Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/5: Nhà đầu tư giao dịch chậm lại chờ xu hướng tiếp theo

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/5: Nhà đầu tư giao dịch chậm lại chờ xu hướng tiếp theo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 chưa có nhiều thay đổi đáng kể so với những phiên ảm đạm, thanh khoản thấp trong tháng 4 trước đó.

Trong phiên cuối tuần trước và cũng là phiên giao dịch cuối tháng 4, lực cầu tích cực được kích hoạt từ sớm giúp VN-Index có thời điểm tăng vọt lên gần mốc 1.220 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh đã khiến chỉ số chung hạ độ cao.

Bước sang phiên chiều, thị trường trở nên ảm đạm hơn khi tâm lý kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến dòng tiền giao dịch thận trọng hơn. Chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc đóng cửa tăng nhẹ ở những phút cuối.

Tính chung trong cả tháng 4, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm hơn 74,5 điểm, tương ứng giảm hơn 5,8%, đồng thời thanh khoản cũng giảm mạnh với sự xuất hiện của nhiều phiên quanh mức 15.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 2/5, cũng là phiên đầu tiên của tháng mới sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, thị trường tạm thời chưa có những phản ứng quyết liệt mới nào đáng kể, mà vẫn trong trạng thái thận trọng, thăm dò. Chỉ số VN-Index chủ yếu giằng co, rung lắc nhẹ ở quanh vùng tham chiếu với biên độ hẹp, thanh khoản cũng chưa có nhiều cải thiện với chỉ hơn 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch sau hơn 1 giờ giao dịch.

Dòng tiền phần nào vẫn đang tìm đến các cổ phiếu ở những nhóm quen thuộc như bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, bán lẻ, ngân hàng, với hầu hết các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn đều thuộc những nhóm trên, nhưng mức độ phân hóa cao và chỉ vài cái tên như BCG, HHV, VCG, CII, FPT có được sắc xanh khá vững khi nhích 2-3%.

Các mã vừa và nhỏ khác với thanh khoản thấp hoạt động đáng chú ý có HHS, DLG, AGG, HID, khi tăng 4-7%. Trong đó, DLG và AGG có thời điểm đã tăng hết biên độ.

Sau nửa đầu phiên cầm cự trên vùng tham chiếu, lực bán có phần gia tăng, dù không đủ mạnh nhưng lại lan rộng và bảng điện tử nghiêng hẳn về sắc đỏ, khiến VN-Index đảo chiều về dưới tham chiếu khi kết phiên, thanh khoản toàn thị trường vẫn dừng lại ở mức thấp.

Chốt phiên, sàn HOSE có 194 mã tăng và 241 mã giảm, VN-Index giảm 1,57 điểm (-0,13%), xuống 1.207,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 308 triệu đơn vị, giá trị 7.820,1 tỷ đồng, tăng nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (26/4). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,8 triệu đơn vị, giá trị 565,2 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa mạnh, với 14 mã tăng và giảm chia đều trong rổ VN30, cùng ACB và MBB đứng tham chiếu. Trong đó, hai cổ phiếu tăng đáng kể là SAB +3,7% lên 56.400 đồng, FPT +3,33% lên 127.300 đồng. Nhích 1% chỉ còn BCM và SHB, còn POW +2,4% lên 10.750 đồng.

Các cổ phiếu giảm cũng không mất điểm sâu, với GVR dẫn đầu với mức giảm chỉ -2% xuống 29.400 đồng, SSI cũng mất 2% xuống 34.500 đồng, CTG và STB giảm 1,8%, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Thanh khoản tốt nhất nhóm là SHB với 19,5 triệu đơn vị, MWG khớp 16,4 triệu đơn vị. Tiếp theo là CTG, HPG, HDB, STB, MBB, SSI khi khớp từ 3,6 triệu đến 7,5 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với chỉ những cái tên riêng lẻ như AGG, HID, PPC và DLG tăng kịch trần, khớp từ 0,5 đến hơn 1,8 triệu đơn vị.

Tăng đáng kể khác không còn nhiều, với DHM +6% lên 10.600 đồng, HVH +5,3% lên 5.390 đồng, SCS +4,4% lên 83.500 đồng, HHS +3,7% lên 9.160 đồng, NT2 +3,7% lên 22.200 đồng, BIC +3,3% lên 29.700 đồng. Các mã LSS, GEG, TCH, ST8, AAA, BCG, VCG, CMG, HAX, CII, DCM tăng 2% đến 3%. Trong đó, TCH và CII thuộc top khớp lệnh cao nhất sàn với lần lượt 8 triệu và 5,58 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, dù áp lực bán có phần gia tăng ở nửa sau của phiên, nhưng phần lớn nhà đầu tư cũng hạn chế bán giá quá thấp, ngoại trừ cái tên đáng chú ý nhất là DIG khi -5,04% xuống 26.400 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn phiên này với gần 25 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng điểm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 58 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,28%), xuống 226,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,9 triệu đơn vị, giá trị 547,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,67 triệu đơn vị, giá trị 47,8 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt hơn, với DL1 nhích 5,3% lên 4.000 đồng, AMV và VHE tăng hơn 3%, các mã IDC, AAV, LAS, IDJ tăng trên dưới 2,2%.

Các cổ phiếu lớn đều mất điểm, dù chỉ giảm nhẹ như SHS, CEO, PVS, MBS, trong khi đó VMS, VGS giảm hơn 3% và BVS -4,5% xuống 33.800 đồng. Khớp lệnh SHS phiên sáng nay vẫn đứng đầu sàn khi có hơn 7,44 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại tích cực hơn, khi giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên nhờ lực cầu được duy trì tốt.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,64 điểm (+0,72%), lên 89,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,2 triệu đơn vị, giá trị 171 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,42 triệu đơn vị, giá trị 3,84 tỷ đồng.

Trong số những mã khớp lệnh cao nhất, chỉ còn BSR và SBS giảm nhẹ, cùng VAB, VGT đứng tham chiếu. Còn lại đều tăng, trong đó, cổ phiếu VBB nổi sóng khi tăng kịch trần +14,4% lên 12.700 đồng, nhưng chỉ khớp hơn 0,12 triệu đơn vị.

Các mã ACV nhích gần 7% lên 88.300 đồng, khớp 0,83 triệu đơn vị, DDV tăng hơn 6% lên 15.400 đồng, khớp 1,62 triệu đơn vị, FOX +5% lên 65.600 đồng, khớp 0,32 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan