Giao dịch chứng khoán chiều 21/12: Hàng loạt mã giảm sàn, VN-Index vẫn được “cứu vớt”

Giao dịch chứng khoán chiều 21/12: Hàng loạt mã giảm sàn, VN-Index vẫn được “cứu vớt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán mạnh trong phiên chiều đẩy hàng loạt mã quay đầu giảm sàn, VN-Index có lúc thử thách vùng 1.000 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã được kéo trở lại kịp thời và đóng cửa chỉ ở mức giảm nhẹ, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp.

Trong phiên sáng, lực cầu bắt đáy phiên chiều qua (20/12), nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài phần nào đem đến kỳ vọng cho nhà đầu tư về đợt sóng mới của thị trường, nên lệnh mua giá cao được đẩy vào từ khá sớm, giúp thị trường tăng hơn 10 điểm khi mở cửa.

Tuy nhiên, lực bán cũng luôn chực chờ mỗi nhịp hồi, nên VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt, tìm được về lại dưới tham chiếu trước khi kịp trở lại, đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên chiều, thị trường giằng co trong biên độ hẹp trong khoảng 50 phút đầu trước khi lực bán ồ ạt đẩy vào trong thời gian ngắn, đẩy VN-Index lao xuống dưới đường MA50 (1.013 điểm) về vùng 1.000 điểm với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, trong đó có hàng chục mã nằm sàn. Đặc biệt, các trụ đỡ của thị trường trong phiên sáng quay đầu giảm khá mạnh như VIC, GAS, VCB.

Tuy nhiên, cũng như lúc lao xuống, chỉ số này được kéo lên cũng theo phương thẳng đứng dù lực cầu không quá mạnh. Đóng cửa, VN-Index chỉ giảm nhẹ, nhưng không giữ được đường MA20 (1.036), mà chỉ may mắn mới giữ được ngưỡng hỗ trợ MA50.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,25 điểm (-0,42%), xuống 1.018,88 điểm với 119 mã tăng (7 mã trần), trong khi có 298 mã giảm (42 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 857,3 triệu đơn vị, giá trị 14.414,2 tỷ đồng, giảm 19,9% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 153,7 triệu đơn vị, giá trị 3.707,8 tỷ đồng.

VN-Index hồi phục từ vực sâu là nhờ một số mã ngân hàng, sự vững chắc của VNM, cùng sự đảo chiều trở lại của VHM.

Theo đó, STB tăng 4,9% lên 23.550 đồng, khớp gần 35,5 triệu đơn vị, VPB tăng 2% lên 17.650 đồng, khớp gần 20,5 triệu đơn vị, VNM tăng 1,3% lên 79.700 đồng, SAB tăng 1,2% lên 175.000 đồng.

Ngoài ra, VRE, MSN và HDB, FPT cũng tăng trên dưới 1%. Trong khi đó, VHM đảo chiều thành công với mức tăng 0,6% lên 48.500 đồng dù phiên sáng mã này lấy đi của VN-Index nhiều điểm nhất.

Trong khi đó, VIC, GAS và VCB lại đảo chiều giảm với mức giảm lần lượt là 1,8% xuống 54.900 đồng, 1,2% xuống 103.500 đồng và 0,4% xuống 78.700 đồng. Đây là các mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho thị trường phiên sáng.

Đặc biệt, dù nhận được lực cầu tốt và có lúc đã hồi phục, nhưng lực cung quá lớn trong phiên chiều đẩy NVL, PDR, HPX, DIG xuống kịch sàn 15.200 đồng, 12.000 đồng, 5.130 đồng, 15.600 đồng. Trong đó, NVL có thanh khoản tốt nhất với 34,3 triệu đơn vị. DIG khớp 18 triệu đơn vị, HPX khớp 14,7 triệu đơn vị, PDR khớp 12,4 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, nhóm bất động sản còn có hàng loạt mã khác giảm sàn như QCG, VPH, DRH, ITA, PTL, LDG, NHA cũng giảm sàn. Các mã HDC, NVT, ITC dù không sàn, nhưng cũng chỉ cách mức này một vài bước giá.

