Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/11: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index không qua được bài test

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/11: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index không qua được bài test

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp nối đà hồi phục chiều qua (28/11), thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay (29/11), nhưng chỉ ở mức khiêm tốn, không thể chinh phục được ngưỡng cản MA20 dù chỉ cách nửa bước chân.

Sau phiên giảm mạnh phiên thứ Năm tuần trước (23/11), thị trường có những phiên tăng giảm đan xen với điểm số gần như tương đương nhau ở mức hơn 7 điểm. Đã 3 lần ngưỡng 1.080 điểm đã phát huy vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường trong các nhịp giảm, nhưng VN-Index cũng đang gặp khó với ngưỡng cản ở đường MA20 (1.100 điểm).

Trong phiên hôm qua, nhờ lực cầu gia tăng trong phiên chiều khi VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.080 điểm, giúp chỉ số này bật hồi trở lại, đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản cải thiện hơn phiên trước, nhưng vẫn thấp hơn 9 phiên trước đó, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng. Đây là lý do khiến chỉ số vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng cản ở đường MA20.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, tiếp nối đà hồi phục cuối phiên hôm qua, thị trường mở cửa với sắc xanh tràn ngập khi số mã tăng gấp hơn 3 lần số mã giảm. Gần như các nhóm dẫn dắt đều tràn ngập sắc xanh, nhưng thanh khoản không quá nổi bật khi sự thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu. Trong số đó, nhóm bất động sản đang nổi lên là nhóm có sức hút nhất, trong đó NVL đang dẫn đầu về thanh khoản với 17,5 triệu đơn vị được khớp và đang có mức tăng khá tốt. Bên cạnh đó, còn phải kể đến DIG, DXG, PDR. Nhóm chứng khoán cũng có 3 cái tên có sức hút với nhà đầu tư là VIX, VND, SSI, bên cạnh một số mã ngành nông nghiệp (HAG, DBC), thép (HPG, NKG, HSG)…

Tuy nhiên, đà tăng của các mã chỉ trong biên độ hẹp, nên VN-Index cũng chỉ nhích nhẹ và không thể chinh phục được mốc 1.100 điểm, dù chỉ cách nửa bước chân.

Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 2,66 điểm (+0,24%), lên 1.098,09 điểm với 285 mã tăng, 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 271,1 triệu đơn vị, giá trị 5.555,4 7.071 tỷ đồng, giảm 20,6% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,5 triệu đơn vị, giá trị 416,2 tỷ đồng.

Dù số mã tăng vẫn chiếm thế áp đảo, nhưng càng về cuối phiên sáng, đà tăng của các mã càng thu hẹp dần, thậm chí có hàng chục mã đảo chiều giảm giá, khiến sắc đỏ nhiều hơn so với nửa đầu phiên sáng.

NVL vẫn giữ vị thế top 1 về thanh khoản với 23 triệu đơn vị, nhưng đà tăng về giá đã thu hẹp, chỉ còn mức 2,58%, đóng cửa ở mức 17.900 đồng, dù có lúc tăng 4,58% lên 18.250 đồng.

Các mã bất động sản giao dịch sôi động nửa đầu phiên sáng như DIG, DXG, PDR cũng giao dịch chậm lại chỉ còn mức tăng khiêm tốn dưới 0,5%, thanh khoản trên dưới 5 triệu đơn vị.

Tương tự, top 3 mã công ty chứng khoán có giao dịch sôi động đầu phiên cũng chỉ còn mức tăng khiêm tốn trên dưới 0,5% với thanh khoản từ 5 triệu đơn vị (SSI), đến hơn 11,6 triệu đơn vị VIX).

Trong khi đó, nhóm thép tích cực hơn khi giữ được mức tăng khá với HPG tăng 0,94% lên 26.950 đồng, khớp 10,3 triệu đơn vị, NKG tăng 1,1% lên 23.050 đồng, khớp 7,35 triệu đơn vị, HSG tăng 1,41% lên 21.600 đồng, khớp 5,59 triệu đơn vị.

Trong nhóm có thanh khoản tốt trên HOSE, HAG vẫn giữ được phong độ khá tốt với mức tăng 3,74% lên 11.100, chỉ cách mức cao nhất phiên 1 bước giá, thanh khoản đạt 16,83 triệu đơn vị, chỉ đứng sau NVL.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng có nhiều mã đảo chiều, nên sắc xanh và đỏ cân bằng hơn, dù mức tăng giảm không lớn. Trong đó, LPB là mã tăng mạnh nhất và cũng là mã duy nhất tăng hơn 1% (+1,67% lên 15.250 đồng), còn mã giảm mạnh nhất là SSB cũng chỉ mất 0,87% xuống 22.850 đồng.

Về thanh khoản, STB là mã có khối lượng khớp lớn nhất nhóm với 4,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,36% xuống 28.050 đồng.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi mở cửa với sắc đỏ nhạt, sau đó đi lên, nhưng lực cầu yếu và cũng bị cản lại bởi đường MA20 nên hạ nhiệt dần về cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,07 điểm (+0,48%), lên 225,46 điểm với 75 mã tăng và 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,8 triệu đơn vị, giá trị 679,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 15,6 tỷ đồng.

Sàn này sáng nay chỉ có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó SHS vượt trội so với phần còn lại với 11,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,27% lên 18.000 đồng. Mã có thanh khoản thứ 2 là CEO chỉ khớp 4,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,93% lên 21.800 đồng. Tiếp đến là PVS khớp 3,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,15% lên 38.000 đồng; MBS tăng 0,47% lên 21.500 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị; HUT khớp 1,13 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,52% lên 19.400 đồng.

Trong khi đó, UPCoM lại có giao dịch tiêu cực hơn 2 sàn niêm yết khi chỉ duy trì sắc xanh trong nửa đầu phiên, sau đó giảm thẳng từ đỉnh của phiên xuống đáy và đóng cửa trong sắc đỏ, gần sát mức đáy của phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%), xuống 84,44 điểm với 133 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,7 triệu đơn vị, giá trị 135,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Thanh khoản trên thị trường này vẫn tập trung chủ yếu vào BSR với 1,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,54% lên 18.700 đồng. Ngoài BSR, sáng nay chỉ có thêm 2 mã trên UPCoM có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là TCI với 1,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,88% lên 12.900 đồng, và HSV với 1,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,41% lên 7.100 đồng.

Tin bài liên quan