Giao dịch chứng khoán phiên sáng 3/8: Dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu bán lẻ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 3/8: Dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư đã chậm lại và giao dịch trở nên thận trọng khiến các chỉ số chính đang hoạt động tương đối kém. Nhưng một bộ phận dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu tiêu dùng, bán lẻ, sau khi phần lớn các doanh nghiệp lớn trên sàn báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua giảm sâu.

Trong phiên hôm qua, giao dịch thận trọng từ sớm khiến VN-Index liên tục đảo chiều quanh tham chiếu trong phiên sáng với biên độ hẹp và thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Sau giờ nghỉ trưa, thị trường tiếp diễn trạng thái lình xình ở mốc tham chiếu và dần tìm lại sắc xanh. Nhưng trạng thái phân hóa mạnh trên thị trường chung và cả nhóm bluechip khiến VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ trong suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 3/8, ít phút sau nhịp rơi nhẹ thời điểm mở cửa, thị trường đã nhanh chóng hồi phục, nhưng lực cầu còn hạn chế do nhà đầu tư thận trọng hơn, trong khi các bluechip trở lại trạng thái ảm đạm đã khiến VN-Index chỉ đủ sức trồi nhẹ nhẹ lên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Một số cổ phiếu đáng chú ý và nhận được dòng tiền tương đối mạnh là ở các nhóm cổ phiếu dịch vụ, bán lẻ, như kinh doanh ô tô với HAX tăng trần từ khá sớm, SVC nhích hơn 3%, CTF tăng gần 2%; ngành ICT với PET vọt hơn 6%, DGW tăng hơn 4%, MWG và FRT tăng 3-4% cùng thanh khoản khớp lệnh tương đối cao.

Ngoài ra là một vài cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm ngành khác như DAH, MHC, HSL đã tăng hết biên độ, DBC, CTI, QCG cũng đang tăng 3-4%.

Đi ngang nhàm chán ngay trên tham chiếu với biên độ hẹp, nhà đầu tư đã có chút giật mình khi lực bán đột ngột gia tăng khiến VN-Index đổ đèo khá nhanh về gần 1.215 điểm và may mắn bật nhẹ ở những phút cuối từ ngưỡng điểm này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 178 mã tăng và 241 mã giảm, VN-Index giảm 3,21 điểm (-0,26%), xuống 1.217,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 473,9 triệu đơn vị, giá trị 9.888,2 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,3 triệu đơn vị, giá trị 431,5 tỷ đồng.

Nhóm bluechip có thêm nhiều sắc đỏ là nguyên nhân chính khiến VN-Index có nhịp giảm cuối phiên, trong đó, không ít cổ phiếu lớn “đóng góp” vào sự sụt giảm này, với HPG là cổ phiếu giảm mạnh nhất, dù vậy, giá cổ phiếu cũng chỉ mất 1,8% xuống 27.000 đồng, khớp lệnh vươn lên cao nhất nhóm và toàn thị trường với gần 23 triệu đơn vị.

Các mã khác giảm không đáng kể, với chỉ PLX và POW trong nhóm VN30 là hai mã còn giảm hơn 1%, còn VCB, BVH, VPB, SSI, STB, BID chỉ giảm từ 0,7% đến 0,9%.

Ở chiều ngược lại, MWG hạ nhiệt, chỉ còn +2,3% lên 52.900 đồng và là mã tăng tốt nhất trong nhóm, cổ phiếu ACB cũng là mã duy nhất còn tăng hơn 1% lên 23.350 đồng. Trong khi đó, VHM, VIC, VJC, SAB, MSN, FPT chỉ tăng nhẹ từ 0,2% đến 0,9%.

Tại các nhóm ngành khác, các cổ phiếu bán lẻ hạ nhiệt theo chân MWG, không còn giữ được mức đỉnh trong phiên, với FRT +4,3% lên 79.700 đồng, HAX mất sắc tím, chỉ còn +4,2% lên 16.150 đồng, PET +4,2% lên 30.750 đồng, DGW +3,7% lên 56.000 đồng, SVC +3% lên 37.700 đồng, CTF +2% lên 30.600 đồng.

Trong đó, HAX khớp lệnh tốt nhất khi có hơn 4,77 triệu đơn vị, DGW khớp hơn 3,1 triệu đơn vị, FRT khớp hơn 1,85 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ giữ vững đà tăng cao là MHC và HSL khi kết phiên ở giá trần tại 7.750 đồng và 6.100 đồng, khớp lần lượt 0,42 triệu và 0,16 triệu đơn vị.

Đáng kể khác là DAH +6,7% lên 5.290 đồng, NNC +4,2% lên 20.000 đồng, DRC +3% lên 24.100 đồng, nhích hơn 2% toàn sàn chỉ còn VSC, DPR, NTL, HAH, TBC, DBC, CIT, QCG.

Trái lại, lực cung giá thấp cũng không xuất hiện nhiều, với đa số các mã chỉ mất điểm nhẹ, ngoại trừ VCG khi phần nào bị một bộ phận nhà đầu tư chốt lời, giảm 3,5% xuống 26.350 đồng, khớp hơn 7,59 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng phần lớn thời gian giao dịch ở ngay sát tham chiếu trước khi có nhịp đảo chiều giảm nhanh về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,22%), xuống 240,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,2 triệu đơn vị, giá trị 692,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị 165 tỷ đồng.

Giao dịch khá trầm lắng, khiến phần lớn các cổ phiếu có thanh khoản cao đều biến động nhẹ với biên độ giá thay đổi chỉ trên dưới 1%, trong đó, những cái tên IDJ, TNG, DDG, TIG tăng nhẹ, còn HUT, PVS, TAR, IDC, MBS, APS, AAV mất điểm, cùng với đó khá nhiều mã đứng tham chiếu như CEO, AMV, MBG, SRA, API, LIG, NRC…khớp lệnh từ 0,55 triệu đến 2,9 triệu đơn vị.

Phiên này, SHS vẫn là mã thanh khoản cao nhất sàn với 6,63 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,7% lên 15.300 đồng.

Đáng kể khác là VC7 khi bứt lên +6,7% lên 22.300 đồng, khớp lệnh có hơn 0,82 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index kết phiên tăng khá vững, dù lực cầu không quá cao, nhưng lực cung được tiết giảm.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,38%), lên 91,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,2 triệu đơn vị, giá trị 511,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trong khoảng 20 cổ phiếu thanh khoản khớp lệnh tốt nhất đã không có mã nào giảm, nhưng sự phân hóa cũng rõ nét, khi nhiều cổ phiếu đứng tham chiếu là BSR, ABB, SBS, OIL, HHG, KVC, AAS, PAS…với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 6,28 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng đa phần nhích nhẹ, ngoại trừ DGT khi +8% lên 9.400 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan