Giao dịch chứng khoán sáng 5/4: Cổ phiếu bất động sản hút tiền

Giao dịch chứng khoán sáng 5/4: Cổ phiếu bất động sản hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vẫn giằng co trong biên độ hẹp, nhưng thị trường vẫn có điểm nhấn khi nhóm bất động sản đang là tâm điểm của dòng tiền sáng nay.

Trong phiên hôm qua, thị trường đã chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp bằng phiên điều chỉnh nhẹ. Sau chuỗi tăng dài nhất 20 tháng và VN-Index vượt qua phía trên dải bollinger thì phiên điều chỉnh nhẹ này là dễ hiểu và cần thiết để lấy đà đi lên tiếp. Đặc biệt, dòng tiền sau thời gian dài đứng ngoài quan sát đã có dấu hiệu nhập cuộc tích cực trở lại trong tuần này sau các thông tin hỗ trợ tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, triển khai gói hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 12.000 tỷ đồng, sửa Thông tư 16, cởi trói thêm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Bước vào phiên sáng nay, thị trường tiếp tục nhịp điều chỉnh, nhưng chỉ giằng co trong biên độ hẹp khi dòng tiền hoạt động vẫn khá tích cực. Trên bảng điện tử, sắc xanh đang chiếm ưu thế hơn, nhưng thị trường chịu sức ép từ nhóm VN30 khi sắc đỏ của nhóm này chiếm ưu thế, trong đó đáng kể là VIC đang giảm hơn 1%, cùng với đó là loạt cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, VPB, CTG, TCB, TPB, BID, VIB, hay các mã đầu ngành khác như HPG, BVH, PLX, MWG, BCM…

Tuy nhiên, đà giảm của nhóm này không đáng kể và có thể quay đầu tăng trở lại bất kỳ lúc nào nếu dòng tiền chảy vào một vài mã sẽ có sức lan tỏa tới các mã khác.

Trong khi đó, nhóm bất động sản đang gây chú ý khi đang là tâm điểm tìm đến của dòng tiền. Trong Top 10 mã đang có thanh khoản tốt nhất sáng nay, có 6 mã bất động sản hoặc liên quan tới bất động sản.

Trong đó, HPX tăng vọt lên mức trần 4.520 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 2,3 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tháng 4 và cũng là kể từ sau Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức ngày 31/3. Tại đại hội này, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest cho biết, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 năm nay, Công ty sẽ trình bày tới các cổ đông về chương trình tái cơ cấu toàn diện các hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau quãng thời gian khó khăn vừa qua.

“Chúng tôi sẽ tập trung cơ cấu để bước vào 2023 – 2024 với một tâm thế tốt hơn, một quy trình chuẩn hơn. Do đó, rất mong các quý cổ đông ủng hộ cho doanh nghiệp” ông Hải cho biết.

Tại thời điểm hiện tại, nhìn nhận về câu chuyện thị trường, ông Hải cho biết, giai đoạn tới vẫn là giai đoạn khó khăn với ngành bất động sản nói chung và Hải Phát Invest nói riêng, dù đã có những động thái tháo gỡ của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho Hải Phát Invest nếu có sự chuẩn bị tốt hơn.

Theo ông Hải, giai đoạn vừa qua cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc với tập thể ban lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, ông hy vọng năm tới sẽ là năm khởi sắc hơn cho Hải Phát Invest.

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất công bố trên HOSE, HPX cho biết, ngày 24/3 là kỳ tính lãi thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, tới hạn thanh toán, Công ty vẫn chưa thanh toán cho trái chủ do do thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án của Đầu tư Hải Phát nên đến ngày thanh toán lãi, Công ty chưa thể thu xếp đủ số tiền lãi nêu trên.

Công ty cho biết đã làm việc và thống nhất với các trái chủ về việc đã thanh toán đúng hạn tiền lãi cho 29/31 trái chủ; đối với 2 trái chủ còn lại, hai bên thống nhất về việc thanh toán đầy đủ tiền lãi trước ngày 31/3.

Quay trở lại với thị trường, dù HPX là mã tăng tốt nhất, nhưng chưa phải là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm, mà vị trí này thuộc về HQC với 17 triệu đơn vị được khớp và cũng đang tăng mạnh 4,8%. Tiếp đó là NVL cũng được khớp gần 12 triệu đơn vị và cũng đang tăng hơn 3%. Ngoài ra, còn phải kể đến GEX tăng gần 2%, DIG tăng hơn 2%, DXG tăng 1,5% và cả 3 đều đang có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị.

Các mã khác như VCG cũng đang tăng 1,4%, PDR tăng 1,5%, KHG tăng 2%, SCR tăng hơn 1% và đang có thanh khoản từ hơn 2 triệu đơn vị đến hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dù có thanh khoản không cao, nhưng VPH, NHA và PTL đang theo chân HPX leo lên mức giá trần.

Các mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng tăng tốt từ hơn 3% đến hơn 5% có HTN, CTD, NBB, ITA, VRC, NLG, HDG.

