Giao dịch chứng khoán phiên chiều 2/11: Sóng bất động sản cuồn cuộn chảy, VN-Index lên trên 1.450 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 2/11: Sóng bất động sản cuồn cuộn chảy, VN-Index lên trên 1.450 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, với tâm điểm vẫn là ở nhóm bất động sản, cùng sự khởi sắc của nhóm công ty chứng khoán và trụ cột ngân hàng đứng vững đã kéo VN-Index tăng mạnh lên ngưỡng cao mới 1.450 điểm.

Sau phiên sáng tăng khá với sự dẫn dắt của nhóm bất động sản, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch vẫn rất sôi động và phiên thứ hai liên tiếp có hơn 1 tỷ đơn vị giao dịch tính riêng trên HOSE, chỉ số VN-Index tiến dần lên và vượt 1.450 điểm khi đóng cửa, mặc dù quá trình đi lên cũng liên tiếp cũng có những đợt rung lắc.

Thị trường chứng khoán đã rất nhanh quên đi cú sụt giảm của ngày hôm qua, hoặc đơn giản coi phiên điều chỉnh ngày đầu tháng chỉ là cú làm nguội sau chuỗi 4 phiên tăng nóng tuần trước. Sau khi đã quên thì chu trình tăng giá tiếp tục được lặp lại, trước phiên, nhiều dự báo cho rằng ngưỡng 1.450 điểm sẽ là ngưỡng cản tâm lý, nhưng thực tế giao dịch cho thấy những ngưỡng cản tâm lý chỉ trở thành ngưỡng cản kỹ thuật khi nhiều lần không vượt qua được, còn với sức nóng thị trường hiện tại thì đây rõ ràng không phải là mốc điểm đang để chinh phục.

Động lực tăng giá của thị trường vẫn là dòng tiền, quá mạnh! Mọi cú rũ hàng đều có thể trở thành "mất hàng" với nhà tạo lập, đặc biệt ở nhóm mã nóng là bất động sản và chứng khoán. Bất động sản hút tiền giai đoạn này là dễ hiểu và cũng nhiều lần được đề cập, sau mỗi đợt bùng phát dịch thì thị trường bất động sản đều có đợt tăng giá.

Bất động sản thì chia làm nhiều phân khúc từ nhà ở, du lịch, trung tâm thường mại, văn phòng cho thuê, bất động sản công nghiệp, đất nền,... Hiện tại, ngoại trừ khối bất động sản công nghiệp và trung tâm thương mại vẫn chịu ảnh hưởng nhất định vì dịch, thì đa phần đang có dấu hiệu về một đợt tăng giá mới, kể cả phân khúc "khó nhằn" là bất động sản nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, tính mùa vụ của lĩnh vực này cũng khá cao khi nhu cầu mua nhà thường tăng vào thời điểm cuối năm và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Những yếu tố trên đang được cộng hưởng bởi tác động từ dòng tiền rẻ, không phải ai cũng rút tiền để mua chứng khoán, một lượng tiền không nhỏ đang và sẽ đổ vào đất và nhà dưới dạng tích trữ tài sản hoặc đầu tư do lãi suất tiết kiệm thấp.

Diễn biến và dự báo thị trường bất động sản, tất cả đều đang phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường. Điểm đáng chú ý của nhóm này là ngoại trừ một số mã riêng lẻ, còn hầu hết là các mã chưa tăng giá nhiều kể từ đáy tháng 7, thị giá trong nhóm vừa và nhỏ nên khá dễ hút dòng tiền mới.

Với thị trường chung, phiên tăng điểm ngày hôm nay cũng không có quá nhiều điểm đáng chú ý, đơn giản là vẫn đang trong sóng tăng. Câu chuyện của mỗi nhà đầu tư vẫn là tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình, đua theo con sóng của cổ phiếu bất động sản là lựa chọn không tồi, nhưng cũng cần lưu ý rằng không cổ phiếu nào có thể tăng được mãi.

Chốt phiên, sàn HOSE có 302 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 13,49 điểm (+0,94%), lên 1.452,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.009,4 triệu đơn vị, giá trị 28.851,7 tỷ đồng, giảm gần 11% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,3 triệu đơn vị, giá trị 1.853,2 tỷ đồng.

Phiên chiều này ghi nhận đà tăng đột biến của bluechip GVR, khi leo thẳng lên mức giá trần +7% lên 42.100 đồng, khớp hơn 8,46 triệu đơn vị và trắng bên bán. Đà tăng mạnh khiến GVR trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất với 3 điểm tích cực cho VN-Index, trong khi VCB đứng thứ hai cũng chỉ góp được gần 0,9 điểm với mức tăng 0,9%.

Các mã lớn khác trợ lực thêm là PNJ +3,9% lên 105.000 đồng. Hai mã nhóm ngành bất động sản KDH +2,9% lên 50.400 đồng, PDR +2,4% lên 95.300 đồng. Tiếp theo là SSI +2,3% lên 42.350 đồng, SAB +2% lên 165.200 đồng, VJC +1,5% lên 132.000 đồng,

Nhóm ngân hàng tuy chưa có sự trở lại mạnh mẽ, nhưng đã tích cực hơn khá nhiều so với phiên sáng khi chỉ còn MBB, VPB, TCB đứng tham chiếu, còn lại đều tăng, với ACB là mã tăng tốt nhất +1,4% lên 33.150 đồng. Đáng kể, trong các mã vốn hóa nhỏ hơn thì EIB bất ngờ tăng hết biên độ +6,9% lên 24.900 đồng, khớp 0,92 triệu đơn vị.

