Giáo sư Lê Văn Lan: “Làm việc lớn, đẹp, đó là doanh nhân”

Giáo sư Lê Văn Lan: “Làm việc lớn, đẹp, đó là doanh nhân”

(ĐTCK) Doanh nhân, theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là “người làm nghề kinh doanh”. Chiếu theo định nghĩa này, phải chăng bất cứ ai có kinh doanh, buôn bán, từ bà bán nước chè cho tới ông chủ ngân hàng đều được coi là doanh nhân?

Nếu không phải vậy thì người như thế nào mới được coi là doanh nhân hay doanh nhân phải có phẩm chất, đặc trưng gì? Nhân ngày tôn vinh các doanh nhân năm nay, 13/10, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Giáo sư sử học Lê Văn Lan để làm rõ hơn định nghĩa này.

Thưa ông, từ doanh nhân nên được hiểu như thế nào?

Ta hãy bắt đầu bằng câu chuyện có ý nghĩa lịch sử, nhưng lại có phần hơi bỗ bã một chút. Ấy là chuyện thời bao cấp, cách đây 20 - 30 năm, trên Báo Phụ nữ thường có những bài phê phán, phê bình, thậm chí là miệt thị những thân phận, mà chủ yếu là phụ nữ, đi làm những việc mà bây giờ chúng ta gọi là kinh doanh, bằng cái tên “con phe”.

Những người phụ nữ được gọi bằng “con” như thế này, trước hết thể hiện sự phân biệt thân phận hàm ý rất rõ là miệt thị. Tựa như con ở, con sen chỉ người phụ nữ phục dịch trong các gia đình, phân biệt đẳng cấp thân phận thấp kém của họ. Chữ phe, gốc là từ chữ affair, trong tiếng Anh, tiếng Pháp đều có. Affair có nghĩa là việc, công việc, nhưng lẩy ra một chữ phe để gọi là “con phe” lại có ý nghĩa rất xấu, liên quan đến chuyện làm ăn bất chính, “phe phẩy”. Đó cũng là quan niệm từ thời trung cổ, thương nghiệp bị xem thường và trong 4 “anh” sĩ, nông, công, thương, thì thương xếp hạng bét.

Bãi bể nương dâu, giờ không ai gọi những người làm ăn buôn bán là con phe nữa. Một từ mới - doanh nhân, đã xuất hiện để dành riêng chỉ những người có hoạt động kinh doanh.

Thế kỷ 21 mới bắt đầu được hơn mười năm, nhưng về giá trị lát cắt lịch sử thì nó mang giá trị của sự chuyển hóa xã hội, chuyển hóa cả hình thái kinh tế - xã hội, đồng thời chuyển hóa cả việc làm ăn kinh tế, kèm theo đó những giá trị mới và các mỹ từ như mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường. Đứng về mặt lịch sử, nó tạo ra lát cắt mới mà bạo miệng thì có thể gọi là bước ngoặt và trên bước ngoặt đó, trên lát cắt mới đó, trên sự phát triển mới đó, thì chúng ta có thuật ngữ mà trước đây không hề có: doanh nhân. Sự đảo ngược quan niệm của một thời trước đó không lâu: con phe đã trở thành doanh nhân.

 

Nhìn về cấu tạo từ, doanh nhân là từ vay mượn gốc Hán. Vậy doanh nhân có nghĩa gốc là gì?

Từ chữ “con” chuyển thành chữ “nhân” đã là sự thay đổi hàm ý tôn vinh. Chữ nhân này chúng ta gặp trong sĩ nhân, trong thánh nhân, thần nhân. Như vậy, nhân không đơn thuần là chỉ người, mà còn hàm ý tôn vinh, tôn thờ, tôn kính.

Chữ doanh nghĩa là kiến thiết, hoạt động, sáng tạo. Chữ doanh ghép với chữ nhân ta có chữ doanh nhân. Đi vào lĩnh vực tu từ học, tìm hiểu sắc thái riêng của từng từ, ta thấy làm được những việc lớn thì đó là chữ doanh, làm việc “đẹp”, có ý nghĩa và giá trị tốt thì đó là chữ nhân. Do đó, người được gọi là doanh nhân phải là người làm những việc lớn một chút, có giá trị đẹp.

