Giao dịch chứng khoán phiên sáng 1/11: Sức mua quá yếu, thị trường không thể bùng nổ theo đà

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 1/11: Sức mua quá yếu, thị trường không thể bùng nổ theo đà

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm trụ cột ngân hàng đang có phiên thứ hai liên tiếp giao dịch tích cực, trở thành điểm tựa cả về chỉ số và tâm lý cho thị trường.

Trong phiên hôm qua, thị trường đã bật tăng rất ấn tượng trong phiên chiều với hơn 20 điểm giúp VN-Index chốt phiên ở giá xanh. Sự hưng phấn được tiếp nối trong nửa đầu phiên sáng nay, nhưng việc bùng nổ theo đà đã không thành công bởi lực cầu quá yếu.

Trên thực tế thì đợt tăng điểm từ mức đáy thấp nhất 2 năm của VN-Index (962,45 điểm ngày 25/10) mới chỉ có tính phục hồi kỹ thuật chứ chưa thể khẳng định thị trường đã tạo đáy, do vậy sự thận trọng của đa số nhà đầu tư là dễ hiểu. Ngay cả những nhà đầu tư bắt đáy thành công cũng phải "canh bảng" để thực hiện chiến thuật T+. Thực tế, thị trường đang có sự biến động rất mạnh ngay trong phiên, việc "canh thoát" hoặc "canh mua" chỉ cần chậm một chút là sai nhịp.

Về mặt kỹ thuật thì VN-Index hôm nay sẽ phải chịu thử thách ở ngưỡng cản 1.038 điểm tương ứng với đường MA20, nếu vượt qua thành công với khối lượng khá thì xác suất về nhịp hồi sẽ được kéo dài hơn trong tuần này.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 1/11, thị trường có nhịp tăng khá mạnh lên gần 1.040 điểm với độ rộng tích cực khi có hơn 300 mã xanh, nhưng VN-Index đã hụt hơi khá nhanh do lực cầu chậm lại, trước khi tăng vọt lên gần 1.045 điểm nhờ sức bật vẫn tại nhóm trụ cột ngân hàng.

Tuy vậy, đà tăng đã chững lại ở nhiều nhóm ngành khác sau đó đã khiến thị trường quay đầu lùi dần về quanh 1.040 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay nổi lên STB, khi đã sớm tăng kịch trần lên 17.250 đồng, khối lượng giao dịch đứng thứ hai toàn sàn HOSE, chỉ sau HPG.

Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng đều đang tăng điểm, trong đó, những mã cho thấy đà tăng vững chắc là VPB, OCB, SHB, LPB, TPB, MBB, TCB, với mức tăng từ gần 3% đến hơn 4%.

Nhóm cổ phiếu bị bán tháo hôm qua là thép cũng đã tìm được sự cân bằng nhất định, chỉ còn HPG vẫn còn giá đỏ trên bảng điện tử, nhưng mức giảm không đáng kể, trong khi HSG, NKG đều tăng, dù mức tăng còn khiêm tốn.

Sức mua đuối dần khiến thị trường hạ thấp độ cao, bảng điện tử có thêm nhiều mã giảm, trong khi nhóm trụ ngân hàng cũng đã “hết lực”, khiến VN-Index dần yếu đà và lùi về dưới 1.035 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 282 mã tăng và 134 mã giảm, VN-Index tăng 6,50 điểm (+0,63%), lên 1.034,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 281,8 triệu đơn vị, giá trị 4.950,4 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 273 tỷ đồng.

Nhóm trụ ngân hàng phần lớn đều không giữ được mức cao nhất đạt được trong phiên, như STB từ giá trần còn +5,9% lên 17.100 đồng, TCB +4,1% lên 25.600 đồng, TPB +3,9% lên 21.500 đồng, LPB và OCB cùng tăng 3 lên 12.100 đồng và 13.600 đồng.

Còn lại, các mã MBB +2,8%, VIB +2,8%, SHB +2,6%, ACB +1,3%, các mã khác chỉ nhích nhẹ với BID, VCB, HDB, VPB tăng từ 0,1% đến 0,9%, còn CTG về tham chiếu.

Các bluechip khác đa số có sắc xanh, nhưng ngoài VNM +2,9%, thì cũng chỉ xanh nhạt, như VIC +0,2%, MSN +0,4%, FPT +0,4%, VHM +1,1%, PLX +1,9%...

Ở chiều ngược lại, NVL là cổ phiếu kéo lùi chỉ số nhiều nhất với mức giảm 3,4% xuống 67.600 đồng và PDR -2,9% xuống 42.450 đồng.

Trong khi đó, HPG -1,6% xuống 15.400 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường và bỏ xa phần còn lại với hơn 34,5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, không nhiều cổ phiếu tăng tốt, với chỉ một số ít đáng kể ở nhóm bất động sản SGR, CKG, DIG, TLD, HDC với mức tăng từ gần 3% đến hơn 4,5%.

Nhóm cổ phiếu thép sau phiên bán tháo hôm qua đã tích cực hơn, dù ngoài HPG vẫn giảm thì NKG, SMC cũng mất điểm nhẹ, TLH nhích 1,2% thì HSG là cổ phiếu nổi bật nhất với mức tăng 3,5% lên 11.800 đồng, khớp hơn 5,81 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cũng không có nhiều cổ phiếu giảm sâu và nếu có đều là những mã thanh khoản thấp, như SVI, SFI, UDC, DXV, EMC giảm sàn.

Tại các cổ phiếu thanh khoản cao, ngoài NKG, HPG nêu trên thì sắc đỏ còn tại NLG, APG, TDC, BAF, PVD, KBC, khớp từ hơn 0,6 triệu đến hơn 6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nửa đầu phiên tăng tốt, nhưng ở nửa sau cũng ghi nhận áp lực bán gia tăng và lực mua chững lại, khiến chỉ số thu hẹp đà tăng.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,93 điểm (+0,44%), lên 211,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,5 triệu đơn vị, giá trị 319,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,7 triệu đơn vị, giá trị 140 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đáng chú ý có HHG tăng trần +5,6% lên 1.900 đồng, TNG +5,1% lên 16.600 đồng, PVL +4,3% lên 2.400 đồng, IDC +3,4% lên 45.700 đồng, CEO +3% lên 13.900 đồng.

Các mã PVS, HUT, IDJ, APS, SHS, MBS, MBG, VGS tăng từ 0,9% đến 3%, với SHS phiên này thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, API -8,1% xuống 9.100 đồng, TVC -4,1% xuống 4.700 đồng, còn BII, KVC, AMV, DL1, BCC, EVS đứng tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên và kết phiên gần như không đổi.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%), lên 76,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,82 triệu đơn vị, giá trị gần 122 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,26 triệu đơn vị, giá trị 6,5 tỷ đồng.

Khá nhiều cổ phiếu tăng điểm ở nhóm có khối lượng khớp lệnh cao nhất, như VGI +7,6% lên 25.500 đồng, VLC +4,9% lên 17.000 đồng, PAS +5,1% lên 6.200 đồng và BSR +1,1% lên 17.700 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 1,1 triệu đơn vị.

Các mã giảm có DTE -6,3% xuống 7.500 đồng, FTM -5,6% xuống 1.700 đồng, DDV và SIP giảm nhẹ, trong khi VHG, SBS, ABB, VGT, BOT, PFL về giá tham chiếu, khớp lệnh từ 0,1 triệu đến hơn 0,67 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan