Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội sẽ đến với nhóm bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong khi nhóm tài chính, nhất là ngân đã có mức tăng rất mạnh, thì nhóm bất động sản dường như đang ngủ yên. Quý IV thường là điểm rơi doanh thu và lợi nhuận của nhóm bất động sản, liệu thời cơ đã đến với nhóm này?

Tuần qua, dù trong phiên có những rung lắc làm nhiều nhà đầu tư “thót tim”, nhưng đà tăng của thị trường vẫn được duy trì nhờ dòng tiền chảy mạnh, đặc biệt phiên cuối tuần VN-Index bứt phá qua mốc 1045,96 điểm, đây là mức đỉnh mới của năm nay. Diễn biến tuần tới sẽ theo xu hướng nào, theo góc nhìn của ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Thị trường lập đỉnh mới nhưng thanh khoản giảm rõ rệt do đó nếu tuần sau điều này vẫn còn duy trì thì có thể thị trường sẽ phải chứng kiến sự điều chỉnh nhất định trong ngắn hạn. Ngược lại thanh khoản giảm phiên cuối tuần qua chỉ là "tín hiệu giả" và xu hướng vẫn tiếp tục duy trì tích cực nhưng những ngày còn lại của năm 2020.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Về quan điểm kỹ thuật, với phiên tăng điểm cuối tuần, tín hiệu kỹ thuật Tích cực của các chỉ số chứng khoán đã được củng cố. Mặc dù vậy, trong khi VNMidcap và VNSmallcap chưa vượt qua các kháng cự gần nhất tại 1140 điểm và 960 điểm.

Dự báo trong tuần tới, nhóm vốn hóa lớn sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng điểm và hướng lên kháng cự tiếp theo tại vùng 1.070 - 1.080 điểm, tương ứng với nó thì VN30 và HNX-Index có thể sẽ hướng lên vùng 1.030 điểm và 180 điểm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ngưỡng hỗ trợ MA5 ngày của VN-Index, VN30, HNX-Index đang lần lượt nằm tại 1.035 điểm, 1.000 điểm và 159 điểm. Trong khi đó, VNMidcap và VNSmallcap có thể sẽ phải kiểm định các kháng cự tại 1.140 - 1.150 điểm và 959 điểm. Nếu lực cầu đủ mạnh giúp hai chỉ số này bứt phá qua các kháng cự nói trên, dòng tiền cũng sẽ được phân bổ một phần vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, giúp hai chỉ số đại diện có thể tăng lên các mục tiêu tại 1.190 điểm và 980 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư ở nhiều nhóm ngành khác nhau sẽ tận dụng tốt hơn các nhịp sóng theo từng phiên dù việc này đòi hỏi nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào việc quản lý danh mục và lựa chọn, bổ sung cổ phiếu liên tục

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có phiên giảm tương đối trong tuần, nhưng nhờ dòng tiền mạnh mẽ đã làm các nhịp điều chỉnh ngắn đi rất nhiều và mức độ hồi phục còn nhiều hơn đoạn mất mát trước đó. Ngưỡng kháng cự chính của VN-Index là 1.040 - 1.050 nhưng có vẻ như với tốc độ di chuyển hiện tại thì việc chinh phục mốc 1050 chỉ là vấn đề thời gian và khi đó các ngưỡng kỳ vọng sẽ lại tiếp tục được nâng lên các mốc cao hơn.

Những cổ phiếu trụ chính của thị trường ngoài nhóm Vingroup như VIC, VHM, VRE hay VNM, GAS chưa tăng nhiều thì những cổ phiếu còn lại đều đã vượt các đỉnh cao nhất, đặc biệt là ở nhiều cổ phiếu ngân hàng. Vấn đề hiện tại là không có tin tức nào xấu đủ để gây ảnh hưởng đến tâm lý chung trong khi kênh chứng khoán vẫn đang được kỳ vọng nhất so với nhiều kênh đầu tư khác, vì vậy tôi cho rằng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội trước mắt và xu hướng tăng trưởng sẽ còn tiếp tục.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới và dòng tiền có thể sẽ lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản có thể sẽ có phần giảm trong các phiên giao dịch đầu tuần và có chiều hướng tăng dần do ảnh hưởng từ kỳ cơ cấu của hai quỹ ETF.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Tôi là người lạc quan khi Covid-19 diễn ra, ngay cả khi thị trường sụt giảm mạnh cuối tháng 3 nhưng diễn biến hiện nay đã vượt quá sự lạc quan của tôi. Nhờ dòng tiền mạnh chỉ số tiếp tục tiến lên giống như giai đoạn đầu năm 2018.

