Giao dịch chứng khoán sáng 25/5: Dòng tiền mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index vững bước tiến

Giao dịch chứng khoán sáng 25/5: Dòng tiền mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index vững bước tiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường sáng nay phát tín hiệu tích cực đầu tiên không chỉ về điểm số, số mã tăng, mà là dòng tiền đã nhập cuộc mạnh dạn hơn, giúp thanh khoản tăng vọt.

Trong ĐHCĐ thường niên 2022 tổ chức ngày 24/5, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG cho rằng, hoạt động kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sẽ phản ánh trong quý II, III, IV.

Theo ông Long, đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào.

Phát biểu này của ông Long khiến cổ phiếu HPG hôm qua lao mạnh hơn 5%, xuống 34.900 đồng khi đóng cửa, thậm chí có lúc giảm kịch sàn xuống 34.200 đồng. May nhờ có sự trỗi dậy của các mã khác trong nhóm VN30, VN-Index mới có phiên đảo chiều ngoạn mục tăng thẳng đứng 30 điểm, từ mức đáy của ngày, giảm hơn 15 điểm, lên đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng 14,57 điểm.

Không chỉ HPG, nhiều cổ phiếu theo khác cũng bị vạ lây trong phiên hôm qua, trong đó nhiều mã giảm trên dưới 5%.

Nhiều nhà đầu tư hôm qua đã bắt đáy khi HPG giảm xuống mức sàn 34.200 đồng với kỳ vọng cổ phiếu này sẽ bật trở lại khi Tập đoàn này có lượng tiền mặt lớn và kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao với nhiều dự án lớn.

Trong phiên sáng nay, HPG tiếp tục sụt giảm mạnh nhất trong nhóm thép với mức giảm hơn 3%, khiến những nhà đầu tư bắt đáy hôm qua có chút lo lắng. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu vẫn khá mạnh, hấp thụ tốt lệnh bán giá thấp, giúp HPG có giao dịch sôi động nhất thị trường, thanh khoản bỏ xa các mã còn lại trên sàn.

Mặc dù vậy, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, với nhiều mã trong nhóm VN30 duy trì đà tăng tốt, nhất là một số mã ngân hàng, giúp VN-Index tiếp đà tăng, hướng lên ngưỡng 1.245 điểm.

Tuy nhiên, ở ngưỡng điểm này, cùng với đà tăng của một số phiên trước đó, một số mã trong rổ VN30 bị chốt lời và quay đầu điều chỉnh như MSN, VIC, VCB…, hay PDR, VRE, VJC, VHM, NVL khiến VN-Index hạ nhiệt dần.

Khi VN-Index trả lại khoảng 8 điểm, dòng tiền nhập cuộc kéo nhiều mã hồi trở lại, sắc xanh tràn ngập bảng điện tử, gấp hơn 3 lần sắc đỏ (số mã giảm xuống dưới 100 mã và không có mã giảm sàn), VN-Index quay đầu đi lên và vượt qua đỉnh đầu phiên sáng và thanh khoản cũng cải thiện đáng kể, dù chỉ số này không giữ được mức đỉnh của phiên trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 14,46 điểm (+1,17%), lên 1.247,84 điểm với 327 mã tăng, trong đó có 9 mã trần, trong khi chỉ có 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 325,7 triệu đơn vị, giá trị 8.428,5 tỷ đồng, tăng 41,6% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,6 triệu đơn vị, giá trị 267 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 5 mã giảm, nhưng chủ yếu giảm nhẹ, thậm chí HPG cũng hãm đà giảm, có lúc 5,5% đóng cửa chỉ còn giảm 2,7% xuống 33.950 đồng, thanh khoản lớn nhất thị trường với 24,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đà giảm tại PDR cũng chỉ còn dưới 1% so với mức hơn 3% lúc nửa đầu phiên, còn MSN, VJC, VIC chỉ có mức giảm rất khiêm tốn. Ngoài ra, SAB và VCB cũng về tham chiếu, trong khi có 23 mã tăng giá. Trong đó, STB dù không giữ được mức trần như phiên hôm qua, nhưng vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm VN30 cũng như nhóm ngân hàng với mức tăng 4,4% lên 22.700 đồng, khớp 13,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau HPG về thanh khoản.

Tiếp đến là FPT tăng 4,2% lên 102.300 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị; PNJ tăng 3,4% lên 111.600 đồng; VPB tăng 3,2% lên 30.950 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị; BVH tăng 3,1% lên 52.500 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị. Trong đó, FPT và VPB là 2 mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index, trong khi HPG là mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index với hơn 1 điểm.

Trong các mã tăng trần, đáng chú ý có REE lên 80.200 đồng, khớp gần nửa triệu đơn vị và còn dư mua gần nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có một vài mã thị trường đáng chú ý có nhóm vận tại như HAH, VOS, VSC, trong khi GMD dù không tăng trần, nhưng cũng có mức tăng mạnh 5,6% lên 54.300 đồng.

Trong nhóm thị trường, ROS sau khi được đẩy lên mức 4.600 đồng, đã chịu lực cung lớn, đẩy xuống mức sàn 4.250 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 4.350 đồng, giảm 4,6%, thanh khoản gần 9 triệu đơn vị. Các mã khác trong họ FLC đều đóng cửa trong sắc đỏ.

SSI cũng hồi 0,7% lên 28.300 đồng, khớp 8 triệu đơn vị. POW cũng khớp gần 8,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,7% lên 13.200 đồng. Ngoài SSI, nhóm chứng khoán cũng phủ ngập sắc xanh.

Sàn HNX cũng có diễn biến khá giống HOSE khi cũng bật mạnh trở lại từ tầm 10h50 và đẩy lên mức cao nhất phiên, trước khi lùi nhẹ nửa bước khi đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 4,21 điểm (+1,38%), lên 310,17 điểm với 105 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,8 triệu đơn vị, giá trị 1.041 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 30 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí trên HNX cũng khởi sắc với PVS tăng 4% lên 28.900 đồng, khớp 8,67 triệu đơn vị; PVC tăng 4% lên 23.400 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị…

Ngoài nhóm dầu khí, nhiều mã khác cũng tăng mạnh như CEO tăng 5,2% lên 42.300 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị; HUT tăng 4,4% lên 28.700 đồng; IDJ tăng 3,6% lên 20.200 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị. SHS tăng 3,5% lên 17.600 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị…

Trong khi đó, UPCoM lại không thể bật lại như 2 sàn niêm yết khi đóng cửa sát với tham chiếu sau khi tăng vọt đầu phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,25%), lên 93,36 điểm với 139 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,7 triệu đơn vị, giá trị 385,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Nhóm dầu khí vẫn tỏa sáng với BSR tăng 3,8% lên 24.300 đồng, khớp 4,59 triệu đơn vị, dẫn đầu UPCoM về thanh khoản. OIL tăng 2,2% lên 14.000 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị…

Ngoài ra, các mã đáng chú ý khác có ABB tăng 1,7% lên 11.700 đồng, khớp 2,38 triệu đơn vị, C4G tăng 2,2% lên 14.200 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị. VGT, BVB, VHG, VGI…, đều tăng hơn 2%.

Tin bài liên quan