Giao dịch cổ phiếu bằng ngoại tệ, tại sao không?

Giao dịch cổ phiếu bằng ngoại tệ, tại sao không?

(ĐTCK-online) Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho Morgan Stanley International Holdings Inc được thanh toán tiền mua cổ phần của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) bằng đồng USD. Động thái này đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng hé ra một hướng tổ chức thị trường. Dưới đây là bài học của Trung Quốc cho vấn đề này.

Bài học Trung Quốc

Nhằm thu hút dòng vốn ĐTNN vào nền kinh tế, năm 1991, Trung Quốc đã cho phép thành lập một thị trường cổ phiếu loại B (B-shares). Theo Uỷ ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thì vào những năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều vốn cho đầu tư và tăng trưởng, một trong những dòng vốn được xem là quan trọng, chính là vốn ĐTNN. Việc thu hút dòng vốn này vấp phải vấn đề lạm phát và chính sách tỷ giá cho nền kinh tế khi có sự bùng nổ trong dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, vấn đề này đã được GS.Robert Mundel gợi ý các giải pháp có thể duy trì được cả 3 chính sách trên. Một trong các giải pháp đó chính là hình thành thị trường cổ phiếu loại B.

 

Tìm hiểu thị trường cổ phiếu loại B

Cổ phần vốn nước ngoài bao gồm cổ phần loại B và các cổ phần đang niêm yết ở nước ngoài. Cổ phần loại B là các cổ phần mà ban đầu được phát hành dành riêng cho nhà đầu tư quốc tế. Giống như các loại cổ phần khác, chúng cũng được định danh bằng đồng NDT, nhưng các cư dân Trung Quốc cho đến năm 2001 không được phép sở hữu hoặc kinh doanh cổ phần loại B. Điều đáng lưu ý chính là cổ phần loại B do các công ty trong nước phát hành được định danh bằng đồng nội tệ, nhưng được giao dịch và chi trả cổ tức bằng ngoại tệ.

Ngoài ra, cổ phần đang niêm yết ở nước ngoài là cổ phần được các công ty Trung Quốc niêm yết trên các TTCK bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Chúng hiện tại gồm: H-shares (cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông), N-shares (cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán NewYork), L-shares (cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán Luân Đôn) và S-shares (cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore ). H-shares được mua bán bằng đôla Hồng Kông và được định danh bằng đồng NDT; chúng có thể được mua bán bởi các nhà đầu tư Hồng Kông hoặc nhà đầu tư quốc tế. Một số N-shares được phát hành thông qua các đợt IPO, nhưng phần lớn được định danh bằng đồng NDT và được mua bán bằng đồng USD; cổ tức của N-shares tính bằng đồng NDT nhưng được trả bằng đồng USD. L-shares được phát hành bởi sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn theo bản ghi nhớ được ký kết giữa Anh và Trung Quốc.

Xuất hiện từ năm 1991, thị trường cổ phần loại B được điều chỉnh bởi 2 luật do Hội đồng Quốc gia và CSRC ban hành. Theo 2 luật này, B-shares gồm có những đặc điểm sau: Đầu tiên, cổ phần loại B được định danh bằng đồng NDT nhưng được phép mua và bán bằng đồng ngoại tệ, và được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc. Cổ tức và các khoản thanh toán khác của công ty phát hành phải được tính và khai báo bằng đồng NDT, nhưng được chi trả bằng đồng ngoại tệ. Thứ hai, cổ phần loại B chỉ được phát hành cho nhà ĐTNN, là những nhà đầu tư theo định nghĩa của Trung Quốc. Đối tượng này đã được mở rộng không chỉ cho nhà ĐTNN mà cả nhà đầu tư trong nước. Thứ ba, cổ tức và lãi vốn từ cổ phần loại B có thể được tự do chuyển ra nước ngoài, bất chấp các biện pháp kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc. Thứ tư, CTCK nước ngoài có thể kinh doanh cổ phần loại B, trong khi không được cho phép kinh doanh cổ phần loại A.

Cho đến đầu năm 2001, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vẫn bị cấm sở hữu cổ phần loại B. Tuy nhiên, chính sách này được thay đổi vào tháng 2/2001, theo đó cho phép nhà đầu tư cá nhân nội địa được quyền mua và bán cổ phần loại B. Tuy nhiên, cổ phần loại B vẫn được mua bằng đồng ngoại tệ và như vậy, nhà đầu tư Trung Quốc có thể sử dụng tiền nước ngoài trong tài khoản của họ để mua các cổ phần này.

 

Bài học cho Việt Nam

Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đề nghị sáp nhập thị trường cổ phiếu loại B với thị trường cổ phiếu loại A. Việc sáp nhập là vấn đề kỹ thuật, không khó khăn gì vì rằng, tất cả công ty Trung Quốc phát hành cổ phần loại B đều được định danh bằng đồng nội tệ như những cổ phần loại A. Thế nhưng, điều mà Chính phủ Trung Quốc muốn duy trì, chính là lượng vốn ĐTNN vào nền kinh tế quá lớn, trong khi Trung Quốc liên tục thặng dư cán cân thương mại đã đưa đến sự dư thừa ngoại tệ trong nền kinh tế. Nếu hấp thụ dòng vốn này, tất yếu đẩy lạm phát của Trung Quốc đã cao lại càng tăng cao, tỷ giá không thể duy trì mức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Đứng trước những vấn đề trên, Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì thị trường cổ phiếu loại B như một kênh tạo ra nhu cầu ngoại tệ trong nền kinh tế, khi cơ hội đầu tư ra nước ngoài của DN Trung Quốc không phải lúc nào cũng có và tăng cao tương ứng.

Nhìn lại Việt Nam , kịch bản của nền kinh tế cũng tương tự, dòng vốn ĐTNN vào ồ ạt, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp. Việc hấp thụ dòng vốn này đã đưa đến cung tiền mở rộng tăng, lạm phát là tất yếu. Trong khi đó, điều mà Việt Nam chưa tính đến là khơi thông dòng vốn này. Nếu như Trung Quốc cho phép DN đầu tư ra nước ngoài thì Việt Nam lại rất hạn chế, nhất là đầu tư gián tiếp. Nhu cầu ngoại tệ cũng chỉ đơn thuần cho hoạt động nhập khẩu và các khoản chuyển tiền đơn phương. Chính vì vậy, việc "dẫn thủy" tất yếu phải "nhập điền", thế là lạm phát sẽ xảy ra cho nền kinh tế, đồng nội tệ tăng giá gây bất lợi cho xuất khẩu.

Động thái vừa qua của Chính phủ không phải là khởi đầu cho việc hình thành dạng thị trường cổ phiếu loại B như Trung Quốc, nhưng Chính phủ cũng nên nghĩ đến hình thành một thị trường này ở Việt Nam, dựa trên việc lựa chọn một số công ty để niêm yết. Có thể, các công ty trong những ngành nghề không cần sự quản lý của Nhà nước hoặc những công ty sắp tới được tiến hành IPO và kết hợp niêm yết. Điều đáng lưu ý cho giải pháp này là việc giao dịch, phải chọn ra những công ty niêm yết hoặc tiến hành IPO kết hợp niêm yết và cho giao dịch bằng đồng ngoại tệ. Thực hiện được điều này sẽ giữ chân được nhà ĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam nhưng gặp khó khăn trong chuyển đổi ngoại tệ.