Sức mạnh của dòng tiền lúc này có thể giúp thị trường có những diễn biến bất ngờ. Trong 3 kịch bản thị trường khi VN-Index chạm đến mốc 1.000 điểm có kịch bản chỉ số này vọt thẳng lên mốc 1,100 điểm rồi mới điều chỉnh. Xét theo góc nhìn kỹ thuật thì mức điểm hiện tại 1,045 điểm, chỉ số VN-Index đã vượt qua các ngưỡng kháng cự nên cơ hội chinh phục 1.100 điểm vẫn có.

Tuy nhiên, với cá nhân tôi theo quan điểm thận trọng thì giai đoạn này cho thấy sự hưng phấn quá đà. Vì thế ,cá nhân tôi không đi theo thị trường, chỉ nắm giữ một số cổ phiếu còn dưới định giá hoặc có tiềm năng dài hạn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì được đà tăng, nhiều mã đã vượt qua mức giá đỉnh lịch sử như VCB, ACB... Và không nằm ngoài dự báo, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh tuần qua. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngành tài chính liệu có tiếp tục duy trì được sức nóng hay sẽ được thay thế bởi nhóm ngành khác?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Trong dài hạn, nhóm này có thể khó duy trì đà tăng thần kỳ như năm nay, nhưng trong ngắn hạn thì xu hướng tích cực nhóm tài chính vẫn còn duy trì, thậm chí đang dẫn dắt cả thị trường, ít nhất là giữ vững xu thế trong tháng này khi chưa có dấu hiệu dòng tiền rút ra, cũng như các doanh nghiệp nhóm này có 1 năm thuận lợi bất chấp Covid-19 và kinh tế không được như các năm trước.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Tăng trưởng bán lẻ tiếp tục tăng tốc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 11 tăng 8,5% theo năm - mức tăng trưởng cao nhất theo tháng kể từ tháng 2/2020. Trong 11 tháng 2020, tổng mức bán lẻ tăng nhẹ 2% theo năm (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2%; cùng kỳ tăng trưởng 9,1% trong 11 tháng 2019).

Chúng tôi kỳ vọng tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi vào thời điểm gần cuối năm khi các công ty bán lẻ thúc đẩy các chương trình khuyến mãi trước kỳ nghỉ lễ Tết (Giáng sinh và năm mới), do vậy nhóm ngành bán lẻ hàng tiêu dùng như MWG, MSN, MCH... sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, nhóm thép cũng có chu kỳ tăng giá ấn tượng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngành ngân hàng hiện là nhóm ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất trên thị trường với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chiếm đến 25% tổng giá trị thị trường và vẫn đóng vai trò dẫn dắt chính có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng chung.

Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán bật sóng trong vài phiên gần đây nhờ sự kỳ vọng của nhà đầu tư khi thị trường tăng trưởng và thanh khoản tăng mạnh sẽ đóng góp lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Một số nhóm ngành khác như thép, bất động sản khu công nghiệp cũng có sự bức phá tốt ở nhiều cổ phiếu.

Ngoài nhóm ngành ngân hàng mang tính dẫn dắt chính thì nhiều cổ phiếu chất lượng ở các nhóm ngành khác cũng sẽ góp phần tạo sự đa dạng trong giao dịch và giúp dòng tiền lan tỏa rộng hơn. Nhà đầu tư sẽ hướng trọng tâm vào từng câu chuyện các cổ phiếu nhiều hơn và cần đa dạng danh mục để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, nhóm ngân hàng và chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và dẫn dắt đà tăng của thị trường trong ngắn và trung hạn khi hai nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng trưởng và có nhiều “catalyst” tăng trưởng.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2020 và việc hợp tác Bancassurance sẽ là những câu chuyện hỗ trợ cho đà tăng của nhóm ngân hàng. Đồng thời, thanh khoản TTCK duy trì ở mức cao và lợi nhuận tăng mạnh đến từ tự doanh cho nên nhóm chứng khoán vẫn được xem còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Đây là giai đoạn thị trường thường có biến động lớn thích hợp với Trading. Tuy nhiên, không nên mạo hiểm mua đuổi và đặc biệt sử dụng đòn bẩy quá cao

