Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/10: "Quay xe" ngoạn mục, VN-Index hồi hơn 35 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/10: "Quay xe" ngoạn mục, VN-Index hồi hơn 35 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà giảm mạnh 2 phiên liên tiếp gần đây được nối dài tới đầu phiên sáng nay, nhưng đó là tất cả, sau đó VN-Index cắt gẫy chuỗi giảm điểm bằng cú hồi cực kỳ ngoạn mục với hơn 35 điểm từ mức 962,45 lên mức 997,70 điểm khi kết thúc phiên sáng.

Trong phiên hôm qua, VN-Index chính thức mất ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm quan trọng để về mức điểm thấp nhất trong vòng 2 năm qua, nối dài kỷ lục là thị trường chứng khoán có mức giảm điểm lớn nhất thế giới.

Bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường lớn đã phục hồi, chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô rất tích cực đã đi theo một đường riêng để giảm giá với tốc độ rất khó lý giải.

Tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đà giảm giá mạnh, dòng tiền mới không nhập cuộc cũng như nhiều thông tin chi phối đã chuyển thành hành động đó là bán tháo và rút tiền mặt. Giá nhiều cổ phiếu đã về mức đáy của đại dịch, bất chấp kết quả kinh doanh tốt cũng như triển vọng "không đến nỗi nào" quý IV.

Phiên sáng nay, thông tin về lãi suất điều hành được điều chỉnh tăng dường như đã được hấp thụ sớm ở trong phiên hôm qua nên sự tác động tới thị trường không quá lớn. Thêm nữa, điều may mắn là tâm lý "cổ phiếu đã rẻ nhưng còn có thể rẻ hơn" đã tạm dừng sáng nay khi dòng tiền quay lại thị trường, dù chỉ tập trung ở các mã lớn có đà giảm mạnh trước đó giúp VN-Index trở về lại kiểm định ngưỡng kháng cự 1.000 điểm vừa tạo ra ngày hôm qua.

Trong xu hướng giảm, đây có thể coi là tín hiệu tích cực đầu tiên khi thị trường đã hãm đà rơi, diễn biến tiếp theo còn ở... phía trước!

Chi tiết phiên giao dịch sáng nay 25/10, lực bán mạnh tiếp tục diễn ra mạnh, VN-Index sau ít phút cầm cự đã lao dốc và có thời điểm đã về gần 960 điểm, trước khi bật nhẹ lên 965 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Độ rộng vẫn tiêu cực với hơn 360 mã giảm và gần 100 mã trong đó đã sớm lùi về giá sàn và trắng bên mua, thậm chí một số cổ phiếu đã dư bán sàn với khối lương lớn, điển hình như VND với gần 32 triệu cổ phiếu, DIG với hơn 5 triệu cổ phiếu, KBC với hơn 3 triệu cổ phiếu…

Trong khi đó, ở nhóm bluechip, cổ phiếu SAB đang níu giữ giúp chỉ số không rơi sâu hơn với mức tăng hơn 4%, trong khi ở chiều ngược lại, các cổ phiếu VHM, GVR và KDH đã sớm giảm sàn…

Chạm đáy gần 960 điểm, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy, nhiều cổ phiếu đã đảo chiều tăng điểm mạnh giúp bảng điện tử bớt tiêu cực hơn, chỉ số VN-Index theo đó đã đảo chiều ngoạn mục và tăng trở lại lên gần ngưỡng tâm lý 1.000 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 177 mã tăng và 247 mã giảm (20 mã giảm sàn), VN-Index tăng 11,55 điểm (+1,17%), lên 997,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 423,9 triệu đơn vị, giá trị 6.823,4 tỷ đồng, tăng gần 50% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 634 tỷ đồng.

Nhiều bluechip đảo chiều là động lực chính với chỉ số, khi kết phiên có tới 24 mã tăng trong rổ VN30, với động lực chính đến từ các mã ngân hàng.

Theo đó, BID là cổ phiếu sáng nhất, khi đã tăng kịch trần +6,9% lên 32.450 đồng. Theo sao là CTG +6,7% lên 22.400 đồng, ACB +5,6% lên 20.600 đồng, MBB +5,1% lên 16.400 đồng, STB +4,7% lên 15.550 đồng, các mã khác trong nhóm với VIB +2,4%, VCB +1,3%, TCB, VPB, HDB và TPB đều kết phiên trong sắc xanh.

