Giao dịch chứng khoán chiều 22/3: Cổ phiếu họ FLC dậy sóng

Giao dịch chứng khoán chiều 22/3: Cổ phiếu họ FLC dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường vẫn loay hoay và gặp khó khi tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm thì dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng giúp nhiều cổ phiếu penny nổi sóng, điển hình là các mã họ nhà FLC như FLC, ROS, KLF, ART.

Thị trường lại một lần nữa gặp thất bại khi thử thách ngưỡng kháng cự 1.200 điểm. Sau nhịp hồi khá tích cực đầu phiên sáng giúp VN-Index tiệm cận mốc này, áp lực bán đã gia tăng khiến chỉ số này biến động giằng co và điều chỉnh nhẹ khi tạm dừng phiên giao dịch.

Bước sang phiên chiều, thị trường không có gì đột biến. Giao dịch chỉ diễn ra suôn sẻ trong hơn 30 phút mở cửa rồi chậm dần do hiện tượng nghẽn lệnh lại xẩy ra. Cùng với thanh khoản nhúc nhắc, chỉ số VN-Index chỉ dập dình quanh mốc tham chiếu và may mắn kịp “ngoi” lên mốc tham chiếu trong đợt khớp ATC.

Đóng cửa, sàn HOSE có 180 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,38 điểm (+0,03%), lên 1.194,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 700,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.792 tỷ đồng, tăng 2,93% về khối lượng và giảm 8,33% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 19/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 74,26 triệu đơn vị, giá trị 2.083,3 tỷ đồng, trong đó riêng MSB thỏa thuận 29,1 triệu đơn vị, giá trị 693,36 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch không mấy khả quan khi chỉ còn 2 mã là VCB và CTG giữ được sắc xanh với mức tăng tương ứng 3% lên 97.000 đồng/CP và 1,6% lên 41.100 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Cụ thể, TCB giảm 1,7% xuống 41.300 đồng/CP, STB giảm 2% xuống 19.200 đồng/CP, EIB giảm 1,8% xuống 19.350 đồng/CP, MBB giảm 1,9% xuống 28.650 đồng/CP, VIB giảm 1,2% xuống 45.150 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác như VIC, VNM, GAS, PLX, HPG, FPT… vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh VCB tăng khá tốt, một số mã bluechip khác cũng nới rộng biên độ hoặc giữ đà tăng tốt, tiếp sức giúp thị trường hồi phục sắc xanh như VHM tăng 1,5% lên 99.300 đồng/CP, VRE tăng 1,8% lên 34.600 đồng/CP, BVH tăng 2% lên 62.200 đồng/CP.

Cổ phiếu TCH vẫn duy trì đà tăng nhẹ và kết phiên tại mức giá 23.200 đồng/CP, tăng 0,9% với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 3,9 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip có phần thiếu khả quan thì nhiều mã vừa và nhỏ lại giao dịch bùng nổ. Đặc biệt, cặp đôi FLC và ROS vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt khi cả 2 cùng kết phiên ở mức giá trần với khối lượng giao dịch sôi động, đạt trên dưới 45 triệu đơn vị. Trong đó, FLC vẫn trong trạng thái dư mua trần chất đống, lên tới gần 33 triệu đơn vị.

Bất chấp các ý kiến khác nhau về dòng cổ phiếu "họ" FLC nhưng khối lượng giao dịch và lực mua chứng tỏ một điều rằng, "cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá". Đã tốt thì sẽ có nhà đầu tư mua.

Cổ phiếu HAP có chuỗi ngày tăng mạnh với việc xác lập 9 phiên tăng liên tiếp, trong đó có tới 8 phiên tăng trần. Tính chung từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu HAP đã tăng tới gần 140%, đóng cửa phiên giao dịch hôm nay tại mức giá 16.250 đòng/CP và thanh khoản cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh trong các phiên đều đạt vài triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã nhỏ khác cũng giao dịch đột biến như HQC tăng 5,7% lên sát mức giá trần 3.160 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 18,5 triệu đơn vị, ITA và DLG cũng giữ giá xanh với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 10 triệu đơn vị, AMD cũng tiệm cận mức giá trần…

Cổ phiếu TDP cũng xác lập phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Đóng cửa phiên hôm nay, TDP tăng 2,1% lên mức giá 29.000 đồng/CP và khớp gần 0,11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch không nhiều chuyển biến do sức ép đến từ các cổ phiếu ngân hàng.

Đóng cửa, sàn HNX có 121 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,03%), xuống 274,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 131,573 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.904 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 28,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 540 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank đóng vai trò là lực cản chính, trong đó BAB lùi sâu với mức giảm 7%, kết phiên tại mức giá 30.500 đồng/CP, SHB cũng giảm 2% xuống mức thấp nhất ngày 19.200 đồng/CP, ngoại trừ NVB lấy lại được mốc tham chiếu.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như PVS, DTK, VIF, SHS, NTP vẫn mất điểm.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, họ FLC là KLF và ART cùng khoe sắc tím. Trong đó KLF tăng 9,7% lên mức 3.400 đồng/CP với khối lượng khớp 21,63 triệu đơn vị và ART tăng 9,5% lên 6.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 9,22 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,25%), xuống 81,28 điểm với 164 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,44 triệu đơn vị, giá trị 1.020,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,48 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 258,37 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn duy trì phong độ ổn định khi tăng 3,7%, kết phiên tại mức giá 16.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 13,73 triệu đơn vị.

Trong khi đó các cổ phiếu lớn khác như ACV, VEA, VTP, MSR, VGI vẫn giao dịch trong sắc đỏ, là gánh nặng chính khiến thị trường chưa thể hồi phục.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm, trong đó VN30F2104 đáo hạn gần nhất ngày 15/4/2021 giảm 1,3% xuống 1.192,4 điểm, dẫn đầu thanh khoản khi gần 127.430 đơn vị, khối lượng mở gần 23.370 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, trong đó, CVRE2007 giao dịch sôi động nhất với 107.410 đơn vị được khớp, và kết phiên giảm 7,7% xuống 480 đồng/cq. Tiếp theo là CNVL2003 tăng 3,9% lên 2.120 đông/CQ và khối lượng khớp lệnh đạt 71.170 đơn vị.

Tin bài liên quan