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Nhìn chung, với góc nhìn của tôi là giá cổ phiếu đã khá nóng, nhiều cổ phiếu có bước tăng giá đột biến. Nhóm ngân hàng thực sự đã hỗ trợ mạnh cho thị trường nhưng vẫn có sự phân hóa.

Ở giai đoạn hiện nay, nhiều ngành có kết quả kinh doanh tích cực đều đã tăng mạnh, đặc biệt với thị trường đang ở vùng cao hiện nay thì chỉ nhóm ngân hàng mới có thể giữ được nhịp cho thị trường. Vì thế để tăng giá có thể nhóm ngân hàng vẫn sẽ tăng giảm hỗ trợ thị trường.

Trong khi nhóm tài chính có một năm khởi sắc thì nhóm cổ phiếu bất động sản lại gần như bị lãng quyên, ngoại trừ một số cổ phiếu có “game” như DIG… Thời điểm cuối năm thường là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc khi thực hiện bàn giao, hạch toán doanh thu lợi nhuận. Liệu đây có phải là thời điểm để “đãi cát tìm vàng” với nhóm cổ phiếu bất động sản?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Ngành bất động sản - xây dựng là nhóm có số lượng mã cổ phiếu trên TTCK áp đảo nhất, thậm chí nhiều doanh nghiệp khác cũng có ít nhiều liên quan trọng có ngành phụ liên quan đến nhóm trên.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Do đó, nhóm này cũng có sự phân hóa mạnh nhất do quá đông và đủ thể loại từ bluechip đến penny đều có sự hiện diện của cổ phiếu thuộc ngành này. Vì thế, dòng tiền không chảy trên diện rộng nhiều cổ phiếu như thế mà đi vào những phân khúc nhỏ hơn, những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ hoặc cả tin đồn lẫn những cổ phiếu ở dạng tiềm năng.

Vi vậy, đầu tư nhóm này, nhà đầu tư cần quan sát những yếu tố trên kết hợp phân tích xu hướng dòng tiền dịch chuyển (ngắn hoặc trung dài hạn) trong nhóm ngành này để ra quyết định mua bán phù hợp cho từng mã.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong nhóm bất động sản ngoài DIG thì vẫn có những cổ phiếu đợt rồi có sự tăng trưởng tốt như HDG, NTL, DXG… dù tốc độ tăng trưởng có chậm hơn một chút so với các cổ phiếu khác. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thuộc bất động sản khu công nghiệp cũng có sự tăng tốc rất nhanh từ giữa năm đến nay như D2D, NTC, SIP, GVR, TIP, SZC…

Tôi cho rằng các cổ phiếu bất động sản đặc biệt là nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ còn thu hút dòng tiền thời gian tới, vì vậy nhà đầu tư nên hướng sự tập trung vào nhóm doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, nhóm bất động sản vẫn còn sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 6 tháng tới khi tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Điểm tích cực ở nhóm này là nguồn cung có dấu hiệu hồi phục, điều này cho thấy thanh khoản có thể sẽ sớm hồi phục trở lại, tôi kỳ vọng sẽ bắt đầu từ giữa quý II/2021.

Tuy nhiên, tình trạng có thể sẽ còn phân hóa trong ngắn và trung hạn ở nhóm bất động sản, tôi cho rằng nhóm bất động sản khu công nghiệp và các doanh nghiệp có quỹ đất tại các tỉnh, thành phố xoay quanh dự án Sân bay Long Thành có thể sẽ là nhóm thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Ngành bất động sản thực sự gặp khó nhiều năm nay, đặc biệt trong năm 2020 này. Cá nhân tôi nhìn thấy sự phân hóa mạnh trong ngành và không nhiều doanh nghiệp có lợi thế và có kết quả kinh doanh khả quan. Những doanh nghiệp mạnh như KDH, NLG, HDC, HDG, VIC... đều đã tăng giá tương đối mạnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Năm 2020 chúng ta đã nhìn thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản khan hiếm tiền buộc phải phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất khá cao. Đây rõ ràng là sự bất thường và điều này hẳn nhiên sẽ ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chúng ta đang được truyền thông cho thấy nhu cầu lớn về nhà ở nhưng những báo cáo gần đây cho thấy thông tin này không hẳn đã đúng. Dịch Covid đã khiến nhiều người gặp khó khăn lớn nên không dễ dàng để mua nhà.

