Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: Cổ phiếu CEO bất ngờ được săn đón

Giao dịch chứng khoán sáng 19/7: Cổ phiếu CEO bất ngờ được săn đón

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi phiên điều chỉnh từ cuối tháng 6 tới nay, đẩy mức giá từ 19.7 về vùng 15.3, cổ phiếu CEO bất ngờ nổi sóng lớn trong phiên hôm nay (19/7) - phiên giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.

Cũng như nhiều cổ phiếu bất động sản khác, sau giai đoạn bùng nổ 2021, cổ phiếu CEO đã điều chỉnh mạnh trở lại trong năm 2022, xác lập mức đáy của chu kỳ giảm trong tháng 11/2022 sau đó hồi phục dần.

Trong quý II/2023, cổ phiếu này đi ngang trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 19.000 đồng/CP, nhưng trở lại xu hướng giảm từ cuối tháng 6 rơi từ mức 19.700 đồng, xuống ngưỡng 15.300 đồng khi chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (18/7).

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 100:98 với giá 10.000 đồng/CP hôm nay (19/7), CEO bất ngờ nhận được sự săn đón của nhà đầu tư khi ngay từ đầu phiên, lực cầu đã ồ ạt được tung vào, kéo mã này lên kịch trần 16.800 đồng ngay khi mở cửa. Lực mua sau đó mỗi lúc một lớn, trong khi bên bán lại không muốn ra hàng với kỳ vọng giữ lại để có quyền mua thêm với giá thấp hơn thị giá hiện tại khoảng 40%, khiến thanh khoản không lớn như thường nhật, trong khi lượng dư mua trần ngày một nhiều, đến thời điểm hiện tại là hơn 13,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HOSE, nhóm bất động sản cũng nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền khi Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất sàn này thì có 4 mã bất động sản hoặc có liên quan là DIG, NVL, GEX và DXG. Tuy nhiên, về giá chỉ có DIG và GEX tăng nhẹ, còn NVL và DXG giảm nhẹ.

Nhóm bất động sản trên HOSE sáng nay sắc đỏ cũng chiếm ưu thế do áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng sau chuỗi tăng vừa qua.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, HDB là mã có diễn biến tích cực nhất về giá khi tăng 1,8% lên 16.750 đồng. HDB cũng có điểm chung giống CEO là hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để phát hành thêm cổ phiếu, nhưng khác với cổ đông CEO là mua thêm, với cổ đông HDB là nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%.

Ngoài HDB, VCB cũng có mức tăng khá tốt 1,3% lên 105.700 đồng, mức lịch sử mới, qua đó giúp VN-Index duy trì được sắc xanh nhạt, dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Nhóm ngân hàng có thêm 3 sắc xanh nhạt nữa là LPB, TCB và SSB. Còn lại có 8 mã giảm và 3 mã đứng giá.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,57 điểm (+0,05%), lên 1.174,66 điểm với 164 mã tăng và 240 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 423 triệu đơn vị, giá trị 8.364,8 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 11,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,8 triệu đơn vị, giá trị 1.150,5 tỷ đồng.

Thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE sáng nay là DIG với 18 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,2% lên 23.400 đồng. Tiếp đến cũng là một mã bất động sản là NVL với 17,07 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,3% xuống 14.850 đồng. Trong khi đó, DXG và GEX đã bị VPB, HAG vượt qua rơi khỏi Top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn. Trong đó, DXG đứng ở vị trí thứ 6, GEX ở vị trí thứ 7 và tiếp tới vẫn là một mã bất động sản là PDR với thanh khoản từ hơn 8 triệu đơn vị đến hơn 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX lại giữ vững đà tăng khá tốt với sắc xanh và đỏ cân bằng nhau, nhưng có phần nghiêng về sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,37%), lên 231,8 điểm với 71 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46 triệu đơn vị, giá trị 856,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 2 triệu đơn vị, giá trị 10,8 tỷ đồng.

CEO vẫn duy trì sắc tím với dư mua trần vẫn hơn 13 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp không thanh đổi nhiều với hơn 1 triệu đơn vị. Lượng dư mua trần ít hơn so với nửa đầu phiên sáng chủ yếu do nhà đầu tư đua lệnh mua không được nên hủy lệnh để tìm kiếm cơ hội ở các mã khác.

Trong khi đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 7,7 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 14.500 đồng. Tiếp đến là IDC với 6,28 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng mạnh 3% lên 45.300 đồng.

Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khác đều giảm như MBS, IDJ, PVS, TAR, BCC và HUT.

Trên thị trường UPCoM, dù thị trường nửa đầu phiên có mức tăng khá tốt, nhưng sau đó hạ nhiệt và đóng cửa chỉ còn giữ được mức tăng khiêm tốn.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%), lên 87,15 điểm với 114 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,7 triệu đơn vị, giá trị 369 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 4,29 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 18.000 đồng.

Hôm nay là ngày đầu tiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành. Trong phiên đầu tiên đã có những giao dịch được thực hiện với tổng khối lượng hơn 5 triệu đơn vị, tổng giá trị chuyển nhượng 720 tỷ đồng, chủ yếu là tại mã VIF12101 do Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Vinfast (VIFC) phát hành. Hai mã còn lại là chỉ giao dịch 199 và 200 đơn vị do TCD và Vietcombank phát hành.

Tin bài liên quan