Ngoài ra, còn phải có thêm thuộc tính mới một chút, tương đương với chuyện hiện đại như những nhà nông kiểu mới, tức những ông chủ vựa cá, ông chủ vườn… Và khi ta chạm đến thuật ngữ hiện đại là chạm tới tình hình trong nước và thế giới đang đổi mới với tất cả thuận lợi, khó khăn, tiêu cực và tích cực. Trong thuộc tính mơi mới một chút đó, phải ngăn ra một ngăn là không có tiêu cực. Tôi dùng chữ ríu như thế với ý là hơi hơi một chút cũng được, không cần phải hạng siêu, nhưng anh phải mang được phẩm chất mới, lớn, đẹp, thì mới là doanh nhân.

 

Vậy là những bà bán nước chè ở cổng ngõ, chị bán rau ngoài chợ không được gọi là doanh nhân. Nhưng rất nhiều ông chủ lớn bây giờ đều có một thời buôn bán lặt vặt. Biết đâu, có một ông/bà chủ phân phối rau quả ở tầm quốc gia đã từng là anh/chị bán rau ngoài chợ?

Thế thì ta đã bước sang phạm trù khác, lĩnh vực khác, không phải là doanh nhân nữa rồi, mà là bàn về con đường lập nghiệp của doanh nhân. Một anh sinh viên có sáng kiến bán café rong trên xe máy với chất lượng tốt, phục vụ chu đáo và có được lợi nhuận, thì đó là anh ta đang trên bước đường khởi nghiệp, bắt đầu con đường trở thành doanh nhân. Liệu anh có thành đạt trở thành doanh nhân hay không, thì thời gian sẽ trả lời. Doanh nhân, ngoài mới, đẹp, lớn, thì anh còn phải thành công, thành đạt.

 

Doanh cũng có nghĩa là lợi, lợi ích thu được nữa. Điển cố Lã Bất Vi về nhà hỏi cha: “Làm ruộng thì lời gấp mấy? Đáp: Gấp mười. Buôn châu ngọc thì lời gấp mấy? Đáp: Gấp trăm”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì những người có hoạt động đem lại lợi nhuận (ví dụ như cổ đông) đều là doanh nhân?

Có ai là không mưu cầu lợi ích đâu, dù là có trường hợp sự mưu cầu lợi ích không chỉ cho cá nhân, mà còn cho nhóm người, cho cộng đồng. Nhưng trong vô số con người đang bôn ba để tìm kiếm và đạt được lợi ích đó, từ doanh (động từ) với nghĩa là kiến thiết, kiến tạo, sáng tạo, thì doanh nhân phải là người làm được cái gì lơn lớn, đèm đẹp, mơi mới và thành công.

 

Vậy có thể hiểu doanh nhân là người thành lập một doanh nghiệp không? Và nên chăng, đưa ra tiêu chí doanh nhân phải là người đem lại bao nhiêu doanh thu hàng năm, nộp thuế bao nhiêu, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, hay là có đóng góp xã hội là bao nhiêu?

Nếu cứ thành lập doanh nghiệp là doanh nhân, thì chúng ta sẽ có rất nhiều doanh nhân “ma”, bởi thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp “ma” không ít. Còn tiêu chí bằng con số cụ thể sẽ rất nhanh lạc hậu, thậm chí chỉ vài tháng đã có thể lạc hậu. Vậy nên, miễn là anh mới, đẹp và lớn, thì anh đã bước vào phạm trù doanh nhân. Còn trong khoảng mơi mới, đèm đẹp, lơn lớn đó, có rất nhiều bậc thang để anh đứng, chẳng hạn doanh nghiệp nhỏ có Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cuộc đời tuy không gắn lon, đeo bậc cho các vị đó, nhưng sự sàng lọc thì khắc nghiệt lắm. Thôi thì mọi người cứ giữ lấy cái tên doanh nhân, nhưng đừng để trở thành doanh nhân “ma”. Và từ chỗ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta hy vọng, chúng ta cầu chúc cho họ thành doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn.