi lớn VHM và VIC khi ghi nhận mức giảm khá lớn 4,6% và 6,2%. Thanh khoản thị trường có chút cải thiện nhưng vẫn khá thấp với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa tới 10.000 tỷ đồng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 165 mã tăng và 291 mã giảm, VN-Index giảm 10,27 điểm (-0,97%) xuống 1.051,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 497,42 triệu đơn vị, giá trị 9.549,84 tỷ đồng, tăng 4,2% về khối lượng và 7,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 14/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 61,7 triệu đơn vị, giá trị 1.524,48 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cặp đôi nhà Vingroup tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường với mức giảm khá mạnh và đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày. Cụ thể, VIC giảm tới 6,2% xuống mức 56.000 đồng/CP và VHM giảm 4,6% xuống 49.500 đồng/CP.

Trong khi đó, thành viên còn lại là VRE bớt tiêu cực và cùng chiều với thị trường khi chỉ còn giảm 1,2%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 24.900 đồng/CP.

Ngoài VHM và VIC, một số mã lớn vẫn trong xu hướng giảm khá mạnh như VCB giảm 2,6% xuống 66.300 đồng/CP, PLX giảm 2,4% xuống 32.900 đồng/CP, TCB giảm 2,3% xuống 25.100 đồng/CP…

Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30 có 8 mã đảo chiều hồi phục thành công, trong đó các mã đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày như POW tăng 3,2%, STB tăng 2,8%, GVR tăng 0,9%, SSI tăng 0,6%.

Xét về nhóm ngành, với sự cản trở của VIC và VHM, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm giảm sâu nhất thị trường. Một số mã khác trong ngành cũng giảm khá sâu như DXG giảm 4,2%, DIG giảm 4,1%, KDH giảm 3,4%, AGG giảm 2,9%...

Tuy nhiên, vẫn có những mã đi ngược xu hướng ngành thành công, cụ thể VCG đóng cửa tăng kịch trần lên mức 17.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 7,17 triệu đơn vị, DC4 và HU3 cũng đóng cửa trong sắc tím.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã cũng hồi phục sắc xanh, đáng chú ý là SHB tăng 4,55% lên mức 11.500 đồng/CP, STB tăng 2,8% lên 18.150 đồng/CP, LPB tăng 1,85% lên 11.000 đồng/CP, cùng ACB, EIB, OCB tăng trên dưới 0,5%, tuy nhiên dòng bank vẫn ghi nhận phiên quay đầu giảm bởi những mã có vốn hóa lớn hơn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Cụ thể như VCB giảm 2,64%, TCB giảm 2,33%, BID giảm 0,91%, CTG giảm 0,66%; ngoài ra, HDB, MBB, VIB, VPB giảm trên dưới 1%. Trong đó, SHB và STB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất ngành, lần lượt đạt 15,97 triệu đơn vị và 12,85 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đảo chiều hồi phục. Bên cạnh VND lấy lại mốc tham chiếu, các mã khác đều đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày như SSI tăng nhẹ 0,6% lên 18.000 đồng/CP, VIX tăng 4,9% lên 8.300 đồng/CP, VCI tăng 3,1% lên 28.450 đồng/CP, HCM tăng 3,2% lên 20.900 đồng/CP… Trong đó, các mã VND, SSI, VIX khớp lệnh trong khoảng 12-16 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu khai khoáng hồi phục ấn tượng, điểm sáng là PVD tăng vọt và kéo trần thành công trong đợt khớp lệnh ATC lên mức 21.500 đồng/CP, tăng 7% với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt xấp xỉ 13,5 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu vừa và nhỏ HAG vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh vượt trội đạt 24,98 triệu đơn vị, nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến mã này đóng cửa giảm 5,9%, đứng ở mức 9.460 đồng/CP.

Trên sàn HNX, lực cầu cải thiện tích cực trong phiên chiều đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,43 điểm (-0,63%) xuống 226,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,3 triệu đơn vị, giá trị 797,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,5 triệu đơn vị, giá trị 151,26 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ P trên sàn HNX cũng đảo chiều hồi phục ấn tượng với PVC tăng 5% lên mức giá cao nhất ngày 19.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị, PLC tăng 4,3% lên mức 24.000 đồng/CP, PVS tăng 3,4% lên 24.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu IDC cũng lội ngược dòng thành công khi đóng cửa tăng 2,1% lên mức 48.500 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 3,45 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu NVB vẫn là mã giảm mạnh trong dòng bank, kết phiên giảm 4,6% xuống mức thấp nhất ngày 16.500 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý như cổ phiếu CEO không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh sau 2 phiên hồi phục cuối tuần trước khi đóng cửa giảm 3,7% xuống mức 15.500 đồng/CP; hay HUT giảm 2,1% xuống mức 19.000 đồng/CP.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX có phần kém tích cực hơn trên sàn HOSE, với SHS đóng cửa giảm 3,4% xuống 8.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thua PVS, đạt 6,62 triệu đơn vị; MBS giảm nhẹ 0,7%, APS giảm 1%, BVS lấy lại mốc tham chiếu…

Trên UPCoM, thị trường cũng bật ngược đi lên ở vùng giá cao nhất của phiên chiều nhưng lực cầu chưa đủ mạnh để giúp UPCoM tìm lại được sắc xanh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,19%) xuống 80,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,67 triệu đơn vị, giá trị 311,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,29 triệu đơn vị, giá trị 65,2 tỷ đồng.

Cũng như thị trường niêm yết, cổ phiếu dầu khí BSR đã đảo chiều hồi phục và đóng cửa tăng 1,5% lên mức 20.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn dầu thị trường, đạt hơn 6,16 triệu đơn vị. Trong khi đó, OIL đứng tại mốc tham chiếu 10.400 đồng/CP và khớp gần 0,4 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là PAS khớp 1,84 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mức giá cao nhất ngày là mốc tham chiếu 6.200 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý cũng tìm về sắc xanh như C4G tăng 1%, LMH tăng 1,1%, VGI tăng 0,4%, CEN tăng 4,3%...

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đảo chiều giảm và 1 hợp đồng tăng. Trong đó, VN30F2210 tăng 2 điểm, tương đương +0,2% lên 1.050 điểm, khớp lệnh lớn nhất, đạt hơn 308.080 đơn vị, khối lượng mở gần 37.840 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó thanh khoản tốt nhất là CVNM2205 khớp 3,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

Tiếp theo là CKDH2213 khớp hơn 2,72 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,5% xuống 70 đồng/CQ.

Tin bài liên quan