Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/8: Tiếp tục giảm sâu

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/8: Tiếp tục giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên phục hồi yếu hôm qua và nhanh chóng rơi nhanh trong phiên sáng nay đang thực sự khiến nhà đầu tư lo ngại trong phiên chiều, khi lượng hàng kỷ lục trong phiên thứ Sáu tuần trước sẽ về tài khoản.

Trong phiên hôm qua, mặc chịu dù áp lực bán vẫn khá lớn sau phiên “tháo chạy” cuối tuần trước khiến VN-Index có thời điểm thủng ngưỡng hỗ trợ 1.170 điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của dòng bank đã giúp chỉ số hồi phục dần.

Thậm chí thị trường đã tăng mạnh lên sát mốc 1.190 điểm trước khi giật lùi trong đợt khớp lệnh ATC.

Phiên này, chỉ số VN-Index đã có phiên biến động với độ rộng khá lớn, hơn 23 điểm, từ mức giá thấp nhất trong ngày là 1.164,93 điểm lên mức cao nhất ngày là 1.188,13 điểm và đóng cửa chỉ tăng nhẹ chưa tới 2 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/8, thị trường nhích lên ngay khi mở cửa với giao dịch khá sôi động.

Nhưng dường như đây chỉ là tín hiệu “giả”, khi ngay sau đó, lực bán đã gia tăng trên diện rộng, khiến VN-Index đổ đèo nhanh chóng xuống dưới tham chiếu, phải đến khi chạm 1.170 điểm, chỉ số mới có nhịp bật lên, nhưng lực cầu là chưa đủ giúp chỉ số đi xa hơn mà chỉ ở quanh ngưỡng này sau hơn 1 giờ giao dịch.

Thực tế, lực bán tuy có lan rộng với hơn 330 mã giảm trên sàn HOSE, nhưng không quá mạnh, đặc biệt ở nhóm bluechip khi đa số chỉ biến động nhẹ. Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một số ít mất 3-4%.

Diễn biến đáng chú ý nhất là ở cổ phiếu LDG, khi được “giải cứu” khi lực mua bắt đáy mạnh xuất hiện và hấp thụ toàn bộ lượng mua giá sát chất đống hơn 22 triệu đơn vị trong phiên trước, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn đặt lệnh mua giá cao hơn, giúp cổ phiếu này có thời điểm xanh giá, khớp lệnh đang có hơn 23 triệu đơn vị.

Dù vậy, thanh khoản thị trường lại đang rất thấp, nhà đầu tư đang hết sức thận trọng quan sát và đánh giá rủi ro, khi phiên chiều nay, lượng hàng T+ giá thấp ngày thứ Sáu về tài khoản, và nếu thị trường tiếp tục đi xuống thì khả năng nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái sẵn sàng bị call margin hoàn toàn có thể xảy ra.

Tưởng chừng đà giảm sẽ được chặn lại khi VN-Index chạm hỗ trợ gần quanh 1.170 điểm (MA50), nhưng nhà đầu tư đã có phần hoảng loạn khi sợ hãi kịch bản không thể đoán trước trong phiên chiều nay và bắt đầu bán mạnh hơn.

Chỉ số VN-Index theo đó đã cắm đầu đi xuống, tìm về gần hỗ trợ sâu hơn tại 1.150-1.160 điểm và chưa có tín hiệu dừng lại khi thời gian giao dịch đã tạm kết thúc.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 46 mã tăng và 414 mã giảm, VN-Index giảm 24,85 điểm (-2,11%), xuống 1.154,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 416 triệu đơn vị, giá trị 8.344,3 tỷ đồng, giảm 29% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 454 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip chỉ còn 3 mã tăng là SSB +3,8% lên 27.600 đồng, trong khi VJC và GAS chỉ nhích nhẹ 0,5% và BVH đứng tham chiếu.

Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, không ít đã nới rộng đà giảm, với GVR là mã giảm sâu nhất khi -5,2% xuống 18.300 đồng, theo sau là BCM và POW khi giảm 4,2%.

Các cổ phiếu lớn khác như HPG -3,8% xuống 25.200 đồng, VRE -3,6% xuống 28.450 đồng, STB -3,5% xuống 30.700 đồng, VIC -3,2% xuống 63.700 đồng, VPB -3,1% xuống 20.150 đồng, các mã VIB, FPT và CTG đều giảm 3%.

Nhóm TCB, MSN, VNM, VHM, SSI, MWG, SHB mất từ 2% đến 2,9%, phần còn lại với VCB, PLX, HDB, MBB, BID…giảm 1% đến 1,8%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không ít cổ phiếu giảm mạnh, với HSL và PIT bị chốt lời và giảm sàn, khớp lệnh nhỏ giọt và dư bán sàn 0,33 triệu và 0,23 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu giảm sâu khác không loại trừ bất kỳ nhóm ngành nào, với sự xuất hiện ở các cổ phiếu công ty chứng khoán, bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, nguyên vật liệu như AGR -6,7% xuống 14.000 đồng, NHA -6,4% xuống 19.650 đồng, POM -5,9% xuống 6.410 đồng, ITC -5,7% xuống 10.800 đồng,CTD -5,4% xuống 56.000 đồng, DBC -5,4% xuống 21.100 đồng, CTS -5,4% xuống 22.800 đồng…

Các mã PVD, HCM, EVG, TDH, FCN, DLG, BSI, FTS, DRH, DXG, DHM, HT1, BCG, IDJ, VIX, GEX, PDR, NVL và nhiều cổ phiếu khác…giảm 4% đến hơn 5%.

Cổ phiếu LDG sau khi có thời điểm tăng giá, đã giảm mạnh trở lại -3,7% xuống 5.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 25,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chỉ cầm cự được sắc xanh không lâu và chịu sức ép mạnh và lao dốc nhanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 26 mã tăng và 147 mã giảm, HNX-Index giảm 4,05 điểm (-1,7%), xuống 233,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,6 triệu đơn vị, giá trị 713,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,56 triệu đơn vị, giá trị 81,5 tỷ đồng.

Gần như tất cả các cổ phiếu trong top thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 0,2 triệu đơn vị trở lên đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, một số những cái tên giảm sâu nhất có AAV -6,9% xuống 5.400 đồng, VGS -6% xuống 15.600 đồng, LIG -5,7% xuống 5.000 đồng, L14 -5% xuống 51.200 đồng, NRC -4,8% xuống 5.900 đồng, CEO -4,7% xuống 24.400 đồng, AMV -4,3% xuống 4.500 đồng, API -4,1% xuống 7.100 đồng.

Các cổ phiếu SHS, HUT, IDJ, MBS, MST, TAR, DDG, TNG, IPA giảm từ 2,5% đến gần 4%, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có 8,65 triệu đơn vị, giá cổ phiếu mất 2,6% xuống 15.200 đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index cắm đầu lao dốc từ giữa phiên và chưa thấy đáy.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,09 điểm (-1,21%), xuống 88,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,3 triệu đơn vị, giá trị 249,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,28 triệu đơn vị, giá trị 52,2 tỷ đồng.

Sắc đỏ cũng phủ kín nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất, ngoại trừ VHG, KVC, LMH khi tìm về tham chiếu và VSF +4,5% lên 25.500 đồng.

Cổ phiếu khớp lệnh cao nhất vẫn là BSR với 2,67 triệu đơn vị và thuộc top những mã giảm thấp, khi chỉ -1,6% xuống 17.900 đồng.

Tin bài liên quan