Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VIB

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2023-2024 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE) tăng lần lượt 0,4% và 26,1% so với năm trước.

Dự báo của chúng tôi dựa trên các cơ sở chính: (1) tín dụng 2023 và 2024 đạt lần lượt 9,9% và 14,8%; (2) NIM tăng nhẹ lên 4,8% trong 2023 và 5,1% năm tiếp theo (3) Chi phí trích lập dự phòng trong quý IV/2023 tiếp tục tăng mạnh 302,4% so với cùng kỳ đưa tổng chi phí trích lập trong 2023 tăng 257,5%. Chi phí trích lập trong năm 2024 được dự báo sẽ giảm 17,1% so với 2023 nhưng vẫn cao hơn 3 lần so với 2022.

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với VIB dựa trên tăng trưởng tín dụng trung bình trong giai đoạn 2024-2027 đạt 14,9% và NIM sẽ được duy trì quanh mức 5.0%; ROE được duy trì trên 25% trong cùng giai đoạn giúp lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng kép 15.3%/năm.

Đồng thời, chúng tôi cũng điều chỉnh giá giá mục tiêu 12 tháng xuống còn 20.100 đồng/CP do điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế 2023-2024 lần lượt 9,5% và 9,4% so với dự báo gần nhất dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn dự kiến. Ngoài ra, chất lượng tài sản suy giảm mạnh hơn kỳ vọng cũng khiến chúng tôi nâng tỷ lệ trích lập dự phòng cho 2023 và 2024.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCM

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong 10 tháng năm 2023, doanh thu ngành may vẫn là động lực tăng trưởng chính của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM – sàn HOSE). Cụ thể, tỷ trọng ngành may chiếm khoảng 76,7% doanh thu thuần, tương đương gần 2.192 tỷ đồng (giảm 24% so với cùng kỳ). Doanh thu từ vải ước đạt gần 454 tỷ đồng (giảm 16%), chiếm khoảng 15,9% doanh thu thuần.

Trong khi đó, giá sợi xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với sợi giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến tỷ trọng ngành sợi vẫn chỉ chiếm 6% trong cơ cấu doanh thu của TCM, tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm mạnh từ mức 11% vào năm 2021. Tính đến tháng 8/2023, giá bông nhập khẩu đã giảm 33,7% so với cùng kỳ nhờ xu hướng giảm của giá bông thế giới, dự kiến sẽ tác động tốt lên sự hồi phục của ngành sợi trong tương lai.

Về cơ cấu thị trường, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ giảm 19,3% đạt 12 tỷ USD do sức ép tiêu thụ hàng tồn kho tăng cao kỷ lục vào quý III/2022, khiến đơn hàng tại các doanh nghiệp dệt may bị cắt giảm. Qua đó, TCM cũng bị ảnh hưởng theo tình trạng này với doanh thu xuất khẩu sang Mỹ theo chúng tôi ước tính giảm 36,3% còn khoảng 793 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc ghi nhận mức sụt giảm thấp hơn với giá trị xuất khẩu đạt ,6 tỷ USD (giảm 6,8%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn giữ ổn định, đạt 3,3 tỷ USD (tăng trưởng nhẹ 0,5%).

Trong 10 tháng năm 2023, TCM ghi nhận mức sụt giảm trong doanh thu xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản thấp hơn so với thị trường Mỹ, lần lượt đạt 701 tỷ đồng (giảm 15,8% so với cùng kỳ) và 554 tỷ đồng (giảm 24,9%). Ngoài ra, TCM có đối tác chiến lược là E-land cũng giúp ổn định phần nào đơn hàng tại Hàn Quốc.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với TCM tại mức giá hợp lý là 55.300 đồng/CP, tương ứng mức P/E và P/B trượt 2024 lần lượt là 15.5x và 1.7x.

Tin bài liên quan