Giao dịch chứng khoán chiều 4/11: VN-Index bật hồi 20 điểm, cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn la liệt sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 4/11: VN-Index bật hồi 20 điểm, cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn la liệt sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù nhiều cổ phiếu ngân hàng đảo chiều hồi phục giúp thị trường hãm đà rơi, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn la liệt nằm sàn trước áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thông tin lan truyền nhau về việc tạm dừng những dự án thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phục vụ yêu cầu điều tra, đã khiến thị trường trở nên tiêu cực hơn trong phiên sáng cuối tuần ngày 4/11.

Áp lực bán mạnh mẽ và lan rộng đã xảy ra khiến các cổ phiếu và nhóm cổ phiếu đồng loạt cắm đầu lao dốc. Chỉ số VN-Index đã bốc hơi hơn 40 điểm và lùi về dưới mốc 980 điểm khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định hơn, dòng tiền dần cải thiện đã giúp nhiều cổ phiếu bật hồi và có được sắc xanh, đặc biệt phải kể đến nhiều mã ngân hàng đã giúp VN-Index bật hồi tới 20 điểm.

Tuy nhiên, áp lực xả bán vẫn diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản, khiến thị trường khó tránh khỏi phiên giảm điểm mạnh. Chỉ số VN-Index kết phiên không thể lấy lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, và trạng thái thị trường vẫn tiêu cực với sắc đỏ chiếm áp đảo trên sàn khi có tới 410 mã, gấp tới hơn 7 lần số mã tăng là 56, đặc biệt là số mã giảm sàn là 68 mã, chiếm tỷ trọng lớn hơn cả số mã tăng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 22,66 điểm (-2,22%), xuống 997,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 753 triệu đơn vị, giá trị gần 12.910 tỷ đồng, tăng 70% về khối lượng và 64% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,39 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.475 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng bớt tiêu cực với nhiều mã đảo chiều hồi phục, đi ngược xu hướng chung của thị trường như CTG tăng 3,81%; MBB, SHB và MSB đều tăng hơn 1%; BID, TPB và OCB hồi nhẹ trên dưới 0,5%.

Mặt khác, các mã giảm trong ngành cũng thu hẹp biên độ hơn, đáng kể là “anh cả” VCB chỉ còn giảm 1,64%, TCB cũng chỉ giảm hơn 1%. Trong đó, cặp đôi VPB và STB thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất thị trường, đều đạt hơn 32 triệu đơn vị khớp lệnh; ngoài ra, MBB, LPB, SHB, CTG, TCB, ACB đều khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục bị xả bán mạnh với nhiều mã như SSI, VIX, VCI, CTS, FTS, BSI đều đóng cửa giảm sàn; VND giảm 6,3%... Trong đó, SSI và VND giao dịch sôi động nhất trong ngành, lần lượt khớp lệnh 25,31 triệu đơn vị và 22,89 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, dù cặp đôi lớn VHM và VIC thu hẹp biên độ khi chỉ còn giảm hơn 1%, nhưng số mã giảm sàn vẫn lớn với sự góp mặt của NVL, PDR, KBC, VCG, DIG, NLG, DXG, DXS, BCG, TCH, CII, FCN…

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG không có nhiều biến động so với chốt phiên sáng khi đóng cửa đứng tại mức giá 14.650 đồng/CP, giảm 3,6% và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 43,4 triệu đơn vị khớp lệnh, đồng thời cũng là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 4 triệu đơn vị. Trong khi đó, cặp đôi HSG và NKG đều đóng cửa giảm sàn.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm khá sâu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 35 mã tăng và 157 mã giảm (33 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,18 điểm (-2,93%), xuống 204,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73 triệu đơn vị, giá trị hơn 924 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,15 triệu đơn vị, giá trị 68,56 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, PGS vẫn là mã duy nhất ngược dòng thành công khi đóng cửa giữ mức tăng 3%, đứng tại mức giá 27.800 đồng/CP dù thanh khoản nhỏ giọt với chỉ 600 đơn vị khớp lệnh. Ngược lại, có tới 29 mã mất điểm.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu bất động sản trên HNX cũng giảm mạnh. Đáng kể là CEO đóng cửa giảm 9,6% xuống mức giá sàn 12.300 đồng/CP và khớp 6,97 triệu đơn vị; IDC giảm 6,9% xuống mức 40.300 đồng/CP và khớp 3,96 triệu đơn vị, IDJ và TIG đều giảm sàn với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng tiêu cực hơn với APS, ART, VIG đóng cửa giảm sàn, SHS đóng cửa giảm 3,7% xuống 7.900 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, với hơn 16,88 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hay một số mã đáng chú ý khác cũng trong xu hướng giảm sâu như HUT giảm 4,8% xuống 16.000 đồng/CP và khớp 3,12 triệu đơn vị; PVS giảm 4,1% xuống 21.300 đồng/CP và khớp 7,37 triệu đơn vị; PVC giảm 4,7%, TAR giảm 9% cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị...

Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và duy trì xu hướng giảm sâu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,4 điểm (-1,85%), xuống 74,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,35 triệu đơn vị, giá trị 370,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,11 triệu đơn vị, giá trị 37 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 6,74 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 3,4% xuống mức 17.200 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản vẫn là PVX khớp 4,79 triệu đơn vị, đóng cửa duy trì sắc xanh mắt mèo về mức giá sàn 2.900 đồng/CP cùng khối lượng dư bán sàn gần 0,63 triệu đơn vị.

Các mã PAS, SBS, VHG, HVG, C4G, ABB đều khớp hơn 1 triệu đơn vị và cũng trong trạng thái giảm sâu, với mức giảm hơn 5% đến giảm sàn.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 21,1 điểm, tương đương -2,1% xuống 980 điểm, khớp lệnh gần 490.880 đơn vị, khối lượng mở gần 48.870 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,48 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu 70 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là CTCB2211 khớp hơn 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 14,3% xuống 60 đồng/CQ.

Tin bài liên quan