Giao dịch chứng khoán chiều 21/3: VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm, cổ phiếu bất động sản nở rộ sắc tím

Giao dịch chứng khoán chiều 21/3: VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm, cổ phiếu bất động sản nở rộ sắc tím

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bluechip tăng vọt với sắc tím nở rộ ở nhóm cổ phiếu bất động sản, đã giúp VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Bỏ qua những lo ngại việc thị trường đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.480 điểm và hoàn toàn có thể quay đầu điều chỉnh, chỉ số VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ tăng và dễ dàng vượt mốc 1.480 điểm ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.

Bên cạnh các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ tăng mạnh và sôi động từ phiên sáng, bước vào phiên chiều, các mã lớn hơn trong ngành cũng đã tăng tốc, với điểm nhấn là NVL nhanh chóng kéo trần chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, hỗ trợ tốt giúp thị trường bứt tốc.

Sắc tím lan rộng hơn trong nhóm cổ phiếu bất động sản, cùng sự hồi phục tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp VN-Index tăng hơn 25 điểm, lần đầu tiên sau 10 phiên đóng cửa trên đường trung bình 20 (MA20).

Một số chỉ báo kỹ thuật khác cũng cho tín hiệu tích cực với đường MACD đang có dấu hiệu tạo 2 đáy, đường RSI tăng mạnh lên trên ngưỡng 50, trong khi đường ADX bắt đầu quay đầu giảm. Điểm còn chờ đợi nữa đó chính là thanh khoản vẫn chỉ ở mức trung bình 21.000 tỷ đồng/phiên, chưa tăng mạnh trở lại lên ngưỡng 30.000 tỷ đồng/phiên như trước đây.

Đóng cửa, sàn HOSE có 326 mã tăng và 113 mã giảm, VN-Index tăng 25,85 điểm (+1,76%), lên 1.494,95 điểm. Thanh khoản đạt xấp xỉ phiên trước đó với khối lượng giao dịch đạt hơn 792 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt gần 24.225 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 64,78 triệu đơn vị, giá trị 2.315 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 2 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là VJC giảm 3,3% xuống mức 143.300 đồng/CP và BID giảm 0,2% xuống 43.800 đồng/CP, cùng STB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc.

Trong đó, cặp đôi thuộc nhóm bất động sản và NVL và PDR đều kết phiên trong sắc tím với mức tăng 6,9%, cùng thanh khoản cao, lần lượt đạt 7,26 triệu đơn vị và 6,15 triệu đơn vị, với NVL dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Các mã khác trong ngành tăng tốt như KDH tăng 4,5% lên 53.300 đồng/CP, cặp đôi đầu ngành – nhà Vingroup cũng bứt mạnh lên mức giá cao nhất ngày với VHM tăng 3,9% lên 77.500 đồng/CP; VIC tăng 2,8% lên 81.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số bluechip khác tăng tốt, đóng góp lớn vào chỉ số chung như MSN tăng 6,1% lên 145.000 đồng/CP, GAS tăng 4,7% lên 114.000 đồng/CP, BVH tăng 4,3% lên 58.500 đồng/CP, VNM tăng 2,1% lên 77.600 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm bất động sản là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Bên cạnh các mã bluechip tăng mạnh, ở top vừa và nhỏ, hàng loạt mã cũng đua nhau tăng trần với thanh khoản lớn.

Cụ thể như FLC, HQC, DXG, LDG, DIG, CIG, PHC… đều khoe sắc tím, trong đó FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 34,7 triệu đơn vị, HQC khớp 30,14 triệu đơn vị và dư mua trần 1,84 triệu đơn vị; DXG khớp 14,9 triệu đơn vị và dư mua trần 1,4 triệu đơn vị, LDG khớp 13,46 triệu đơn vị… Các mã khác như NLG tăng sát trần; ITA, SCR, CII, ROS… cũng tăng hơn 3%.

Bên cạnh đó, thị trường nhận được sự hậu thuẫn của dòng bank khi đồng loạt được kéo qua mốc tham chiếu, ngoại trừ BID và OCB điều chỉnh nhẹ trong khoảng 1 bước giá. Trong nhóm ngân hàng, HDB là mã tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 2,54% lên 28.300 đồng, mức cao nhất ngày, thanh khoản hơn 3,36 triệu đơn vị. Tiếp đó là SHB tăng 2,31%; các mã VPB, TPB, VIB tăng hơn 1%; còn CTB, VCB, TCB, MBB, ACB, MSB… tăng nhẹ.

