Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu GMD

CTCK DNSE

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Gemadept (GMD – sàn HOSE) đang đứng trước cơ hội bứt phá nhờ động lực tăng trưởng: Ước tính khoảng 20 – 25% sản lượng của GMD có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan Mỹ, chủ yếu tại cảng Gemalink (chiếm 32% sản lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ), nhưng phần lớn là hàng gỗ, nội thất, dệt may – ít bị áp thuế cao. Nhờ sở hữu 5,000 tỷ đồng tiền mặt, mở thêm tuyến dịch vụ sang châu Âu, châu Phi, Canada, Brazil và có hệ sinh thái logistics mạnh cùng cổ đông chiến lược CMA CGM, GMD được đánh giá sẽ ít bị tác động và có khả năng phục hồi nhanh hơn theo thời gian.

GMD đang triển khai 2 dự án mở rộng quan trọng là Nam Đình Vũ 3 và Gemalink 2. Nam Đình Vũ 3 dự kiến đi vào hoạt động từ 2026, giúp tăng 60% công suất của cảng Nam Đình Vũ và đóng góp 23% vào tổng công suất toàn hệ thống. Trong khi đó, Gemalink 2 kỳ vọng được phê duyệt pháp lý trong nửa cuối 2025 và đưa vào khai thác từ cuối 2026, bổ sung 600,000 TEU – tương đương 50% công suất hiện tại và đạt trên 70% công suất trước 2030. (TEU là đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa, tương đương với 1 container tiêu chuẩn có kích thước 20 feet).

GMD cũng đang tìm cơ hội đầu tư vào cảng và trung tâm logistics Cái Mép Hạ để mở rộng công suất và củng cố chuỗi dịch vụ.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2025: Doanh thu đạt 4.893 tỷ đồng (tăng 1,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.768 tỷ đồng (giảm 6,5% so với cùng kỳ) do mở thêm tuyến quốc tế, đẩy mạnh tuyến Nội Á và nhập hàng tăng trước khi áp thuế. Ngoài ra, công ty có thể được chấp thuận tăng phí xếp dỡ 10 – 15% tại Gemalink trong quý IV/2025 và hoàn tất thoái vốn mảng cao su trong năm nay.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PHR, TRC, DRI và nắm giữ DPR

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi giữ quan điểm tích cực với nhóm ngành cao su thiên nhiên với các luận điểm sau:

Thứ nhất, thị trường dường như đang đánh giá chưa thực sự khách quan về giá bán cao su tại Việt Nam và các tác động của thuế quan trong khi thực tế có thể không quá tiêu cực: (i) Cao su thiên nhiên nằm ngoài danh mục thuế đối ứng từ Mỹ; (ii) tình hình sản xuất các sản phẩm cao su (lốp xe) tại Việt Nam vẫn tăng trưởng 02 chữ số đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước (iii) Giá bán cao su loại SVR10 trong quý II ước tính tiếp tục tăng trưởng 8% , khả năng duy trì 1,8 USD/kg đến hết quý III/2025.

Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu vẫn sẽ được duy trì ổn định từ lĩnh vực lốp xe, dẫn dắt chính từ phân khúc lốp xe thay thế (sản phẩm tiêu dùng thường xuyên), khi (i) 75 - 85% sản lượng tiêu thụ lốp xe hàng năm toàn cầu và các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu đến từ phân khúc lốp xe thay thế; (ii) Nhu cầu đi lại tại các thị trường lớn đã quay trở về mức trước COVID-19 và được dự báo tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng.

Thứ ba, ngành công nghiệp cao su nội địa tại Việt Nam đang được mở ra nhiều cơ hội hơn, phần lớn đến từ sự chuyển dịch của các nhà máy lốp xe nước ngoài từ các cuộc chiến thuế quan trước đó, củng cố nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước và phần nào đảm bảo giá bán và tiêu thụ đầu ra cho các doanh nghiệp cao su nội địa. Đối với cuộc chiến thuế quan lần này bao gồm (i) Mỹ áp dụng thuế sắc 232 với 25% ngành công nghiệp ô tô; (ii) Châu Âu sẽ có thể đánh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe từ Trung Quốc từ 2026; chúng tôi đánh giá rằng sự chuyển dịch sẽ tiếp tục diễn ra khi Việt Nam sở hữu lợi thế về chi phí sản xuất.

Thứ tư, lợi thế của các doanh nghiệp niêm yết khi áp dụng EUDR với giá bán cao hơn từ 0.15-0.3 USD/kg so với sản phẩm thông thường: Hàng hóa từ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ vào EVFTA và được phân loại rủi ro thấp theo EUDR (so với các nước cạnh tranh như Bờ Biển Ngà; Malaysia; Indonesia và Campuchia khi đang bị xếp loại rủi ro tiêu chuẩn theo quy định này và không có các hiệp định thương mại tự do).

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR, TRC, DRI, với giá mục tiêu lần lượt 72.800 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 21,6% (bao gồm 2,2% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24); 94.500 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 45,1% (bao gồm 3,7% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24) và 18.000 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 44,5% (bao gồm 3,9% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24); đồng thời khuyến nghị nắm giữ dành cho DPR với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 9,6% (bao gồm 4,8% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24).

Tin bài liên quan