Giao dịch chứng khoán phiên chiều 13/8: Thót tim thứ Sáu ngày 13

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 13/8: Thót tim thứ Sáu ngày 13

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cú lao dốc phiên chiều nhanh và quyết liệt của các chỉ số chứng khoán khiến không ít nhà đầu tư đã nghĩ tới viễn cảnh những phiên lao dốc đầu tháng 7 vừa qua, nhưng cảm giác lo ngại trôi rất nhanh và thay vào đó vì tiếc nuối vì đã không mua vào hoặc thậm chí "đen đủi" hơn là lỡ bán mất cổ phiếu ở vùng giá thấp.

Có thể, với những nhà đầu tư lỡ bán cổ phiếu đầu phiên chiều nay khi VN-Index về dưới 1.340 điểm sẽ thực sự tiếc nuối vì cú phục hồi của thị trường sau đó ngoài sự tưởng tượng của nhiều người. Sự tiếc nuối có thể còn tăng hơn nếu bán đi dòng cổ phiếu phân bón, chứng khoán, vật liệu,... vì trong những cổ phiếu này, có những cổ phiếu chốt phiên tăng gần chục phần trăm so với thời điểm giá thấp nhất trong phiên chẳng hạn như DCM. DPM.

Thứ Sáu ngày 13 thường có những biến động ngoài dự đoán! Và thị trường chứng khoán là như vậy, luôn chứa những bất ngờ.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng cú bật tăng mạnh cuối phiên chỉ nói lên một điều rằng thị trường giai đoạn này khó giảm sâu vì lực mua vẫn còn rất lớn, sẵn sàng tham gia khi có cơ hội. Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng cho thấy rằng, lực bán cũng luôn túc trực và sẵn sàng bán ra một cách quyết liệt khi dấu hiệu mua suy yếu, bất chấp thị trường đã có 2 phiên giảm điểm.

Cú giảm điểm mạnh là một lần cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng hơn với việc quản lý danh mục đầu tư cũng như dòng tiền của mình thay vì hưng phấn sau chuỗi phiên phục hồi ấn tượng 2 tuần trước.

Về xu hướng thị trường, như đề cập trong phiên sáng, thị trường vẫn đang dao động trong biên độ 1.350-1.380 của VN-Index, vùng hỗ trợ 1.350 đã chứng minh là vùng hỗ trợ mạnh trong phiên ngày hôm nay. Và cây nến rút chân trên đồ thị kỹ thuật hứa hẹn chứng khoán tuần tới, nếu không có thông tin bất ngờ ngày cuối tuần, thì có thể sẽ quay lại nhịp phục hồi đang diễn ra để hướng về các mốc điểm số cao hơn.

Nhìn lại cả một chuỗi phục hồi vừa qua có thể thấy, câu chuyện vẫn đang được kể ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Thực tế trong nhóm mã trụ của thị trường, khối ngân hàng tỏ ra khá yếu và phân hóa do các thông tin về khả năng lợi nhuận nửa cuối năm không như kỳ vọng, khối này sẽ giảm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp với mức cam kết tới hơn 20.000 tỷ đồng. Các nhóm trụ còn lại có sự khởi sắc hơn gồm bất động sản, vật liệu cơ bản, và chứng khoán, nhưng cũng có mức tăng không lớn và hầu hết chưa vượt được đỉnh cũ của mình.

Ngay trong phiên hôm nay, điều này thể hiện khá rõ khi nhóm ngân hàng biến động trái chiều. TOP 10 đóng góp vào đà phục hồi của VN-Index có mặt VPB và TCB, nhưng chiều kéo giảm chỉ số này lại có mặt tới 3 mã là MSB, BID, VCB.

Hết phiên hôm nay, VN-Index có tuần thứ 3 tăng điểm liên tiếp, kết thúc tuần điểm số vẫn nằm trên đường trung bình giá 5 tuần cho thấy dấu hiệu tăng điểm vẫn còn. Vấn đề là chỉ số sẽ chỉ số sẽ chỉ tăng mạnh khi các nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh hơn nữa, còn nếu không, câu chuyện sẽ vẫn nằm ở các dòng vốn hóa nhỏ và trung bình.

Đóng cửa, sàn HOSE có 166 mã tăng và 205 mã giảm, VN-Index tăng 4 điểm (+0,3%) lên 1.357,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 744,15 triệu đơn vị, giá trị 24.628,63 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng và tăng 8,57% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,43 triệu đơn vị, giá trị 1.644,67 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng nay, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều nhuộm đỏ thì càng về cuối phiên chiều, lực cầu gia tăng mạnh đã khiến các mã như TCB, MBB, ACB, STB, LPB đều tìm lại sắc xanh, đồng thời VPB cũng nới rộng biên độ khi tăng 2,7% lên mức giá cao nhất ngày 63.600 đồng/CP.

Cũng trong nhóm ngành tài chính, các cổ phiếu chứng khoán vẫn đóng vai trò hỗ trợ thị trường khi đồng loạt đều khởi sắc, đáng kể có FTS và APG cùng tăng 7% lên mức giá trần, SSI tăng 2,3% lên 59.000 đồng/CP, HCM tăng 4,1% lên 52.900 đồng/CP, VCI tăng 3,3% lên 57.000 đồng/CP, AGR và CTS cũng tăng trên dưới 2%.