Dù dòng tiền hoạt động vẫn khá tích cực, nhưng nhiều nhà đầu tư muốn chốt lãi sau chuỗi tăng lịch sử vừa qua khiến sắc xanh không thể lan rộng hơn, một số mã đã quay đầu giảm, một số mã không giữ được tham chiếu khiến sắc xanh và đỏ trên sàn cân bằng nhau khi đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,27 điểm (-0,26%), xuống 1.075,68 điểm với 184 mã tăng và 184 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 401 triệu đơn vị, giá trị 6.351 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,8 triệu đơn vị, giá trị 713 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời gia tăng mạnh khiến lượng dư mua trần của HPX bị hấp thụ hết, cổ phiếu này cũng mất sắc tím trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, thậm chí có lúc bị đẩy xuống dưới tham chiếu.

Chốt phiên sáng, HPX tăng 5,9% lên 4.480 đồng, khớp 11,33 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn. Trong khi đó, HQC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 24,83 triệu đơn vị, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 1,9% lên 4.250 đồng, dù có lúc chạm mức trần 4.460 đồng. Một mã bất động sản khác cũng hút tiền mạnh sáng nay là NVL với 16,06 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 13.000 đồng.

Trong khi đó, DIG và DXG quay đầu giảm nhẹ, 0,3% đóng cửa ở mức 14.850 đồng, khớp 9,28 triệu đơn vị và 0,4% xuống 13.350 đồng, khớp 8,29 triệu đơn vị. GEX cũng hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 0,8% lên 13.250 đồng, khớp 7,06 triệu đơn vị.

Các mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng cũng hạ độ cao.

Trong khi đó, trong nhóm VN30, sắc đỏ nhiều hơn nửa đầu phiên sáng và mức giảm của các mã cũng được nới rộng. Trong đó, VIC giảm 2,1% xuống 55.600 đồng, VCB giảm 0,8% xuống 91.300 đồng, STB giảm 2,4% xuống 26.250 đồng (giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng), SSI giảm 1,1% xuống 22.250 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn HDB và EIB là giữ được sắc xanh, trong đó HDB tăng tốt 1,8% lên 19.500 đồng, còn EIB tăng nhẹ 0,8% lên 19.700 đồng. Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 trên sàn đứng sau HQC với 21,02 triệu đơn vị. Tiếp đến là SHB khớp 9,95 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,9% xuống 11.400 đồng.

Trong nhóm chứng khoán, ngoài SSI, các mã lớn khác trong nhóm cũng giảm, trong đó VCI giảm mạnh nhất khi mất 2,1% xuống 32.600 đồng, HCM giảm 1,9% xuống 26.200 đồng, VND giảm 1,2% xuống 16.000 đồng. Trong đó, SSI là mã khớp lớn nhất với 9,46 triệu đơn vị, tiếp đến là VND khớp 9,24 triệu đơn vị.

Nhóm thép, HPG, HSG và NKG đều trở lại tham chiếu. Trong đó, HPG khớp lớn nhất với 8,64 triệu đơn vị, tiếp đến là HSG khớp 7,75 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX lại có diễn biến khá tích cực khi chỉ số chính của sàn này chỉ chớm đỏ lúc mở cửa phiên, sau đó bứt lên và duy trì đà tăng khá tốt cho đến hết phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,27 điểm (+0,6%), lên 212 điểm với 100 mã tăng và 58 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,5 triệu đơn vị, giá trị 957,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 55 tỷ đồng.

Ngoại trừ SHS giảm nhẹ 1% xuống 9.500 đồng khi đóng cửa, khớp cao nhất sàn là 8,47 triệu đơn vị, các mã có thanh khoản cao trên HNX sáng nay đều có diễn biến tích cực về giá. Trong đó, MBG tăng 2% lên 5.200 đồng, khớp 8,04 triệu đơn vị; CEO tăng 2,1% lên 24.200 đồng, khớp 6,82 triệu đơn vị; IDJ tăng 8,2% lên 10.600 đồng, khớp 5,68 triệu đơn vị; APS tăng 5,2% lên 12.200 đồng, khớp 3,56 triệu đơn vị, cả IDJ và APS có lúc đều được kéo lên mức trần; PVS tăng nhẹ 0,4% lên 26.400 đồng, khớp 3,16 triệu đơn vị; AMV tăng 2,6% lên 4.000 đồng, khớp 2,95 triệu đơn vị; NRC tăng trần lên 4.200 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, dù phần lớn thời gian dao động trên tham chiếu, nhưng cuối phiên, chỉ số chính của sàn này yếu dần và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,1%), xuống 77,52 điểm với 136 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,3 triệu đơn vị, giá trị 484,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị 170 tỷ đồng.

Sáng nay VHG có giao dịch khởi sắc khi tăng kịch trần lên 2.600 đồng và thanh khoản vượt qua BSR đứng đầu sàn với 7,89 triệu đơn vị. BSR đứng thứ 2 về thanh khoản với 5,32 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 16.400 đồng. SBS và LMH là 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,7% lên 5.900 đồng và 3,1% lên 3.300 đồng. C4G và ABB là 2 mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay, trong đó C4G đóng cửa giảm nhẹ 0,8% xuống 11.800 đồng, còn ABB tăng 2,5% lên 8.200 đồng.

Tin bài liên quan