Khả năng thị trường thiết lập các mức đỉnh mới trong năm vẫn rất cao, nhưng sự điều chỉnh trước áp lực chốt lãi vẫn luôn rình rập. Trong bối cảnh này, ông/bà chọn chiến lược giao dịch như thế nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Thường các hoạt động bán ra chốt lời trong năm nay chủ yếu chỉ để chuyển sang nhóm ngành khác chứ không hề rút ra khỏi thị trường nếu không muốn nói là còn tham gia đông hơn của các nhà đầu tư từ chuyên nghiệp cho đến F0, thậm chí là cả F0-1 (không biết xài cả máy tính).

Do vậy, việc quan sát những nhóm ngành tiềm năng, chưa tăng nhiều, có dòng tiền, có thông tin hỗ trợ và đặc biệt đón đầu các xu thế mới. Chẳng hạn như khi vaccine được sử dụng đại trà, kinh tế phục hồi, các nhóm ngành bị thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19 như vận tải, du dịch, khách sạn, hàng không... giống như lò xo bị ép chặt quá lâu thì khả năng bật mạnh lại sẽ mang lại cho các NĐT nhiều lợi nhuận. Tuy vậy, cần quan sát kỹ xu hướng của dòng tiền cũng như các ngành khác vì thường sẽ có dấu hiệu rút khỏi những ngành quá nóng để chuyển sang các nhóm tiềm năng.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Theo tôi, chiến lược phù hợp lúc này với nhà đầu tư là khoan chốt lời những mã mà còn tiềm năng tăng, chỉ chốt lãi những mã đã hết dư địa tăng. Nhà đầu tư vẫn duy trì cổ phiếu trong danh mục để chờ cơ hội bứt phá cao hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường càng lên cao sẽ càng phân hóa rộng hơn với mức độ lan tỏa sâu vào nhiều nhóm ngành và các nhóm cổ phiếu khác nhau. Có những phiên thị trường đi ngang nhưng lại xuất hiện những nhóm cổ phiếu penny nhỏ đầu cơ tạo sóng lớn.

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư ở nhiều nhóm ngành khác nhau sẽ tận dụng tốt hơn các nhịp sóng theo từng phiên dù việc này đòi hỏi nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào việc quản lý danh mục và lựa chọn, bổ sung cổ phiếu liên tục.

Đa dạng danh mục đầu tư cũng giúp nhà đầu tư cảm nhận tốt hơn dòng chảy của thị trường và có chiến lược mua bán cơ động hơn việc chỉ nắm giữ một vài cổ phiếu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường vẫn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các ngưỡng cao hơn, cho nên chiến lược chủ đạo trong giai đoạn này là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và vẫn có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Như tôi đã nói ở trên, thị trường lúc này đã vượt quá sự lạc quan của tôi, nên tôi chỉ đang giữ lại một số cổ phiếu có tiềm năng và chưa được dòng tiền nhòm ngó đến. Thị trường lúc này có nét nào đó tương đồng với giai đoạn đầu năm 2018 và có thể nhịp tăng còn kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, trong những diễn biến vừa qua chúng ta vẫn nhìn thấy chỉ số liên tục xanh - đỏ trong 1 phiên cho thấy áp lực điều chỉnh luôn hiện hữu. Vì thế, để đề phòng rủi ro nhưng vẫn có cơ hội kiếm tiền có lẽ chiến lược nhiều người lựa chọn là mua và trading một mã cổ phiếu cơ bản nào đó. Đây là giai đoạn thị trường thường có biến động lớn thích hợp với Trading. Tuy nhiên, không nên mạo hiểm mua đuổi và đặc biệt sử dụng đòn bẩy quá cao.

Tin bài liên quan