Đặc biệt là sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu bất động sản. Sau nhịp rung lắc nhẹ và điều chỉnh trong phiên sáng, các cổ phiếu này đã đua nhau tăng mạnh, điển hình là DIG có thời điểm được kéo sát trần và kết phiên tăng 4,5% lên mức giá 34.000 đồng/CP, KDH tăng 3,5% lên mức cao nhất ngày 41.800 đồng/CP, các mã IJC, KBC, LCG, NTL, FCN, CII cũng đảo chiều tăng trên dưới 1%.

Cổ phiếu đầu ngành VHM tiếp tục duy trì mức tăng tốt và là điểm tựa cho thị trường khi kết phiên tăng 2,6% lên 120.000 đồng/CP.

Bên cạnh việc thị trường hồi phục sắc xanh là tín hiệu đảo chiều của các nhóm cổ phiếu phân bón, vận tải biển sau 1-2 phiên rung lắc trước đó. Đáng chú ý, ở nhóm phân bón, các mã DPM, DCM tăng trần và sát trần, BFC tăng 5,2% lên 38.100 đồng/CP.

Hay ở nhóm cảng biển, STG và VOS cùng lấy lại sắc tím khi tăng hết biên độ, TCL tăng 1,8% lên 40.000 đồng/CP, GMD tăng 4% lên mức cao nhất ngày 49.000 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu lớn trong nhóm sản xuất, công nghệ thông tin, bán lẻ như HPG, GVR, FPT, MWG cũng lần lượt tìm lại sắc xanh với mức tăng trên dưới 1%.

Về thanh khoản, các cổ phiếu lớn vẫn là tâm điểm của dòng tiền, trong đó HPG dẫn đầu với hơn 25,8 triệu đơn vị khớp lệnh, STB khớp 22,96 triệu đơn vị và SSI khớp 21,48 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi FLC và ROS dù có những nhịp hồi phục nhưng cuối cùng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Kết phiên, FLC giảm 3% và kết phiên đứng tại mức giá 11.200 đồng/CP với khối lượng khớp 23,11 triệu đơn vị, còn ROS giảm 1,9% xuống 5.300 đồng/CP và khớp 11,94 triệu đơn vị.

Một trong những mã đáng chú ý trong phiên hôm nay là PVT. Sau diễn biến lình xình giằng co nhẹ trong gần suốt cả phiên, cổ phiếu PVT đã bất ngờ tăng vọt cuối phiên nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Kết phiên, PVT tăng 6,8% lên mức giá trần 22.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 14,13 triệu đơn vị, đứng thứ 10 về thanh khoản trên sàn HOSE và còn dư mua trần gần 173.000 đơn vị.

Được biết, trong báo cáo nhận định của PSI vừa qua, cổ phiếu PVT đã được điều chỉnh giá mục tiêu lên 26.000 đồng/CP tương ứng P/E Forward 2021 đạt 9,9 với triển vọng kinh doanh tăng trưởng trong 2021 nhờ nhu cầu vận tải tích cực.

Trên sàn HNX, thị trường cũng giật mạnh đi lên vào cuối phiên nhờ lực cầu tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 92 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index tăng 2,64 điểm (+0,79%) lên 336,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 162,2 triệu đơn vị, giá trị 3.629,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,91 triệu đơn vị, giá trị 169,46 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có đóng góp tích cực, cụ thể SHS tăng 7,6% lên mức giá cao nhất ngày 49.500 đồng/CP, VND tăng 3,6% lên 51.400 đồng/CP, MBS tăng 2,8% lên 32.500 đồng/CP, BSI tăng 4,2% lên 25.000 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng hồi phục khá tốt như PAN tăng 3,9% lên 32.200 đồng/CP, IDC tăng 2,6% lên 36.000 đồng/CP, TNG tăng 5,4% lên 25.500 đồng/CP, NVB và SHB đều khởi sắc…

Trong khi đó, nhóm dầu khí vẫn chưa hồi phục. Trong đó, PVS kết phiên giảm 1,1% xuống mức 26.200 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tiếp theo đó là các mã bluechip gồm SHB khớp hơn 17 triệu đơn vị, SHS khớp 10,74 triệu đơn vị, VND khớp 8,94 triệu đơn vị, TNG khớp hơn 6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng kịp hồi phục sắc xanh ở những phút cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,2 điểm (+0,21%) lên 92,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 83,54 triệu đơn vị, giá trị 2.092,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,3 triệu đơn vị, giá trị 137,97 tỷ đồng, trong đó riêng MVC thỏa thuận 10,5 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.

Mặc dù đã tích cực hơn phiên sáng như BSR vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm sau những thông tin không mấy tích cực rằng Công ty đối diện rủi ro không còn sức tồn chứa, nguy cơ phải dừng nhà máy. Kết phiên, BSR giảm 3,5% xuống mức 19.200 đồng/CP với thanh khoản khá đột biến, đạt 39,6 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý trên UPCoM như VGT tăng 4,9% lên 19.200 đồng/CP và khớp 8,13 triệu đơn vị, HHV tăng 2,1% lên mức 19.700 đồng/Cp và khớp 4,45 triệu đơn vị, DDV rung lắc khá mạnh nhưng kết phiên đã lấy lại sắc xanh khi tăng 1,9% lên mức 15.700 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều hồi phục, với CN30F2108 tăng 7,9 điểm, tương ứng tăng 0,5% lên 1.485 điểm, khớp lệnh có gần 270.680 đơn vị và khối lượng mở 37.985 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ phần lớn. Giao dịch lớn nhất tại CPDR2101 với 80.880 đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm 11,7% xuống mức 1.660 đồng/CQ. Tiếp theo là CPDR2102 khớp 69.250 đơn vị và kết phiên giảm 5,5% xuống 2.930 đồng/CQ.

Tin bài liên quan