Giao dịch chứng khoán sáng 23/2: Cổ phiếu thủy sản tăng tốc, dòng bank trở lại tiếp sức thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 23/2: Cổ phiếu thủy sản tăng tốc, dòng bank trở lại tiếp sức thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh đà tăng tốc của các cổ phiếu nhóm thủy sản, dòng bank đang có dấu hiệu trở lại khi sắc xanh lan rộng toàn ngành đã hỗ trợ tốt giúp VN-Index sớm tìm lại mốc 1.230 điểm. 

Sau 7 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã gặp áp lực bán chốt lời và đảo chiều điều chỉnh. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn trong khi dòng tiền vẫn hoạt động khá sôi động và luân chuyển qua các nhóm ngành, đã giúp VN-Index chỉ giảm nhẹ và giữ vững mốc 1.225 điểm.

Xét về kỹ thuật, chỉ báo MACD và RSI hiện mới cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên, ADX và DI+ xấp xỉ vùng 40, đồng thời VN-Index vẫn bám sát đường Tenkan của mây Ichimoku và dải Bollinger band có xu hướng bó vào, cho thấy chỉ số chung vẫn đang nằm trong nhịp tăng điểm lớn và xuất hiện những phiên rung lắc tích lũy là điều dễ hiểu.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 23/2, lực cầu nhập cuộc khá sôi động với sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index sớm lấy lại đà tăng điểm ngay khi mở cửa.

Mặc dù biên độ không quá lớn nhưng hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục sắc xanh, là động lực chính giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng tìm lại mốc 1.230 điểm.

Bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vua, dòng tiền sôi động vẫn luân chuyển khá nhịp nhàng với điểm đến mới là nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản. Sau khoảng hơn 80 phút mở cửa, các cổ phiếu trong nhóm này đều giao dịch khởi sắc với VHC, AAM và IDI cùng tăng hơn 3%, ANV tăng 2,6%, FMC tăng hơn 2%, CMX và ACL tăng hơn 1%...

Sau nửa đầu phiên thăm dò, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp thị trường tăng vọt cả về điểm số và thanh khoản.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE phân hóa với 232 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index tăng 9,51 điểm (+0,77%) lên 1.236,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 525,24 triệu đơn vị, giá trị 11.804,77 tỷ đồng, tăng 25,21% về khối lượng và 39,23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,78 triệu đơn vị, giá trị 827,7 tỷ đồng.

Xét về vốn hóa, nhóm VN30 ấn tượng với mức tăng gần 11,5 điểm khi có tới 18 mã tăng và chỉ còn 7 mã giảm. Trong đó, các mã giảm đều chỉ đạt trên dưới 1%, còn ở chiều tăng với điểm sáng là BID tăng tới 5,5%, chốt phiên đứng tại mức giá cao nhất trong phiên 52.500 đồng/CP, đã đóng góp tới hơn 4 điểm cho chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, dòng bank là động lực chính của thị trường. Ngoài BID, trong top 10 mã ảnh hưởng tích cực lớn nhất tới VN-Index còn có sự xuất hiện của 8 mã khác trong ngành, với VCB và TCB cùng đóng góp hơn 1,5 điểm.

Đồng thời, biên độ tăng của các cổ phiếu cũng nới rộng, với TCB chốt phiên tăng 4,3% lên mức giá cao nhất trong gần 2 năm, đứng tại 42.050 đồng/CP; MBB tăng 2,3%; các mã CTG, TPB, ACB, VPB, VCB, STB đều chốt phiên tăng hơn 1%; ngoại trừ cặp đôi SSB và HDB đang đứng giá tham chiếu.

Đây cũng là nhóm cổ phiếu đóng góp lớn cho thanh khoản thị trường, với MBB sôi động nhất khi có 22,64 triệu đơn vị khớp lệnh, VPB khớp 21,97 triệu đơn vị, SHB, TPB, EIB, STB, ACB, CTG, MSB đều khớp trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.

Dù dòng bank có đóng góp lớn nhất cho thị trường, nhưng nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn là nhóm ngành tăng tốt nhất, với VHC tăng 2,5%, IDI tăng 3,42%, FMC tăng gần 2%, CMX tăng 2,62%, ANV tăng 2,25%, AAM tăng 3,15%, ACL tăng 1,22%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chìm trong sắc đỏ dù biên độ giảm không quá lớn với PDR, NVL, DIG, VCG, CTD, CII… đều giảm trên dưới 1%.

Trên sàn HNX, sự phân hóa của thị trường chung cùng diễn biến không mấy khả quan của nhóm HNX30 đã khiến chỉ số chung liên tục rung lắc nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,04%), lên 234,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,62 triệu đơn vị, giá trị 812,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 19,94 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 không mấy tích cực khi chốt phiên giảm xấp xỉ 1 điểm, với 13 mã giảm và 8 mã tăng. Trong đó, SHS chốt phiên giảm nhẹ 0,6% và thanh khoản vẫn sôi động nhất với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS cũng giảm nhẹ; trong khi CEO và HUT đứng giá tham chiếu…

Trong khi đó, ở nhóm vừa và nhỏ có nhiều điểm sáng. Cụ thể, TTH có thời điểm tăng trần và chốt phiên sáng nay tăng 7,7% với thanh khoản chỉ thua SHS với 3,62 triệu đơn vị; tương tự TAR cũng có thời điểm khoe trần và chốt phiên tăng 6%, thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là S99 kéo trần thành công, chốt phiên đứng tại mức giá 11.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 1,88 triệu đơn vị và dư mua trần 0,12 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh lan rộng đã giúp thị trường có được đà tăng nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,16%), lên 90,72 điểm với 165 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,16 triệu đơn vị, giá trị 374,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,23 triệu đơn vị, giá trị 1,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM không tỏa sáng như thị trường niêm yết. Tuy nhiên, ABB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 2,8 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công và chốt phiên tăng 2,4%. Các mã khác như VAB, BVB tăng nhẹ, NAB đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, các mã nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường với BII tăng kịch trần, PVX tăng 4,5%, BIT tăng 3,1%, PAS tăng 9,3%...

Tin bài liên quan