“Lăng kính” quan sát cơ hội đầu tư

“Lăng kính” quan sát cơ hội đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần có một “lăng kính” quan sát hiểu và đánh giá đúng đắn tình trạng doanh nghiệp để nắm rõ được rủi ro và tiềm năng với khoản đầu tư của mình.

Quan điểm trên được bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDIRECT đưa ra tại buổi diễn đàn “Chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường Trái phiếu doanh nghiệp” do VNDIRECT tổ chức chiều ngày 14/10.

Bà Hương nhấn mạnh, ở Việt Nam, tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc mức cao nhất thế giới (khoảng 124%) - theo World Bank.

Thêm vào đó, thị trường cổ phiếu Việt Nam tuy đã có hơn 20 năm phát triển và càng ngày càng trở thành kênh dẫn vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song trái phiếu doanh nghiệp mới bùng nổ phát triển trong giai đoạn 5 năm nay, hiện tại vẫn đang ở mức trung bình so với khu vực.

VNDIRECT dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 ở mức 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái và mức 6,9% vào năm 2023 so với cùng kỳ, đồng thời tin rằng Chính phủ có thể giữ mức tăng lạm phát (bình quân) dưới 4,0% so với cùng kỳ trong năm nay.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay, cổ phiếu hay trái phiếu vẫn là kênh "trú ẩn lạm phát" tốt nhất với điều kiện đó phải là cổ phiếu và trái phiếu của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh và phát triển bền vững, có chất lượng tài sản sinh lời ổn định ở hiện tại và tương lai.

Có thể một số doanh nghiệp năm nay sẽ không đạt kỳ vọng về lợi nhuận như những năm trước, nhưng đó là điều không ngạc nhiên khi tất cả các kênh tài sản đều khó có khả năng sinh lời trong điều kiện thị trường khó khăn hiện tại.

So với bất động sản đầu tư với các mức định giá theo khả năng sinh lời và thời gian hoàn vốn phải lên tới vài chục năm, thì kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu, điều này đúng với nhiều thị trường phát triển, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Về tài sản đầu tư tại công ty chứng khoán, theo Bà Hương, có một số yếu tố sau sẽ giúp nhà đầu tư có thể nhận diện và an tâm trước tình hình thực tế. Cụ thể, với tài sản khách hàng đang đặt tại công ty chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu, những tài sản này nằm trên ngoại bảng của Công ty chứng khoán và được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Bản chất các tài sản này thuộc sở hữu của nhà đầu tư và công ty chứng khoán chỉ là nơi lưu ký tài sản. Do đó, rủi ro của việc tài sản đặt tại công ty chứng khoán không có, mà nếu có thì chỉ là rủi ro của tổ chức phát hành.

Với trái phiếu doanh nghiệp của những doanh nghiệp hàng đầu, có mô hình kinh doanh bền vững, việc đầu tư chỉ có rủi ro thanh khoản nếu nhà đầu tư có nhu cầu rút trước hạn. Rủi ro phá sản của các doanh nghiệp này được đánh giá với các phương thức tương tự như trái phiếu của ngân hàng thương mại (NHTM), vì bản chất NHTM cũng là một doanh nghiệp đặc biệt.

”Trong hoạt động tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí chọn lọc tổ chức phát hành của VNDIRECT rất chặt chẽ, nghiêm ngặt để tránh những rủi ro pháp lý và rủi ro từ mô hình hoạt động không bền vững. Các tổ chức phát hành được VNDIRECT lựa chọn đều là doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, đáp ứng được các điều kiện an toàn, minh bạch về tài chính, năng lực kinh doanh cốt lõi tốt” bà Hương chia sẻ.

PGS Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện Công nghệ & Phát triển Tài chính, Bộ Tài chính bổ sung thêm các chỉ số, nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trước sau đại dịch Covid-19, bài chia sẻ đã mang đến cho khách mời dự Tọa đàm thêm góc nhìn về tình hình lãi suất, trái phiếu hiện nay.

Theo đó, ông Cường cho biết, lãi suất và tỷ giá vẫn trong xu hướng tăng khi đồng VND tiếp tục chịu sức ép mất giá khi FED tăng lãi suất, thanh khoản sụt giảm trong khi lãi suất trong nước đang trong xu hướng tăng để hỗ trợ cho tỷ giá và chống lạm phát, đặc biệt là thị trường chứng khoán giảm sâu.

Về thị trường trái phiếu, ông Cường đã thống kê tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 giảm 50,5% so với quý trước và giảm 70,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 60.635 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ước đạt 248.604 tỷ đồng, giảm 43,5% so với 9 tháng năm 2021.

“Một số vấn đề cần lưu ý hiện nay là rủi ro tăng lãi suất, đáo hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thanh khoản của thị trường vốn”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhìn tổng quan về dòng tiền, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ thêm, vấn đề hiện này là tiền kẹt trong hệ thống ngân hàng, kho bạc dẫn đến khan trên thị trường.

Câu chuyện mà thị trường quan tâm là tỷ giá và lãi suất, đây là hai yếu tố liên quan đến nhau, nếu neo vào tỷ giá thì lãi suất lên cao, ngược lại thả lỏng tỷ giá thì lãi suất ổn định. Quan trọng là điều chỉnh cân bằng hai yếu tố này.

NHNN còn có công cụ quan trọng là lãi suất ngoại tệ chưa được đem ra sử dụng, đó là có thể cân nhắc điều chỉnh lãi suất ngoại tệ. Trong thời gian qua, NHNN đã điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền Việt Nam không quá mất giá. Nhưng nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp và quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác.

"Điều quan trọng là làm sao có thể giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Chính vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, đồng thời đạt được những mục tiêu về lạm phát để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tú Anh nhấn mạnh.

DInsights là diễn đàn chia sẻ về chiến lược thị trường của các nhà chuyên môn kinh tế, các chuyên gia và nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện các ngành do VNDIRECT tổ chức hàng tháng, giúp các nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều về kinh tế vĩ mô, những thách thức và cơ hội của thị trường để có thể tìm cho mình một cách tiếp cận phù hợp. Dự kiến, buổi tọa đàm thứ 2 sẽ được diễn ra vào tháng 11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tin bài liên quan