Giao dịch chứng khoán phiên sáng 1/2: Nhóm bán lẻ, công nghệ thu hút nhà đầu tư

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 1/2: Nhóm bán lẻ, công nghệ thu hút nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư nhanh chóng trở lại khá mạnh mẽ sau phiên lao dốc đầy bất ngờ hôm qua. Dòng tiền tương đối tích cực và có tín hiệu tìm đến các bluechip, cổ phiếu đầu ngành bán lẻ, công nghệ với MWG, FRT và FPT đang cho tín hiệu tốt.

Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu tiên tăng nhẹ, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh về gần 1.170 điểm với toàn bộ các nhóm ngành dẫn dắt đều đi xuống, ngoại trừ nhóm công ty chứng khoán.

Sau giờ nghỉ trưa, lực bán mạnh hơn được tung vào, đẩy VN-Index xuống mức thấp hơn về dưới 1.165 điểm, trước khi bật trở lại. Tuy nhiên, bên bán chỉ chờ có vậy để tung hàng, đẩy VN-Index lùi sâu về dưới 1.165 điểm khi đóng cửa với thanh khoản cao nhất gần 3 tuần.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 1/2, giao dịch có phần tích cực hơn khi dòng tiền khá mạnh đổ vào thị trường, trong khi bảng điện tử cũng có sắc xanh chiếm ưu thế hơn.

Tuy vậy, chỉ số VN-Index chưa bật lên mà giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu do thiếu sự hỗ trợ của nhóm bluechip.

Điểm nhấn phiên này có thể đến từ một số cổ phiếu nhóm bán lẻ, công nghệ như MWG, FRT, FPT khi tăng trên dưới 3% và nhận thanh khoản khá, với MWG và FPT đang khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn.

Trong khi đó, tân binh QNP chưa hết nóng, khi tiếp tục tăng kịch trần từ sớm +6,9% lên 44.700 đồng, dù chỉ khớp hơn 19.000 đơn vị.

Giao dịch vẫn khá tích cực về cuối phiên khi sắc xanh mở rộng trên bảng điện tử, VN-Index theo đó có nhịp tăng vững chắc và vượt 1.170 điểm khi kết phiên. Thanh khoản tuy có suy giảm so với phiên sáng hôm qua, nhưng vẫn đứng ở mức cao so với thời gian trước đó, đặc biệt dù kỳ nghỉ tết Âm lịch đã đến gần.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 258 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 6,81 điểm (+0,58%), lên 1.171,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 305,6 triệu đơn vị, giá trị 7.285,9 tỷ đồng, giảm hơn 50% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,9 triệu đơn vị, giá trị 909 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 có 19 mã tăng, trong đó, đáng kể nhất là GVR khi tăng kịch trần +6,9% lên 23.950 đồng, khớp hơn 5,4 triệu đơn vị.

Theo sau là hai cổ phiếu ngành bán lẻ, công nghệ với FPT +3,1% lên 98.700 đồng và MWG +2,6% lên 46.150 đồng, khớp lần lượt 5,08 triệu và 7,21 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như ngân hàng SHB, MBB, ACB, VCB, hay VRE, MSN, VNM, HPG, SAB nhích từ 0,5% đến 1,2%, với SHB phiên này khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường khi có hơn 11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã giảm đều chỉ mất điểm nhẹ, với VIB, BID, SSB, VHM, VIC, VPB chỉ mất từ 0,4% đến 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không có ngành nào quá nổi bật và chỉ xuất hiện những cổ phiếu riêng lẻ ở như xây dựng, khu công nghiệp, cao su tăng tốt có HHS tăng trần +6,9% lên 8.200 đồng, CTI +5,2% lên 16.200 đồng, SZC +4,2% lên 40.650 đồng, DPR +3,3% lên 34.050 đồng, TCH +3% lên 13.600 đồng, SIP +2,8% lên 79.700 đồng, TIP +2,4% lên 25.700 đồng. Trong đó, TCH khớp lệnh chỉ đứng sau SHB trên sàn với hơn 9,27 triệu đơn vị.

Tân binh QNP giữ vững mức giá trần +6,9% lên 44.700 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 21.000 đơn vị.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tiết cung giá thấp và đa số các cổ phiếu giảm đều chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ MHC -6,5% xuống 7.920 đồng và ST8 -4,4% xuống 15.250 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên rung lắc nhẹ quan tham chiếu cũng đã có nhịp bứt lên ở cuối phiên khá tích cực.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,46%), lên 230,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,8 triệu đơn vị, giá trị 458,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Bảng điện tử phân hóa khá mạnh, nhưng đa phần các mã lớn đều tăng nhẹ hoặc giữ ở tham chiếu đã giúp HNX-Index bật lên.

Theo đó, PVS, IDC, CEO, TNG, PVI, BAB, NTP đều tăng nhẹ, còn SHS, HUT, MBS, NRC, APS, MST đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,32 triệu đến 3,4 triệu đơn vị.

Đáng chú ý có lẽ là DTD khi +5,6% lên 28.300 đồng, khớp lệnh đạt hơn 1,23 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu giảm khá mạnh là TKG -6,2% xuống 9.100 đồng và CMS -5,9% xuống 16.000 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng đã có những phút tích cực về cuối phiên, đưa chỉ số này bật hẳn lên trên tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,23%), lên 87,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,7 triệu đơn vị, giá trị 190,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,95 triệu đơn vị, giá trị 147,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử UpCoM cũng có sự phân hóa mạnh, với các cổ phiếu VGI, HSV, DDV, VTP, DRI, QNS nhích nhẹ, trong khi BCR, BAB, SBS, CEN, AAS giảm nhẹ.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR về giá tham chiếu tại 18.800 đồng, khớp lệnh đạt hơn 2,46 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM.

Tin bài liên quan