Giao dịch chứng khoán chiều 19/9: VN-Index bốc hơi gần 30 điểm, cổ phiếu đua nhau nằm sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 19/9: VN-Index bốc hơi gần 30 điểm, cổ phiếu đua nhau nằm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng trong phiên chiều khiến thị trường chìm trong biển đỏ với gần 100 mã nằm sàn. Trong đó, chỉ số VN-Index về gần mốc 1.200 điểm khi bốc hơi gần 30 điểm.

Sau những diễn biến ảm đạm của phiên sáng, thị trường bước vào phiên giao dịch chiều đầu tuần ngày 19/9 không có thêm thông tin hỗ trợ. Những lo ngại về tình hình tăng lãi suất của Fed trong tuần tới khiến tâm lý thị trường trong nước cũng trở nên bi quan hơn.

Bên cạnh lực cầu tham gia thận trọng sau chuỗi 3 tuần giảm điểm liên tiếp và chỉ số VN-Index liên tục để mất các mốc hỗ trợ, áp lực bán khá lớn trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục lùi sâu. Chỉ số VN-Index để mất khoảng 20 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch chiều và biến động giằng co quanh vùng giá 1.210 điểm.

Và điều không mong chờ đã đến khi thị trường chuẩn bị bước vào đợt khớp lệnh ATC. Áp lực bán tháo trên diện rộng đã diễn ra khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, với cả trăm mã nằm sàn. Các chỉ số trên thị trường đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó, chỉ số VN-Index đã rơi về gần mốc 1.200 điểm – vùng được giới phân tích đánh giá là vùng hỗ trợ mạnh.

Mặc dù chỉ số VN-Index không để thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm, nhưng với một phiên giao dịch tiêu cực bởi đà giảm sâu của chỉ số cùng thanh khoản không mấy cải thiện, khiến niềm tin nhà đầu tư trở nên mong manh hơn.

Lý do cho phiên lao dốc này có lẽ đến từ chuỗi giảm điểm trước đó nhiều hơn là các nguyên nhân khác. Hiện thị trường đang trong giai đoạn không có động lực để đi lên khi dòng tiền có dấu hiệu tiếp tục rút ra, đồng thời không có thông tin tích cực để thúc đẩy giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các đợt giảm mạnh trước đó thì trong những thời điểm trầm lắng, tích lũy cổ phiếu có thể lại là một cách đầu tư hiệu quả.

Đóng cửa, sàn HOSE có 64 mã tăng và có tới 399 mã giảm (66 mã giảm sàn), VN-Index giảm 28,6 điểm (-2,32%), xuống 1.205,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 702 triệu đơn vị, giá trị 16.706 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 7,71% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.815,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục tác động mạnh lên thị trường khi đóng cửa giảm 22,9%, với việc ghi nhận 27 mã đỏ điểm với mức giảm chủ yếu đều hơn 1%, chỉ còn FPT và VIC tăng nhẹ hơn 0,5%, cùng SAB đứng giá tham chiếu.

Trong đó, cổ phiếu GVR giảm mạnh nhất khi đóng cửa đứng ở mức giá sàn 22.900 đồng/CP, tiếp theo là SSI, POW, BVH cùng giảm hơn 5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau pha tăng tốc tiến gần mức giá trần trong nửa đầu phiên chiều, cổ phiếu HAG cũng hạ độ cao khi chịu tác động chung của thị trường. Kết phiên, HAG chỉ còn tăng 1,8% lên mức 13.850 đồng/Cp với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường khi đạt 36,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán luôn cùng nhịp đập thị trường và đồng loạt giảm sâu, về mức giá thấp nhất ngày. Cụ thể, SSI giảm 5,9% xuống 19.900 đồng/CP, VND giảm 6,1% xuống 17.850 đồng/CP, HCM giảm 5,5% xuống 24.850 đồng/CP, các mã VCI, VIX, FTS, APG, ORS, AGR đều kết phiên trong sắc xanh mắt mèo.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ EIB duy trì mức tăng 2,35%, còn lại đều giảm sâu hơn, nhưng tích cực hơn nhóm chứng khoán khi không có mã nào nằm sàn. Cụ thể, SHB giảm hơn 5,1%, TPB giảm gần 5%, BID và MBB cùng giảm 3,66%, các mã TCB, CTG, VPB, OCB, HDB, VIB, STB đều giảm hơn 3%...

