Giao dịch chứng khoán sáng 3/8: Chịu nhiều rung lắc, VN-Index vẫn đứng vững

Giao dịch chứng khoán sáng 3/8: Chịu nhiều rung lắc, VN-Index vẫn đứng vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền vẫn đang hướng tới các cổ phiếu midcap và penny giúp nhóm này tiếp tục giao dịch sôi động, đặc biệt là HNG vẫn duy trì sóng lớn. VN-Index dù chịu nhiều rung lắc do áp lực chốt lời, nhưng vẫn đứng vững nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn.

Trong 2 phiên đầu tuần, dòng tiền đã bất ngờ hoạt động tích cực trở lại với thanh khoản trên sàn HOSE đều trên 16.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 12.000 tỷ đồng/phiên của 2 tháng trước đó.

Dòng tiền chảy mạnh giúp VN-Index bay cao, nhẹ nhàng vượt qua ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.200 điểm vốn nhiều lần thất bại trong tuần trước. Thậm chí, trong phiên thứ Hai, VN-Index còn vượt hẳn qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.220 điểm (đường MA50), lần đầu tiên làm được điều này kể từ tuần đầu tiên của tháng 4.

Trong phiên hôm qua, sau phiên sáng thận trọng để chờ đợi xem hành động của những nhà đầu tư đã mua vào trong phiên thứ Sáu tuần trước khi hàng về tài khoản, sang tới phiên chiều khi nhận thấy đa số nhà đầu tư giữ hàng chờ đợi giá lên, dòng tiền đã hoạt động tự tin hơn và nhóm chính vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao, giúp giao dịch trở nên sôi động.

Ngoài nhóm cổ phiếu thị trường, một số mã lớn khác như nhóm Vingroup, VCB, thép, dầu khí cũng được kéo lên cao, giúp VN-Index bật tăng hơn 10 điểm vượt qua dải trên của dải bollinger vốn đang mở rộng. Đường MA20 và MA50 cũng đang đi lên. Các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD, ADX, RSI cũng cho thấy thị trường đã chấm dứt xu hướng giảm, bước vào xu hướng tăng.

Tuy nhiên, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, sau 2 phiên tăng mạnh đầu tuần, cùng với những tác động từ thị trường bên ngoài, khi chứng khoán châu Á hôm qua, hay chứng khoán Mỹ, châu Âu trong đêm qua đều chìm trong sắc đỏ khi giới đầu tư đề phòng những rủi ro địa chính trị khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan.

Sau đó, quan sát thấy thị trường châu Á đã trở lại trong phiên sáng nay, các nhà đầu tư trong nước cũng đã phần nào yên tâm và xuống tiền trở lại, giúp VN-Index đảo chiều đi lên. Trong đó, dòng tiền chủ yếu vẫn tập trung vào các mã midcap, penny có tính thị trường cao. Đặc biệt, cặp đôi HNG và HAG sau chịu rung lắc nhẹ đầu phiên do áp lực chốt lời ngắn hạn, đã dần lấy lại phong độ và tiếp tục tăng cao, trong đó HNG được kéo lên kịch trần 6.940 đồng và có lúc còn dư mua trần gần 1,8 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, lực cung sau đó gia tăng ở nhiều mã khiến VN-Index không duy trì được sắc xanh lâu, sắc đỏ chiếm ưu thế, HNG cũng mất sắc tím. Trong lần này, VN-Index chỉ bị đẩy về dưới ngưỡng 1.240 điểm đã xuất hiện lực cầu kéo chỉ số trở lại.

Với HNG, lực bán mạnh, nhưng lực cầu sau đó cũng nhập cuộc rất tích cực, hấp thụ hết lượng cung chốt lời, kéo mã này trở lại mức trần khi chốt phiên và còn dư mua trần hơn 1,4 triệu đơn vị, khớp lệnh gần 22,4 triệu đơn vị.

Trong các mã bluechip, trong khi họ nhà Vin đảo chiều giảm nhẹ sau khi tăng tốt hôm qua, thì GAS duy trì phong độ, thậm chí đà tăng còn mạnh hơn nhiều 2 phiên trước, cùng với sự hỗ trợ khiêm tốn từ bộ 3 ngân hàng VCB, BID, CTG, giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,69 điểm (+0,22%), lên 1.244,31 điểm với 197 mã tăng và 217 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 421,2 triệu đơn vị, giá trị 9.288,5 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 6,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,9 triệu đơn vị, giá trị 1.137,7 tỷ đồng.

Ngoài HNG có thanh khoản tốt nhất thị trường và giữ sắc tím, HAG cũng duy trì đà tăng mạnh với mức tăng 4,1% lên 12.600 đồng, khớp 16,1 triệu đơn vị, đứng sau HPG. Mã đầu ngành thép tăng 0,9% lên 23.100 đồng, khớp 17,3 triệu đơn vị. Đây có thể coi là ngưỡng cản khá mạnh theo kỹ thuật của HPG, bởi đây là đường MA50 và cũng trùng với dải trên bollinger.

Ngoài HPG, nhiều cổ phiếu thép khác cũng tăng sáng nay như HSG tăng 5,2% lên 19.250 đồng, NKG tăng 4,2% lên 4.270 đồng, TLH tăng 2,3% lên 9.850 đồng, SMC tăng 1,9% lên 18.500 đồng, thậm chí POM sau báo cáo kết quả kinh doanh quý II thua lỗ cũng tăng 0,3% lên 7.250 đồng.

Trong nhóm ngân hàng có sự phân hóa, nhưng biến động giá không lớn, chỉ có 3 mã tăng trên 1% là EIB, STB và CTG, trong khi ở chiều ngược lại 3 mã giảm mạnh nhất cũng chỉ mất hơn 0,5% giá trị. Mã đầu ngành VCB tăng nhẹ 0,5% lên 79.300 đồng, BID cũng tăng 0,8% lên 38.800 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng có sự phân hóa, nhưng độ rộng nghiêng về sắc đỏ, các mã lớn như SSI, VCI, VND, HCM chỉ giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa ít biến động. Trong đó, VND và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 14 triệu và hơn 11 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,5% và 0,4%.

Trong các mã vừa và nhỏ, ngoại trừ cặp đôi HNG - HAG, các mã tăng tốt khác còn có ITA (+3,1%, lên 8.290 đồng), ASM (+3,5%, lên 16.250 đồng), IDI (+4,7% lên 20.200 đồng), LDG (+2,4% lên 10.550 đồng), TTF (+4,3% lên 8.910 đồng)… Trong khi đó, HQC giảm 0,6% xuống 5.280 đồng, GEX giảm 0,2% xuống 23.650 đồng, POW giảm 0,4% xuống 13.700 đồng, DIG giảm 1,8% xuống 38.900 đồng…

HNX cũng gặp chút rung lắc trước các lực chốt lời ngắn hạn, nhưng sự vững vàng của nhóm HNX30 và dòng tiền chảy mạnh giúp chỉ số chính của sàn giữ đà tăng khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,35%), lên 296,89 điểm với 90 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,4 triệu đơn vị, giá trị 1.056,8 tỷ đồng, tất cả là giao dịch khớp lệnh.

Cổ phiếu có báo cáo kết quả kinh doanh quý II tiêu cực khi lỗ hàng trăm tỷ đồng lại tăng mạnh, thậm chí có lúc lên trần là TVC khi đóng cửa tăng 7,1% lên 9.100 đồng, khớp gần 2,2 triệu đơn vị, có lúc lên trần 9.300 đồng.

Trong khi đó, các mã khác chỉ biến động hẹp. SHS tăng 0,7% lên 14.100 đồng, khớp 7,86 triệu đơn vị, PVS tăng 0,8% lên 24.400 đồng, khớp 4,87 triệu đơn vị. IDC tăng 3,9% lên 63.900 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị. Trong khi HUT giảm 0,3% xuống 29.900 đồng, CEO giảm 1,2% xuống 33.000 đồng, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.

UPCoM cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi ở mức điểm 90,14 điểm, nhích 0,01 điểm (+0,01%) với 116 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,3 triệu đơn vị, giá trị 378,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR và SBS là 2 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM sáng nay với hơn 3,7 triệu và hơn 3,2 triệu đơn vị. Đóng cửa đều tăng giá, trong đó BSR tăng 1,6% lên 24.700 đồng, còn SBS tăng 3,2% lên 9.800 đồng.

Ngoài ra, còn có 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay là VHG, PAS, ABB và C4G, trong đó VHG và PAS tăng 2,5% và 3,4%, C4G đứng tham chiếu, còn ABB giảm nhẹ 0,9%.

Tin bài liên quan