Chỉ còn một vài bluechip giảm và đều chỉ giảm nhẹ như HPG -0,4%, MWG -0,8%, VNM -0,9% và POW -1,9% xuống 12.850 đồng.

Trên bảng chính, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm hút dòng tiền mạnh nhất, với các mã nổi bật nhất, đóng cửa tăng kịch trần là IDI, IJC, DIG, ICT, SJS, DC4, NLG, SAM, EVG, TCD, D2D, SGR, CCL, BCE, NHA, LDG, TTB…

Trong đó, LDG phiên này khớp lệnh vượt trội khi đứng đầu HOSE với hơn 29,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,97 triệu đơn vị, cổ phiếu SCR khớp hơn 15,2 triệu đơn vị, IDI khớp hơn 10 triệu đơn vị, IJC khớp hơn 8,46 triệu đơn vị…

Các mã tăng khá còn phải kể đến HBC +4%, TTA +4,2%, DRH +4,5%, FCN +4,8%, DXG +5,1%, FIT +5,3%, KBC +5,3%, LCG +6,3%, CII +5%, VCG +5,2%, BCG +6,4%, VPH +6,7%, NBB +7%... với khối lượng giao dịch cũng rất cao, từ 1,91 triệu đến 16,1 triệu đơn vị.

Đóng cửa trong sắc xanh cũng còn rất nhiều như FLC, ROS, HQC, ITA, DLG…với FLC khớp lệnh chỉ đứng sau LDG với hơn 27,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng đồng loạt nới biên độ tăng, ngoài SSI nêu trên thì VIX +5,1% lên 24.950 đồng, VDS +3,4% lên 25.150 đồng, AGR +3% lên 19.050 đồng, CTS +2,8% lên 31.700 đồng, FTS +2,6% lên 68.000 đồng, VND +2,5% lên 60.600 đồng, VCI +2,2% lên 69.500 đồng và BSI cùng APG tăng kịch trần lên 38.500 đồng và 19.350 đồng.

Ở chiều ngược lại, nhóm thép với HPG yếu đi cũng đồng loạt đi xuống sắc đỏ, nhưng biên độ giảm cũng chỉ ở mức thấp như HSG -0,4%, NKG -0,6%, TLH về tham chiếu.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bất động sản lớn cũng nới rộng đà tăng, kéo HNX-Index theo đó tiếp tục tiến đến các mức điểm cao hơn, trước khi hạ nhiệt đôi chút ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 184 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 8,57 điểm (+2,06%), lên 424,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 178,2 triệu đơn vị, giá trị 4.292,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,1 triệu đơn vị, giá trị 241,6 tỷ đồng.

Gần như toàn bộ những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn đều tăng, thậm chí còn tăng mạnh, với các cổ phiếu bất động sản IDC +6,2% lên 78.500 đồng, , L14 +10% lên 240.700 đồng, IDJ +9,9% lên 67.800 đồng, CEO +7,4% lên 13.000 đồng, VC3 +7,3% lên 39.900 đồng…

Các cổ phiếu công ty chứng khoán với SHS +2,7% lên 41.500 đồng, ART +4% lên 10.400 đồng, MBS +4,4% lên 38.200 đồng, BVS +9,3% lên 37.600 đồng, APS tăng trần +9,9% lên 42.000 đồng, PSI cũng tăng hết biên độ +9,4% lên 16.300 đồng, tương tự là IVS +9,6% lên 14.800 đồng,

Hàng loạt sắc tím khác với phần lớn là các cổ phiếu liên quan đến bất động sản như HHG, PVC, S99, KSQ, PVL, HOM, FID, SD6, SD9…

Cổ phiếu PVS cũng tạo sự khác biệt, khi khớp lệnh cao nhất HNX với 12,7 triệu đơn vị và tăng khá, +3,1% lên 30.300 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tịnh tiến đến các mức cao hơn trong phiên, mặc dù quá trình đi lên cũng gặp rung lắc nhất định.

Cổ phiếu VGT nới rộng đà tăng, +8% lên 27.000 đồng, trong khi BSR cũng đảo chiều tăng thành công +1,6% lên 25.200 đồng, khớp lệnh BSR cũng vươn lên cao nhất với hơn 12,79 triệu đơn vị khớp lệnh, VGT khớp hơn 11,44 triệu đơn vị.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,98 điểm (+0,92%), lên 106,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 125,7 triệu đơn vị, giá trị 2.559,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,8 triệu đơn vị, giá trị 465,8 tỷ đồng, trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ 16,19 triệu cổ phiếu PGB ở mức giá sàn, trị giá hơn 328 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2111 nhích nhẹ 1,4 điểm (+0,09%), lên 1.524,1 điểm, khớp lệnh có hơn 114.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, nhóm cq có khối lượng giao dịch cao với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh đều giảm, trong đó, CHPG2111 khớp 1,84 triệu đơn vị, mất 0,8% xuống 2.280 đồng/cq.

Tin bài liên quan