Ở nhóm cổ phiếu thép, đồng loạt HSG, NKG, TLH, SMC đều trong trạng thái dư bán sàn, với NKG khớp lệnh hơn 21 triệu đơn vị, còn HSG khớp 16,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu HPG vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường với 27,46 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công và kết phiên cũng nới rộng đà giảm xuống mức 22.650 đồng/CP, giảm 1,5%.

Nhóm bất động sản cũng la liệt nằm sàn với sự góp mặt của HDG, DPG, KHG, CII, SCR, BCG… hay các mã bất động sản khu công nghiệp như KBC, PHR, SZC, GVR.

Ngoài ra, nhóm thủy sản, khai khoáng, phân bón không nằm ngoài xu hướng chung, với VHC, ANV, DAT, ACL, AGM; DCM, DPM, BFC; PVD kết phiên giảm sàn.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh trên diện rộng cũng khiến chỉ số chung giảm sâu.

Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 162 mã giảm (23 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 8,63 điểm (-3,16%), xuống 264,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84,46 triệu đơn vị, giá trị 1.835,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 173 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng nay, NVB vẫn giữ được đà tăng tốt giúp thị trường bớt giảm sâu thì trong phiên chiều, cổ phiếu này cũng không thoát khỏi tình trạng chung. Kết phiên, NVB giảm 3,1% xuống mức 21.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu đại diện cho nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng không thoát khỏi trạng thái chung của ngành khi IDC kết phiên giảm 9,9% xuống mức giá sàn 51.900 đồng/CP, nhưng thanh khoản tăng vượt trội, đạt hơn 8,85 triệu đơn vị.

Một số mã lớn khác cũng giảm khá mạnh như PVS giảm 6,7%, NTP giảm 5,9%, SHS giảm 5,3%,VCS giảm 4,1%, CEO giảm 3,4%, THD giảm 1,4%... Trong đó, PVS dẫn đầu thanh khoản với 11,73 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là SHS khớp 9,88 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã vừa và nhỏ đáng chú ý cũng cắm đầu về nằm sàn như KLF, ART, IDJ, AMV, BII, S99, PVL…

Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng thành công. Điển hình là PLC có thời điểm chạm trần và đã hạ độ cao về cuối phiên khi đóng cửa tăng 6,8% lên mức 29.700 đồng/CP, cùng thanh khoản khá tốt, đạt 1,84 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường cũng đóng cửa ở vùng giá thấp do áp lực bán dâng cao.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,12 điểm (-1,25%), xuống 88,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,17 triệu đơn vị, giá trị 629 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,58 triệu đơn vị, giá trị gần 39 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên thị trường đều lùi sâu hơn về cuối phiên. Trong đó, BSR dẫn đầu khi khớp hơn 9,43 triệu đơn vị, kết phiên giảm 5,5% xuống gần mức giá thấp nhất ngày 22.300 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 2 là C4G khớp 2,9 triệu đơn vị và kết phiên giảm 3,5% xuống 13.800 đồng/CP. Tiếp theo đó, DDV, VHG, SBS đều khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, lần lượt kết phiên giảm 7,2%, 2,9% và 5,7%.

Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng ngoạn mục như PFL đóng cửa tăng 5,6% lên mức 5.700 đồng/CP và khớp 1,22 triệu đơn vị, hay CDO có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 63% với khối lượng giao dịch gần 0,9 triệu đơn vị, đứng trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2210 giảm 13,5 điểm, tương đương -1,1% xuống 1.223,5 điểm, khớp lệnh 263.620 đơn vị, khối lượng mở 43.960 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, CHPG2202 dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 5 triệu đơn vị, kết phiên tăng 100% lên 20 đồng/CQ.

Tin bài liên quan