Ngoài nhóm bất động sản, nhiều mã khác cũng bị bán tháo và giảm sàn hôm nay như cặp đôi GEX – VIX xuống 13.350 đồng, khớp 22,6 triệu đơn vị và 7.180 đồng, khớp 20,8 triệu đơn vị. Hay BCG cũng giảm sàn xuống 6.590 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị; VPG xuống 14.200 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị; FTS xuống 18.250 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị; OGC xuống 7.910 đồng...

Nhóm ngân hàng, ngoài VCB còn có 5 mã nữa giảm, trong đó OCB, MSB, CTG, TPB giảm hơn 1,5%, SHB giảm gần 1%.

Nhóm chứng khoán ngoài VIX và FTS, hàng loạt mã khác cũng giảm, chỉ duy nhất HCM tăng 1,4% lên 22.150 đồng. Trong nhóm này, VND là mã có thanh khoản tốt nhất và cũng tốt nhất thị trường với 37,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,6% xuống 14.650 đồng; SSI khớp 26,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,5% xuống 19.300 đồng.

Nhóm thép cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, trong đó NKG giảm 5,8% xuống 13.800 đồng, HSG giảm 4% xuống 13.150 đồng, HPG giảm 0,5% xuống 18.900 đồng. Trong đó, HPG khớp 27,7 triệu đơn vị, cao nhất nhóm.

Trong khi đó, vẫn có những mã đơn lẻ nổi sóng như HAG tăng vọt lên mức trần 8.910 đồng, khớp 8.910 đồng, hay SBT cũng tăng trần lên 14.550 đồng, khớp 9,4 triệu đơn vị; GIL cũng được kéo lại lên mức trần 22.650 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng có nhịp bị bán mạnh cùng thời gian với HOSE và xác lập đáy của ngày tại 200,53 điểm rồi bật lại, nhưng không được mạnh như VN-Index khi đóng cửa vẫn mất gần 1,5%.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,07 điểm (-1,48%), xuống 204,46 điểm với 50 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,7 triệu đơn vị, giá trị 1.355 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,6 triệu đơn vị, giá trị 252,3 tỷ đồng.

Tất cả các mã có thanh khoản tốt trong Top 10 trên sàn này đều giảm, trong đó CEO và APS giảm sàn xuống 18.800 đồng và 9.300 đồng. Mã có thanh khoản tốt nhất là SHS với 22,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,2% xuống 9.100 đồng, tiếp đó là CEO với gần 14 triệu đơn vị. PVS khớp 4,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,1% xuống 21.800 đồng, IDJ giảm 3,6% xuống 8.100 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị…

Diễn biến của thị trường UPCoM cũng giống 2 sàn niêm yết khi bị đẩy xuống mạnh sau 50 phút giao dịch của phiên chiều, sau đó đã thu hẹp đà giảm vào cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,47%), xuống 70,7 điểm với 115 mã tăng và 155 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,8 triệu đơn vị, giá trị 681,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,6 triệu đơn vị, giá trị 324,6 tỷ đồng.

Trong 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chỉ duy nhất BVB đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng 3,3% lên 9.500 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị, còn lại đều giảm.

Cụ thể, BSR giảm 3,6% xuống 13.300 đồng, khớp 9,1 triệu đơn vị; SBS giảm 1,9% xuống 5.300 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; VHG giảm 4% xuống 2.400 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị, C4G giảm 5,4% xuống 8.700 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng như VN30-Index, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 1/2023 tăng mạnh nhất 10 điểm (+1%), lên 1.037 điểm với 407.633 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 45.161 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 8 mã có thanh khoản tính đến triệu đơn vị, trong đó có 7 mã do SSI phát hành và 1 do KIS phát hành. Trong đó, có 2 mã có thanh khoản trên 2 đơn vị đều là chứng quyền của HPG là CHPG2221 do SSI phát hành với gần 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,3% xuống 150 đồng và CHPG2224 do KIS phát hành với gần 2,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,1% xuống 400 đồng.

Tin bài liên quan