Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/2: Nhiều cổ phiếu nhỏ bị chốt lời, nhà đầu tư không dám xuống tiền

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/2: Nhiều cổ phiếu nhỏ bị chốt lời, nhà đầu tư không dám xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán chốt lời ở một số mã nhỏ tăng nóng như HQC, SCR, JVC... lan ra một số mã bluechip khác, trong khi đại đa số nhà đầu tư không dám giải ngân khiến thị trường thoái lui, chỉ may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.

Sau 5 phiên giảm điểm mạnh liên tục, thị trường đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay 28/2 khi sắc xanh xuất hiện ở nhiều nhóm, ngành cổ phiếu. Tuy nhiên, đà tăng chủ yếu đến từ việc cung giá thấp đã cạn sau những phiên bán mạnh trước đó, chứ không xuất phát từ sức cầu mạnh. Vì thế, thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp và đà tăng không bền.

Sự không ổn định này được thể hiện rõ trong phiên chiều. Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán bắt đầu gia tăng và dù không mạnh, nhưng cũng đủ khiến VN-Index chịu sự rung lắc, nhiều thời điểm đã lùi về dưới tham chiếu. Dẫu vậy, việc tiết cung giá thấp được duy trì giúp VN-Index giữ được sắc xanh đến cuối phiên.

Thị trường tăng điểm trở lại, song thanh khoản vẫn ở mức đáng lo ngại khi còn thấp hơn so với phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 24/2/2023) là hơn 6.500 tỷ đồng – thấp nhất trong gần 2,5 năm qua.

Đóng cửa, với 222 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 3,43 điểm (+0,34%) lên 1.028,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 432,6 triệu đơn vị, giá trị 6.480,56 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên 27/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 57 triệu đơn vị, giá trị 914,2 tỷ đồng.

Tại rổ VN30, sức cầu yếu khiến đa phần mã tăng chỉ nhích nhẹ dưới 1% như VPB, STB, ACB, VCB, TPB, HDB, POW, VNM, VIC… Chỉ VRE là tăng vượt trội với mức tăng 3,7% lên 26.700 đồng. Ngoài ra, có thêm MSN tăng 2,6% lên 82.000 đồng; VJC và VHM cùng tăng 1,5%.

Ngược lại, trong số 8 mã giảm, không mã nào giảm quá 2%. Giảm nhiều nhất là TCB -1,9% về 26.500 đồng; NVL, PDR và MWG cùng giảm từ 1-1,4%; HPG, CTG và GAS cùng giảm 0,5%; BID -0,3%.

Về thanh khoản, HPG khớp 15,2 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE. SSI khớp lệnh 11,9 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá 18.250 đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhỏ tăng nóng thời gian qua tiếp tục bị chốt lời, với mức cung mạnh hơn hôm qua nên đồng loạt giảm sàn như HQC, SCR, JVC, AMD, PSH. Trong đó, dẫn đầu thanh khoản sàn là HQC với hơn 19 triệu đơn vị, đóng cửa về mức sàn 3.450 đồng. Tương tự là SCR khi giảm sàn về 6.510 đồng và khớp được 13,68 triệu đơn vị, đứng thứ 3. JVC cũng giảm hết biên độ về 3.350 đồng, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. AMD cũng giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp về 1.430 đồng, sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trong tuần trước với mức tăng 37,8% từ 1.190 đồng lên 1.640 đồng.

Trong khi đó, sau thông tin Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc bị khởi tố do cố ý công bố thông tin sai lệch về chứng khoán, cổ phiếu TTB bị lao sàn 2 phiên liên tiếp xuống 3.320 đồng, thanh khoản thấp do không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm mua vào. Đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của TTB.

Dòng tiền phiên này tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, nhưng đa phần đều giảm điểm như LCG, IJC, NKG, TCH, HHV, LDG… khớp lệnh từ 3-9 triệu đơn vị.

Ngược lại, một số mã tăng trần như LSS, ST8, TDH, HSL… nhưng thanh khoản thấp.

Một số mã tăng điểm đi kèm thanh khoản cao là DXG +1,9% lên 10.000 đồng và khớp 11,2 triệu đơn vị, HSG +1% lên 15.550 đồng và khớp 9,1 triệu đơn vị, HAG +0,7% lên 7.450 đồng và khớp 4,6 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến kém tích cực hơn khi quay đầu giảm điểm trong phiên chiều trụ đỡ quá yếu, thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 87 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,44%) về 202,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,78 triệu đơn vị, giá trị 755,87 tỷ đồng, giảm 20% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 27/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7 triệu đơn vị, giá trị gần 305 tỷ đồng.

Rổ HNX30 có 17 mã tăng như CEO +3,6% lên 20.200 đồng, PVS +1,2%, IDC +0,3%, TNG +4,7%... nhưng không đủ sức để kéo chỉ số, khi nhiều mã giảm sâu như PLC -7,2%, BCC -4,4%, TVD -5,8%, NBC -5,4%..., trong khi các mã SHS, PVC, IDJ… cùng lùi về tham chiếu.

SHS vươn lên dẫn đầu sàn HNX về thanh khoản với mức khớp 5,57 triệu đơn vị, vượt qua CEO với 5,25 triệu đơn vị, đứng thứ ba.

Đứng thứ 2 là AMV với 5,38 triệu đơn vị, nhưng giảm sàn (-8,7%) về 4.200 đồng. SRA cũng nằm giá sàn 3.400 đồng (-8,1%) và khớp 1,34 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index diễn biến giật cục khi lùi qua tham chiếu sau giờ nghỉ trưa, trước khi bật tăng trở lại mức cao nhất ngày khi kết phiên. Thanh khoản giảm.

Đóng cửa, với 122 mã tăng và 101 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,79%) lên 75,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,67 triệu đơn vị, giá trị 267,5 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên 27/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 51 tỷ đồng.

Trong 4 mã thanh khoản cao nhất sàn, chỉ VHG tăng 4,5% lên 2.300 đồng, còn lại BSR -0,6% về 15.700 đồng, C4G -0,9% về 10.700 đồng và LMH đứng giá 5.300 đồng.

BSR khớp lệnh cao nhất UPCoM với 3,6 triệu đơn vị. LMH đứng thứ 2 với 2,12 triệu đơn vị. C4G và VHG khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, diễn biến cân bằng khi có lượng hợp đồng tương lai tăng - giảm bằng nhau, trong đó hợp đồng VN30F2303 đáo hạn gần nhất giảm 3 điểm (-0,3%) xuống 1.008 điểm, khớp lệnh hơn 306.067 đơn vị, khối lượng mở gần 53.380 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sự cân bằng cũng diễn ra. Phiên này, mã CHPG2221 được giao dịch mạnh nhất khi khớp 2,119 triệu đơn vị và đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/CQ.

Tiếp theo là CSTB2220 và CMWG2212 khi cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị và cùng đứng giá tham chiếu là 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan