Giao dịch chứng khoán chiều 1/9: Dòng tiền nội thể hiện sức mạnh, VN-Index tăng hơn 10 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 1/9: Dòng tiền nội thể hiện sức mạnh, VN-Index tăng hơn 10 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong bối cảnh khối ngoại duy trì đà bán ròng, dòng tiền nội vẫn tích cực chảy vào thị trường, tạo lực đỡ để VN-Index tăng hơn 10 điểm đi kèm mức thanh khoản cao xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.

Cho dù VN-Index vẫn duy trì sắc xanh, nhưng việc áp lực chốt lời bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên hôm qua (31/8) khiến nhiều người e ngại về một phiên điều chỉnh sẽ diễn ra sau đó.

Thực tế diễn biến giao dịch đầu phiên hôm nay phần nào cho thấy sự e ngại trên là có cơ sở khi VN-Index gặp không ít khó khăn, nhất là khi khối ngoại tiếp tục đẩy bán.

Tuy nhiên, với tâm lý vững vàng và đặc biệt là sự mạnh mẽ của sức cầu nội đã giúp VN-Index không chỉ nhanh chóng ổn định trở lại, mà còn duy trì vững đà tăng cho đến hết phiên.

Đóng cửa, với 276 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 10,08 điểm (+1,14%) lên 891,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 317 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 31/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,58 triệu đơn vị, giá trị 1.125 tỷ đồng.

Rổ cổ phiếu VN30 tiếp tục giao dịch tích cực, tạo lực đỡ chính cho chỉ số, khi có tới 24 mã tăng. Trong đó, tích cực nhất phải kể đến VIC +3% lên 92.700 đồng, VJC +2,4% lên 105.000 đồng. Các mã PNJ, GAS, TCB, CTG cũng tăng gần 2%

Trong rổ này chỉ còn 4 mã giảm là MSN, NVL, SAB và EIB, song mức giảm cũng không nhiều. NVL giảm mạnh nhất cũng chỉ ở mức 1,3% xuống 63.000 đồng. Các mã còn lại đều giảm dưới 1%.

HPG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và cũng dẫn đầu sàn với 16,75 triệu đơn vị được khớp, tăng 1% lên 24.800 đồng,

Một cổ phiếu vật liệu xây dựng khác là HSG cũng tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản khi khớp 14,9 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE, tăng 4,4% lên 11.800 đồng.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, dòng tiền cũng tập trung mạnh, nhất là nhóm thị giá nhỏ, giúp các cổ phiếu này đồng loạt tăng trần như FLC, JVC, OGC, EVG, TDG…

FLC khớp lệnh chỉ sau HPG với 16,65 triệu đơn vị, đạt mức giá 3.210 đồng.

Ở chiều ngược lại, HAP có phiên giảm sàn thứ 2 liên tục về 8.160 đồng, khớp lệnh 0,85 triệu đơn vị. Trước đó, mã này ghi nhận 18 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 16 phiên trần, đưa thị giá từ mức 3.000 đồng lên thẳng gần 10.000 đồng.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh khiến HNX-Index liên tục rung lắc quanh tham chiếu, trước khi nhận được sức cầu tốt để bứt lên vào cuối phiên.

Đóng cửa, với 90 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,45%) lên 125,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,5 triệu đơn vị, giá trị 636,62 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng, nhưng tăng 2% về giá trị so với phiên 31/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,73 triệu đơn vị, giá trị 13 tỷ đồng.

Việc các mã lớn ACB, VCG, PVI, HUT, VC3, BVS… đồng loạt giảm khiến HNX gặp sức ép. Trong đó, ACB -0,5% về 21.100 đồng, HUT -4% về 2.400 đồng…

Dẫu vậy, nhờ nhiều mã lớn khác giữ được đà tăng nên sàn này kịp tăng về cuối phiên. Đơn cử, PVS +1,6% lên 12.800 đồng, SHB +1,4% lên 14.100 đồng…

KLF và TCV thậm chí còn tăng trần lên tương ứng 1.800 đồng (+5,9%) và 8.900 đồng (9,9%). Trong đó, KLF khớp 1,18 triệu đơn vị.

BII cũng tăng trần lên 900 đồng với thanh khoản mạnh, đạt 2,5 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, ACB khớp lệnh 7,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp theo là PVS với 4,7 triệu đơn vị và SHB với 2,9 triệu đơn vị. NVB phiên này đứng giá 8.200 đồng, khớp lệnh 2,33 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sức cầu đuối dần khiến sàn này không thể duy trì được sắc xanh khi kết phiên, cho dù đã có nhiều nỗ lực trong phiêu chiều.

Đóng cửa, với 116 mã tăng và 82 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) về 58,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,6 triệu đơn vị, giá trị 381,46 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên 31/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,73 triệu đơn vị, trị giá 13 tỷ đồng.

Khá nhiều mã lớn đã tăng điểm trong phiên này như LPB, BSR, CTR, VGI, OIL, ACV, LTG…, nhưng mức tăng chưa đủ lớn để nâng đỡ thị trường. Trong đó, LPB tăng 1,1% lên 9.200 đồng. BSR +1,6% 6.700 đồng.

LPB khớp lệnh 2,44 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, còn BSR khớp được 1,269 triệu đơn vị - đứng thứ 3.

Góp mặt trong số 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn là cổ phiếu chứng khoán AAS với 1,66 triệu đơn vị, nhưng kết phiên giảm 5,5% về 10.300 đồng.

Các mã SBS, PFL, SGP, PPI… tăng trần, nhưng thanh khoản không cao.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm. Trong đó, mã VN30F2009 đáo hạn gần nhất tăng 1,61% lên 837,4 điểm, với khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 143.785 đơn vị, khối lượng mở 32.295 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo với 70 mã tăng và chỉ 13 mã giảm, 10 mã đứng giá. Trong đó, CVNM2009 là có giao dịch sôi động nhất với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 16,32% lên 2.280 đồng/CQ.

Tin bài liên quan