Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/6: Lực cầu tích cực, VN-Index đảo chiều ấn tượng

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/6: Lực cầu tích cực, VN-Index đảo chiều ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh khiến số lượng mã giảm áp đảo số mã tăng, thậm chí VN-Index có lúc lùi sâu về mốc 1.260 điểm, nhưng vẫn có được sắc xanh khi kết phiên nhờ sức cầu tích cực.

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 7/6, sắc đỏ đã mở rộng trên bảng điện tử, VN-Index lao nhanh về dưới 1.280 điểm và khi chưa tìm thấy điểm tựa, áp lực bán gia tăng ở một số nhóm cổ phiếu trụ đỡ như bất động sản, xây dựng, thép… khiến VN-Index tiếp tục lùi về hỗ trợ đường MA20 (quanh 1.260 điểm). Lúc này, cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động, chặn đà rơi của thị trường, kéo VN-Index trở lại hơn 10 điểm, lên trên ngưỡng 1.270 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Bước vào phiên chiều, sau ít phút rung lắc nhẹ nửa đầu phiên, lực cầu gia tăng ở nhiều nhóm, đặc biệt là sự khởi sắc của nhóm dầu khí, điện, bảo hiểm, kéo VN-Index quay đầu đi lên và có phiên "quay xe" ấn tượng, đóng cửa với sắc xanh nhạt, ở mức cao nhất ngày. Dòng tiền hoạt động tích cực cũng giúp thanh khoản cải thiện đáng kể, lên mức cao nhất hơn 3 tuần.

Đóng cửa, với 149 mã tăng và 309 mã giảm, VN-Index tăng 1,34 điểm (+0,1%) lên 1.291,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 670,86 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 17.835 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 6/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44,8 triệu đơn vị, giá trị 1.34,5 tỷ đồng.

Lực mua tốt giúp giải tỏa sức ép tại rổ VN30, nhiều mã đã hạn chế đáng kể đà giảm như HPG, VPB, NVL. MWG, VRE, VIC, VNM, VJC, KDH đều giảm dưới 1%. TPB là mã giảm mạnh nhất là 3,6% về 29.600 đồng, các mã giảm còn lại như SSI, STB, MBB, ACB, BID, VMH, PDR có mức giảm từ 1-2%.

Trong khi đó, nhiều mã quay đầu tăng điểm như TCB, FPT, CTG, GVR, PNJ, MSN, SAB… với mức tăng từ 0,4-2,4%, giúp giảm sức ép lên chỉ số.

Đáng chú ý, POW giữ vững sắc tím, thanh khoản tăng đột biến với hơn 38 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường và còn dư mua trần tới gần 17 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu trụ đỡ như bất động sản, xây dựng, thép… yếu đà, nhóm cổ phiếu ngành điện và xăng dầu khí đốt nổi lên như là điểm sáng, mà đầu tàu là POW, kế đến là NT2, GEG, GAS, CNG, PPC, PLX…, trong đó NT2 +1,6% lên 25.500 đồng, khớp lệnh 2,2 triệu đơn vị, PLX +4% lên 46.700 đồng, khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị…

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng rất tích cực với MIG, BMI và PGI cùng tăng kịch biên độ, trong đó MIG khớp lệnh 4,26 triệu đơn vị (+7% lên 32.250 đồng), BMI khớp 1,23 triệu đơn vị (+6,9% lên 33.250 đồng). Các mã BVH và BIC đều tăng trên 3%, riêng BVH khớp lệnh 3,2 triệu đơn vị.

Một số mã đơn lẻ tăng trần đi kèm thanh khoản mạnh khác như PAN (lên 24.350 đồng và khớp 4,77 triệu đơn vị), HDG (lên 53.600 đồng và khớp 3,97 triệu đơn vị, CMX (lên 22.450 đồng và khớp 3,64 triệu đơn vị), TTA (lên 14.650 đồng và khớp 2,2 triệu đơn vị), FRT (lên 96.100 đồng và khớp 1,84 triệu đơn vị), LSS (lên 11.700 đồng và khớp 1,05 triệu đơn vị)…

Ở chiều ngược lại, một loạt mã giảm sàn trong phiên như DXG, FLC, AMD, ROS, DRH, QBS, HAI…, trong đó DXG khớp 20,2 triệu đơn vị (giảm về 21.650 đồng), đứng thứ 2 sau POW; FLC khớp hơn 15 triệu đơn vị (giảm về 4.850 đồng).

Nhiều mã thị trường khác cũng chìm trong sắc đỏ như HQC, HAG, ITA, HBC, BCG, DIG, HSG, TTF, LCG, NKG, SCR, LDG…, khớp lệnh từ 5-13 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến có phần tương tự khi chỉ số HNX-Index cũng giảm từ sớm và nỗ lực hồi phục, nhưng không có được sắc xanh như HOSE.

Đóng cửa, với 62 mã tăng và 148 mã giảm, HNX-Index giảm 2,26 điểm (-0,87%) xuống 304,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 131,09 triệu đơn vị, giá trị 3.369,2 tỷ đồng, tăng 65% về khối lượng và 97% về giá trị so với phiên 6/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 33,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.311 tỷ đồng chủ yếu tới từ thỏa thuận của hơn 21 triệu cổ phiếu TDH ở mức giá sàn 36.200 đồng.

Nhiều mã bluechips tăng tốt để hỗ trợ chỉ số như PVS, PVC, IDC, BCC, NRC…, trong đó PVS +4,8% lên 33.300, khớp lệnh hơn 19 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Đáng chú ý, TNG và TAR tăng kịch trần lên 32.100 đồng và 30.600 đồng, thanh khoản nằm trong nhóm cao nhất sàn với lượng khớp 6,1 triệu và 3,6 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã SHS, HUT, CEO, TVC, NDN, DDG, THD… đồng loạt giảm. Trong đó, SHS -1,7% về 17.600 đồng, khớp lệnh chỉ sau PVS với 15,5 triệu đơn vị. HUT -2,3% về 30.000 đồng, khớp lệnh 6,99 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng nỗ lực hồi phục trong phiên chiều nhưng cũng không về được tham chiếu.

Đóng cửa, với 97 mã tăng và 183 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%) xuống 93,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80,21 triệu đơn vị, giá trị 1.655,5 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên 6/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,9 triệu đơn vị, giá trị gần 191 tỷ đồng.

Các BSR, SBS, OIL, VGT… là điểm sáng hiếm hoi, trong đó BSR +5,7% lên 31.700 đồng, khớp lệnh cao nhất UPCoM với 27,57 triệu đơn vị. SBS tăng kịch trần +14,9% lên 11.600 đồng, khớp lệnh hơn 4,98 triệu đơn vị. VGT +4,6% lên 20.400 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị.

VHG và C4G cùng khớp trên 3 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tương lai đứng giá là VN30F2206 với 1.315 điểm, cũng là hợp đồng được giao dịch nhiều nhất với 278.664 đơn vị, khối lượng mở 33.843 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, tuy nhiên mã CPOW2201 dẫn đầu thanh khoản với gần 1,94 triệu đơn vị khớp lệnh kết phiên tăng 27,8% lên mức 230 đồng/CQ.

Tin bài liên quan