Giao dịch chứng khoán phiên sáng 17/8: Cổ phiếu LDG bị bán tháo sau quyết định từ HOSE

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 17/8: Cổ phiếu LDG bị bán tháo sau quyết định từ HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trở lại trạng thái giao dịch cầm chừng và nhà đầu tư đang tìm chất xúc tác mới khi hiệu ứng của VIC đã không còn. Trong khi đó, thu hút sự chú ý lớn cũng dành cho cổ phiếu LDG sau khi HOSE hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu của chủ tịch Công ty.

Trong phiên hôm qua, tâm điểm không gì khác nhóm nhà Vingroup khi Vinfast đã có phiên chào sàn Nasdaq của Mỹ rực rỡ và dòng tiền ồ ạt được tung vào giúp VIC sớm tăng trần.

Dù có thời điểm áp lực chốt dù có phần gia tăng, VIC đứng vững ở sắc tím và thêm cổ phiếu liên quan là VHM bật lên và sự trợ giúp khác từ một số cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index trở lại và tăng gần 10 điểm lên mức cao nhất ngày tại 1.243 điểm, mức cao mới của năm và là mức cao nhất kể từ 15/9/2022.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/8, chỉ số VN-Index trở lại trạng thái giằng co, rung lắc khi thị trường gần như không tìm thấy nhóm ngành dẫn dắt nào.

Trong khi đó, cặp đôi VIC và VHM quay đầu giảm và nhóm bluechip hoạt động kém cũng góp phần khiến thị trường chưa rõ hướng đi.

Giao dịch đáng chú ý nhất tại cổ phiếu nhỏ LDG, khi giảm sàn ngay khi mở cửa tại 5.980 đồng, khớp lệnh được hơn 5,6 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, nhưng vẫn còn dư bán sàn lên tới hơn 22,2 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.

Thông tin mới liên quan đến LDG là việc ông Nguyễn Khánh Hưng đã bán ra hơn 2,61 triệu cổ phiếu LDG trong ngày 15/8 và giảm sở hữu từ 3,92% xuống còn 2,91% theo phương thức khớp lệnh.

Nhưng vào chiều hôm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn về việc giao dịch cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT của LDG mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đồng thời, theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) sẽ thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán số cổ phiếu LDG trên của ông Nguyễn Khánh Hưng.

Giao dịch thị trường vẫn rất sôi động, nhưng chỉ số không thể bứt lên do nhóm bluechip gần như ít biến động, trong khi bảng điện tử vẫn nghiêng về số mã giảm, dù phần lớn chỉ mất điểm nhẹ. Thị trường theo đó gần như chỉ giằng co nhẹ ở ngay dưới tham chiếu cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 173 mã tăng và 266 mã giảm, VN-Index giảm 1,38 điểm (-0,11%), xuống 1.241,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 514,4 triệu đơn vị, giá trị 12.207 tỷ đồng, tăng 21% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,6 triệu đơn vị, giá trị 663,5 tỷ đồng.

Trong số những trụ cột, VIC bị chốt lời nhẹ khi giảm 2,6% xuống 73.600 đồng, khớp hơn 11,5 triệu đơn vị, theo sau là BCM khi -2,2% xuống 71.300 đồng, VHM -1,7% xuống 61.800 đồng.

Các mã giảm khác có PLX, VJC, VRE, STB, HDB, VPB, MBB, ACB…nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu FPT, HPG trợ lực giúp chỉ số không giảm sâu hơn, với FPT +2,1% lên 86.900 đồng, HPG +2% lên 28.500 đồng. Sắc xanh khác còn tại các mã lớn khác như MSN, MWG, CTG, VNM.

Đáng kể nhất là cổ phiếu SSI, khi bật tăng 5% lên 30.300 đồng, khớp lệnh vươn lên cao nhất thị trường với 37,6 triệu đơn vị.

Đà tăng của SSI cũng đã tiếp sức cho các cổ phiếu khác trong nhóm công ty chứng khoán và đây cũng là nhóm cổ phiếu có tính đồng thuận cao nhất, giao dịch cũng rất sôi động tại nhiều mã.

Theo đó, VDS có thời điểm chạm giá trần, trước khi kết phiên +6,7% lên 16.800 đồng, khớp 1,79 triệu đơn vị; FTS +3,7% lên 33.600 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị; CTS +3,3% lên 26.750 đồng, khớp 1,37 triệu đơn vị, VND +3,3% lên 22.000 đồng, khớp 23,4 triệu đơn vị; AGR +3,1% lên 16.700 đồng; VCI +3% lên 44.300 đồng, khớp 4,16 triệu đơn vị, BSI +2,9% lên 33.450 đồng, khớp 1,19 triệu đơn vị, HCM +2,6% lên 31.100 đồng, khớp 6,16 triệu đơn vị…

Một số cổ phiếu riêng lẻ khác thu hút dòng tiền và tăng tốt như TNT tăng trần +6,9% lên 6.190 đồng, MHC +6,1% lên 11.300 đồng, TEG +4,9% lên 10.700 đồng, TNA +4,2% lên 7.420 đồng, DC4 +3,4% lên 12.300 đồng, TDH +3,4% lên 6.650 đồng và GEX khi +4,6% lên 23.950 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 28,55 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu đáng nhắc đến nhất vẫn là LDG khi nằm sàn -6,9% xuống 5.980 đồng, khớp hơn 6,1 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 23 triệu đơn vị.

Còn lại gần như ít xuất hiện các mã giảm sâu, dù có tới hơn 260 mã giảm trên sàn, với một số thanh khoản cao như BMP, DAH, EVG, HAX, EVE, HT1 giảm 2% đến 2,8%.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đuối sức về cuối phiên cũng đã đẩy HNX-Index rơi về dưới tham chiếu, dù điểm sáng vẫn là ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.

Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,13%), xuống 252,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 68,7 triệu đơn vị, giá trị 1.160 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,92 triệu đơn vị, giá trị 10,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu CEO, PVS, AMV, DDG, IDC, TNG, MST, NRC đều giảm nhẹ, thanh khoản nằm trong số cao nhất sàn, khớp từ 1,13 triệu đến 5,6 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng tốt đều thuộc về nhóm công ty chứng khoán với HBS tăng trần +9,8% lên 11.200 đồng, APS +8,2% lên 9.200 đồng, VIG +3,4% lên 9.000 đồng, PSI +3,2% lên 9.700 đồng, BVS +3% lên 27.200 đồng, SHS +3% lên 17.200 đồng. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 14,77 triệu đơn vị.

Tăng khác đáng kể còn IDJ +5,1% lên 8.300 đồng, API +7,9% lên 8.200 đồng, IPA +5,6% lên 18.700 đồng và CMS tăng trần +9,4% lên 12.800 đồng, khớp từ 0,55 triệu đến hơn 3,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, sau nửa đầu phiên giữ giao dịch trên tham chiếu, lực bán gia tăng cũng đã đẩy UpCoM-Index về sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,43%), xuống 93,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,5 triệu đơn vị, giá trị 471,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu công ty chứng khoán cũng là điểm sáng, với SBS +4,5% lên 9.200 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 4,3 triệu đơn vị, theo ngay sau là AAS khi có 2,3 triệu đơn vị và tăng 3,6% lên 11.600 đồng, ABW +4,3% lên 14.600 đồng, khớp 0,48 triệu đơn vị, TCI +3,2% lên 12.800 đồng, khớp 1.38 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất khi có 4,43 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm nhẹ 0,5% xuống 20.200 đồng.

Tin bài liên quan