Ngoài các cổ phiếu ngân hàng, một số cổ phiếu khác cũng đóng góp lớn cho thị trường là BVH +5,8% lên 50.700 đồng, VRE +4,9% lên 23.450 đồng, HPG +4,6% lên 17.150 đồng, SAB +3,9% lên 188.100 đồng, VNM +3,4% lên 76.500 đồng, SSI +3% lên 15.550 đồng…

Ở chiều ngược lại, KDH, VHM thoát mức giá sàn, với KDH chỉ còn -3,8% xuống 21.350 đồng và VHM chỉ còn giảm nhẹ 1,1% xuống 44.100 đồng, tuy vậy, VIC vẫn giảm khá sâu -3,4% xuống 54.600 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ghi dấu ấn mạnh mẽ là cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM, khi cả hai đều tăng lên mức giá trần tại 31.950 đồng và 44.900 đồng. Cổ phiếu liên quan

Cùng với đó là HSG và SHB, khi cũng đã tăng hết biên độ lên 12.450 đồng và 10.550 đồng, khớp lệnh HSG có gần 10 triệu đơn vị, SHB khớp 7,6 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu khác cũng đã đảo chiều tăng, như ở nhóm công ty chứng khoán, ngoài SSI nêu trên thì tăng mạnh nhất là HCM +4,9%, VCI +4,3%, trong khi FTS, VIX, CTS, AGR cũng kết phiên trong sắc xanh.

Các cổ phiếu bán lẻ, nông nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng, nguyên vật liệu khác như HAG, DBC, VHC, PAN, DGW, FRT, BMI, MIG, NKG, DRC nằm trong số những mã tăng tốt nhất, nhích từ 2,5% đến hơn 4%.

Trái lại, vẫn còn tương đối nhiều mã giảm sâu, nhưng đa số cũng đã thu hẹp đà giảm. Trong đó, đáng chú ý nhất là VND, khi hơn 31 triệu cổ phiếu dư bán sàn đã bất ngờ được hấp thụ toàn bộ, giá cổ phiếu từ mức giá sàn đã chỉ còn -2,8% xuống 11.950 đồng, khớp lệnh hơn 44,5 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.

Tương tự là tại hai cổ phiếu DIG và KBC, khi lượng dư bán sàn cũng đã được khớp, giá cổ phiếu tuy thoát giá sàn, nhưng vẫn còn giảm sâu, với DIG -5,5% xuống 20.750 đồng, KBC -5% xuống 18.950 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lao dốc từ sớm, chạm đáy vào giữa phiên và cũng đã có nhịp hồi phục mạnh, tuy không thể đưa chỉ số này về sắc xanh, nhưng cũng chỉ số này cũng chỉ còn cách tham chiếu không xa khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 119 mã giảm (21 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,12%), xuống 209,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,2 triệu đơn vị, giá trị 559,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,57 triệu đơn vị, giá trị 33,77 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu tăng đáng chú ý như SHS +4,3% lên 7.200 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với 7,6 triệu đơn vị, PVS +6,8% lên 22.100 đồng, TNG +5,2% lên 16.100 đồng, PVC +6% lên 15.900 đồng, IPA +6,9% lên 10.900 đồng, MBS +3,3% lên 12.500 đồng…

Các cổ phiếu HUT, MST, VGS, TAR nhích nhẹ, trong khi CEO, AMV, TVC, DS3, KVC hồi phục lên giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng diễn biến tương tự, khi giảm sâu và chạm đáy vào giữa phiên và được kéo mạnh lên sau đó và kết phiên thu hẹp đáng kể đà giảm.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,37%), xuống 76,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,7 triệu đơn vị, giá trị 239,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Sắc đỏ vẫn chiếm đa số trên thị trường, nhưng phần lớn cũng đã không còn giảm sâu, thậm chí nhiều mã như BSR, ABB, C4G, BVB, LCM, PXS, PFL, BOT đã hồi về tham chiếu. Trong đó, BSR vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất UpCoM với hơn 4,44 triệu đơn vị khớp lệnh.

Sắc xanh có tại TCI, SIP, SSH, QTP, nhưng ngoài TCI +4,4% lên 7.100 đồng, thì còn lại chỉ tăng nhẹ.

Tin bài liên quan