Trong lĩnh vực tài chính, nhóm cổ phiếu bảo hiểm có giao dịch khởi sắc hơn với BIC và MIG kết phiên trong sắc tím, các mã khác như BVH và PGI cùng tăng hơn 4%, BMI tăng 6%...

Ở nhóm chứng khoán, sắc xanh cũng chiếm áp đảo nhưng đà tăng còn khá hạn chế, chủ yếu trên dưới 1%. Trong khi đó, nhóm thép có phần đuối sức hơn các mã chỉ loanh quanh vùng tham chiếu, ngoại trừ duy nhất NKG có mức tăng tốt nhất ngành, với biên độ tăng 2,4% lên mức 47.300 đồng/CP.

Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng tốc về cuối phiên và HNX-Index leo lên mức giá cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 152 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 7,08 điểm (+1,57%) lên 458,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 110 triệu đơn vị, giá trị 3.070 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,92 triệu đơn vị, giá trị 274,2 tỷ đồng.

Bên cạnh HUT duy trì đà tăng trần, các mã khác trong nhóm bất động sản thuộc rổ HNX30 cũng nới rộng biên độ tăng như CEO tăng 6% lên mức 74.200 đồng/CP, LHC tăng 3,3% lên mức cao nhất ngày 144.000 đồng/CP, IDC tăng 2,5% lên 73.500 đồng/CP, L14 tăng 2,5% lên 386.600 đồng/CP, THD tăng 1,1% lên 169.800 đồng/CP…

Trái lại, nhóm HNX30 còn 10 mã giao dịch trong sắc đỏ, trong đó NVB vẫn là điểm trừ lớn nhất khi để mất 3,6% và kết phiên đứng tại mức giá 31.800 đồng/CP. Tiếp theo đó, NTP giảm 2,2%, PVB giảm 1,7%, IDV giảm 1,2%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã cũng nới rộng biên độ tăng như KLF, ART, KVC, BII đều tăng hơn 2%, PVL tăng 5,1%, IDJ tăng 9%...

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường gồm CEO khớp 7,64 triệu đơn vị, PVS khớp 7,43 triệu đơn vị, KLF khớp 6,36 triệu đơn vị, IDC khớp 4,18 triệu đơn vị và HUT khớp 3,77 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã hồi phục thành công về cuối phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,12%) lên 116,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,17 triệu đơn vị, giá trị 1.428 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,74 triệu đơn vị, giá trị 166,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 12,47 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên tăng 4,7% lên mức 11.100 đồng/CP.

Nhiều mã vừa và nhỏ khác tăng tốt với thanh khoản vài triệu đơn vị như LMH tăng 7,8% lên 9.700 đồng/CP và khớp 5,68 triệu đơn vị, C4G tăng 4,1% lên 25.500 đồng/CP và khớp 3,95 triệu đơn vị, G36 tăng 5,9% lên 21.600 đồng/CP và khớp 3,11 triệu đơn vị…

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí đã hồi phục nhưng khá khiêm tốn, trong đó BSR tăng 1,5% lên 26.800 đồng/Cp và khớp hơn 7 triệu đơn vị, OIL tăng 0,5% lên 18.800 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nhóm phân bón và hóa chất DDV cũng hồi phục tích cực khi tăng 3,9% lên mức 29.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng , trong đó VN30F2204 đáo hạn gần nhất ngày 21/4 tăng 16,8 điểm (+1,1%) lên 1.494,9 điểm, khớp 109.570 đơn vị, khối lượng mở hơn 24.470 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm áp đảo, trong đó dẫn đầu thanh khoản là CFPT2203 đạt 287.980 đơn vị và kết phiên tăng 18,3% lên 4.650 đồng/CQ.

Tiếp theo là CVPB2202 khớp 180.550 đơn vị và kết phiên tăng 36,3% lên mức giá trần 4.690 đồng/CQ.

Tin bài liên quan