Giao dịch chuyển nhượng "khủng" sắp diễn ra đối với cổ phiếu VIB

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đỗ Xuân Thụ, bố của ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên HĐQT VIB, đăng ký bán 17,9 triệu cổ phiếu VIB (giá trị tương đương gần 800 tỷ đồng) từ ngày 27/12/2021 tới 21/1/2022.
Giao dịch chuyển nhượng "khủng" sắp diễn ra đối với cổ phiếu VIB

Thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, ông Đỗ Xuân Thụ, cha đẻ của ông Đỗ Xuân Hoàng - thành viên HĐQT VIB, vừa đăng ký bán ra 17,9 triệu trong số hơn 61,2 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ (tương đương 3,94% vốn điều lệ) để cơ cấu tài chính cá nhân.

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 27/12/2021 tới 21/1/2022, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu VIB ông Thụ nắm giữ sẽ giảm xuống còn gần 43,4 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ 2,785%.

Nhưng cũng trong thời gian này, ông Đỗ Xuân Sơn, con trai ông Đỗ Xuân Hoàng, cháu nội ông Thụ, đăng ký mua khối lượng cổ phiếu trùng khớp 17,9 triệu cổ phiếu. Qua đó, ông Sơn sẽ nâng số cổ phần VIB sở hữu lên 20 triệu đơn vị (tương đương 1,29% vốn điều lệ VIB) nếu giao dịch hoàn tất.

Kết phiên 22/12, giá cổ phiếu VIB dừng ở mức 43.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 85% so với đầu năm nay. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 22/12, số cổ phiếu mà người thân lãnh đạo VIB muốn giao dịch có giá trị gần 780 tỷ đồng

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Hoàng, Thành viên HĐQT VIB hiện đang sở hữu hơn 77,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,99% vốn điều lệ của ngân hàng VIB.

Đồng thời, liên quan tới giao dịch cổ phiếu này, vào hồi đầu tháng 12/2021, bà Đặng Minh Ngọc, con gái của ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT VIB đã mua vào được 2,51 triệu trên tổng số 3 triệu cổ phiếu đăng ký.

Trong khi cách đấy không lâu, bà Định Thị Thanh Ký, chị dâu của ông Đặng Văn Sơn, lại thoái sạch toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu VIB, ước thu về gần 115 tỷ đồng từ việc thoái vốn.

Liên quan đến cổ phiếu VIB, HĐQT ngân hàng mới đây đã lấy ý kiến cổ đông về việc thay đổi phương án tăng vốn từ phát hành tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu bằng phương án phát hành tối đa 155,3 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn).

Đây là một trong hai phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua nhằm tăng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lên gần 16.000 tỷ đồng (tăng 43%).

Tuy nhiên, cổ đông VIB chỉ thông qua việc hủy phương án chào bán tối đa 46,6 triệu cp, còn đề xuất tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành tối đa bằng 10% vốn điều lệ đã không được chấp thuận do tỷ lệ tán thành chỉ đạt 40,7%.

Phương án phát hành mới của VIB không được cổ đông thông qua trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng này sụt giảm mạnh sau khi chốt ngày chia cổ phiếu thưởng vào ngày 10/6/2021.

VIB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 32% về tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng. VIB tiếp tục nằm trong top các ngân hàng hoạt động hiệu quả với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 29%.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 11%. Huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 13%, CASA tăng trưởng gần 20%.

Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay của ngân hàng, giúp VIB duy trì vị thế ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ hàng đầu thị trường.

Đại diện VIB cho biết, các dự án số hóa sản phẩm và dịch vụ đi vào triển khai hai năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho ngân hàng đặc biệt trong thời gian giãn cách của quý III/2021.

Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II (CAR) ở mức 10,6% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 73%. Chi phí hoạt động trong quý III tương đương quý II với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức 39%.

Tin bài liên quan