Giới chuyên môn "lạnh nhạt" với các đợt đại IPO 2014

Giới chuyên môn "lạnh nhạt" với các đợt đại IPO 2014

(ĐTCK) Bước vào năm 2014, hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được “xới” lên với ý chí và quyết tâm cao độ từ Chính phủ đến người đứng đầu các bộ, ngành. 

Thông điệp không cải cách, không cổ phần hóa, Việt Nam sẽ tụt hậu; nếu không hoàn thành cổ phần hóa, người đứng đầu DN sẽ phải nghỉ việc… đã được giới truyền thông liên tục đăng tải. Có tờ báo còn gọi đây là năm bán vốn của DNNN, với hy vọng công tác này sẽ có bước đột phá trong năm nay.

Ngay trong tháng 2/2014, ít nhất 3 cuộc bán vốn Nhà nước cấp tổng công ty sẽ diễn ra tại 2 Sở GDCK. Trong năm, những cái tên DN được dư luận nhắc đến nhiều như Vietnam Airlines cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng “hạ quyết tâm” cổ phần hóa. Cùng với những quyết tâm chính trị, các DNNN có thực hiện được cổ phần hóa hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhà đầu tư có sẵn sàng bỏ tiền mua cổ phần hay không. Tham vấn của ĐTCK đến một số CTCK lớn cho thấy, nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với các đợt IPO khởi đầu năm nay.

Tại CTCK Bản Việt, chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo DN này cho biết, câu chuyện cổ phần hóa Vietnam Airlines hay Vinatex không còn mới với nhà đầu tư, vì thông điệp này đã được đưa ra từ vài năm trước. Nhà đầu tư dường như không háo hức hay tập trung bàn thảo, tìm kiếm cơ hội từ các đợt IPO lớn năm nay là tình trạng chung trên thị trường.

Lãnh đạo CTCK ACBS chia sẻ, với những DN có ngành kinh doanh đặc thù như Vietnam Airlines, việc bán vốn sẽ hiệu quả hơn nếu tìm được các nhà đầu tư chiến lược đúng tầm, cùng ngành nghề như các hãng hàng không của Nhật, Hàn Quốc, Singapore… “Với nhà đầu tư đại chúng, việc khích lệ họ mua cổ phần của Vietnam Airlines là không dễ, bởi tài sản của DN này rất lớn nhưng lợi nhuận hàng năm lại không bao nhiêu”, ông nói.

Trao đổi của ĐTCK với đại diện HSC cho rằng, cơ chế bán vốn Nhà nước tại các DN cổ phần hóa phải đổi mới ngay từ việc đánh giá, chọn lựa các nhà tư vấn (khối CTCK) với mức phí dành cho nhà tư vấn không thể bó hẹp trong một vài chục triệu đồng. Muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược, bỏ tiền triệu USD vào DNNN Việt Nam là quá trình không đơn giản. Nhưng nếu duy trì mức phí tư vấn cổ phần hóa quá thấp như hiện nay, không thể tạo động lực cho các CTCK tìm kiếm người mua cổ phần của DN cổ phần hóa. Đó là một thực tế mà Chính phủ, các bộ, ngành cần phải nhận rõ, phía sau những thông điệp mạnh mẽ về đổi mới, cải cách DNNN vừa được đưa ra.

Ngoài cơ chế mở cho các “bà đỡ” bán vốn, điều đặc biệt quan trọng là xác định giá bán phù hợp mới hy vọng thu hút được nhà đầu tư. Nếu cứ tình trạng DN lỗ cũng phải bán được vốn trên mệnh giá thì chắc chắn IPO năm 2014 cũng không khác gì kết quả vài năm trước đó, nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu khi quá ít nhà đầu tư hưởng ứng.

Tin bài liên quan