Giao dịch chứng khoán chiều 4/5: Thị trường giảm sâu sau kỳ nghỉ lễ, VCG bất ngờ tăng tốc

Giao dịch chứng khoán chiều 4/5: Thị trường giảm sâu sau kỳ nghỉ lễ, VCG bất ngờ tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng, trong khi bên nắm giữ tiền mặt tỏ ra thận trọng khiến thị trường giảm sâu trong phiên đầu sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý như POW và VCG…

Trong phiên sáng, diễn biến của VN-Index gắn chặt với VN30 khi đồ thị giá của 2 chỉ số này tương đồng nhau. Sau khi VN30 xuống vùng 1.395 điểm, lực cầu bắt đáy túc tắc ở một số mã giúp nhóm này hãm đà giảm, kéo theo VN-Index trở lại 10 điểm, đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ có tính thị trường sau khi tăng tốt tuần trước đã chịu áp lực chốt lời mạnh sáng nay nên quay đầu giảm mạnh, đặc biệt là nhóm FLC giảm sàn đồng loạt, ngoại trừ ROS thoát mức sàn nhờ lực cầu vẫn duy trì ở mức tốt.

Bước sang phiên chiều, quán tính từ lực cầu bắt đáy phiên sáng giúp VN-Index tiếp tục thu hẹp đà giảm trong ít phút đầu phiên. Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau, lực cung gia tăng trở lại ở nhóm VN30, nhất là ở nhóm ngân hàng, khiến VN-Index lao nhanh xuống dưới ngưỡng 1.350 điểm. Lực cầu dù hoạt động tích cực hơn ở vùng giá này, nhưng không đủ mạnh khi dòng tiền chủ yếu chọn cách đứng ngoài quan sát trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, cũng như để nghe ngóng thêm các thông tin mới, khiến VN-Index chỉ hồi nhẹ trước khi quay lại đà giảm. Việc thiếu động lực của dòng tiền, nên trong đợt ATC, lực cung chỉ tăng thêm chút ít đã khiến VN-Index lùi bước và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Cũng như phiên sáng, diễn biến của VN-Index cũng gắn chặt với VN30.

Không chỉ sàn HOSE, sàn HNX cũng có phiên giao dịch thất vọng trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, cũng là phiên đầu tiên của tháng 5.

Sau khi chứng kiến đà bán tháo mạnh trong tháng 4, nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán nhận định, thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn trong tháng 5 và năm nay là “Buy in May” chứ không phải “Sell in May”. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý ngành khiến nhà đầu tư thận trọng và diễn biến trong phiên hôm nay đã cho thấy sự thận trọng đó.

Những nhà đầu tư bắt đáy đầu tuần qua đã nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận sau khi hàng về tài khoản và đủ điều kiện giao dịch, trong khi bên nắm giữ tiền mặt chưa dám mạo hiểm để mua và chờ đợi cơ hội của tháng 5.

Về các nhóm ngành, dù nhiều ngân hàng vẫn báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2022 với lợi nhuận tăng trưởng, nhưng diễn biến của cổ phiếu dòng bank trên sàn cho thấy, nhà đầu tư vẫn chưa đặt niềm tin vào nhóm này. Đây chính là nhóm cổ phiếu kéo giảm thị trường nhiều nhất phiên hôm nay.

Nhóm phân bón thậm chí còn bị bán ồ ạt và đồng loạt đóng cửa ở mức sàn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tính thị trường vẫn thiếu lực cầu hỗ trợ nên nhiều mã như FLC, AMD, HAI, TGG, VRC, TSC, FTM, hay HSG của nhóm thép… đóng cửa giảm kịch biên độ. Số mã giảm sàn theo đó tăng thêm 11 mã so với phiên sáng, lên 16 mã. Tuy nhiên, số mã tăng trần cũng không vì thế ít đi, thậm chí còn nhiều hơn phiên sáng 5 mã, trong đó đáng chú ý là sự bứt lên của VCG, cùng với “hiện tượng” POW từ phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 18,12 điểm (-1,33%), xuống mức thấp nhất ngày 1.348,68 điểm với 140 mã tăng, trong khi có 301 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ 528 triệu đơn vị, giảm 11,5% so với phiên cuối tuần trước; tổng giá trị giao dịch 4.192 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,4 triệu đơn vị, giá trị 963,7 tỷ đồng.

Tương tự, VN30-Index cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 1.389,59 điểm, giảm 27,72 điểm (-1,96%) với 21 mã giảm, trong khi chỉ có 8 mã tăng, nhưng có POW tăng trần.

HNX-Index cũng giảm 4,86 điểm (-1,33%), xuống 360,97 điểm với 91 mã tăng (11 mã trần), 135 mã giảm (14 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,8 triệu đơn vị, giảm 6,3% so với phiên trước; tổng giá trị 1.631,6 tỷ đồng, giảm 4,6% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể. HNX-Index cũng gắn với diễn biến của HNX30, nhưng thoát được mức thấp nhất ngày, trong khi HNX30 lại không.

Về diễn biến giá các cổ phiếu, nhóm ngân hàng vẫn chỉ là 2 sắc xanh lẻ loi SHB và LPB với mức tăng đều 2,4% lên 16.700 đồng và 16.800 đồng, cùng BID đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VIB giảm tới 6,1% xuống 40.400 đồng, TPB giảm 4,8% xuống 32.000 đồng, TCB giảm 4,6% xuống 42.000 đồng. Các mã giảm trên dưới 3% có ACB, MBB, STB và OCB. Các mã giảm trên dưới 2% có HDB, EIB, VPB và CTG.

Nhóm chứng khoán thậm chí toàn bộ đều chỉ một sắc đỏ với các mã lớn như SSI giảm 4,6% xuống 32.000 đồng, VND giảm 3,2% xuống 30.000 đồng, HCM giảm 3,2% xuống 25.700 đồng, VCI giảm 2,5% xuống 41.000 đồng.

Nhóm thép ngoài HSG giảm sàn, xuống 26.350 đồng, khớp đứng thứ 3 thị trường với 16,1 triệu đơn vị, còn dư bán sàn gần 1,3 triệu đơn vị, còn có NKG giảm mạnh 4,7% xuống 35.600 đồng, TLH giảm 4,6% xuống 14.400 đồng…, hay mã đầu ngành HPG cũng giảm mạnh 3% xuống 42.000 đồng.

Nhóm phân bón đồng loạt giảm sàn như DPM xuống 62.700 đồng, DCM xuống 35.950 đồng, BFC xuống 31.550 đồng.

Nhóm cổ phiếu thị trường ngoài nhóm FLC và Louis yên vị ở mức sàn, ngoại trừ ROS có sự hỗ trợ của lực cầu nên chỉ giảm 4,9% như phiên sáng, xuống 5.050 đồng với thanh khoản đứng đầu thị trường 27,1 triệu đơn vị.

Các mã giảm mạnh khác có ITA giảm 4,6% xuống 12.400 đồng, HAG giảm 2,7% xuống 9.920 đồng, DIG giảm 6,2% xuống 61.000 đồng, HNG giảm 2,6% xuống 7.160 đồng, LDG giảm 4% xuống 14.400 đồng, TCH giảm 3,1% xuống 15.600 đồng…

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng. Ngoài POW bất ngờ có sức hút mạnh với lượng khớp 20,4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ROS và đóng cửa tăng kịch trần 14.050 đồng, còn dư mua trần, phiên chiều còn ghi nhận sự khởi sắc của VCG (Tổng công ty Vinaconex), đặc biệt là sau 14h15. Thời điểm này, lực cầu gia tăng mạnh đã hấp thụ toàn bộ lượng dư bán, kéo cổ phiếu này lên kịch trần 31.350 đồng với thanh khoản hơn 5,5 triệu đơn vị.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2022 của VCG cho thấy, đơn vị đạt hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu, 789 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 13% mục tiêu về doanh thu và 55,6% mục tiêu về lợi nhuận của cả năm.

Xét về lợi nhuận sau thuế hợp nhất, VCG đạt 780 tỷ đồng, tăng 126% so với quý I năm ngoái. Vinaconex cũng là doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức cao cho các cổ đông với tỷ lệ 28% cho năm 2021, bao gồm 18% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu.

Trên HNX, nhóm FLC và Louis là KLF, ART (FLC), BII, VKC (Louis) đều giảm kịch sàn sau khi có tuần tăng mạnh trước. Trong đó, KLF có thanh khoản đứng thứ 2 thị trường sau PVS với 7,9 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm này, các mã khác như CEO cũng có phiên giảm mạnh 7,8% xuống 38.000 đồng, khớp 3,35 triệu đơn vị; IDJ giảm 5,1% xuống 18.500 đồng; hay HUT cũng đảo chiều từ sắc xanh nhạt phiên sáng, đóng cửa phiên chiều giảm 4,3% xuống 28.800 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm dầu khí vẫn giữ được phong độ với PVS tăng 4,1% lên 25.600 đồng, khớp 12 triệu đơn vị, PVC tăng 5% lên 21.100 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị.

UPCoM sau phút nỗ lực trở lại đầu phiên, cũng chịu chung cảnh ngộ với 2 sàn niêm yết khi bị đẩy mạnh ngay sau đó, nhưng cũng kịp hãm đà giảm cuối phiên nhờ nhóm dầu khí và VGI.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,27%), xuống 104,02 điểm với 166 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,3 triệu đơn vị, giá trị 768,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 77 tỷ đồng.

BSR duy trì đà tăng 1,4% lên 21.900 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường UPCoM. Cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng tăng 3,7% lên 14.000 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị.

Ngoài ra, C4G vẫn duy trì đà tăng 1,2% lên 17.000 đồng, khớp 4 triệu đơn vị. VGI tăng 3,8% lên 35.500 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm ít hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 giảm 26 điểm (-1,85%), xuống 1.383 điểm với 211.096 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 29.288 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm khi chỉ có 14 mã tăng, trong đó CPOW2201 do KIS phát hành tăng mạnh nhất 28% lên 320 đồng, nhưng thanh khoản chỉ 30.100 đơn vị. Trong khi đó, CMSN2111 do VCSC phát hành giảm mạnh nhất là 34,2% xuống 250 đồng, khối lượng chỉ 200 đơn vị.

Tin bài liên quan