Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư bình tĩnh sau trấn an của Trung Quốc

(ĐTCK) Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bác bỏ thông tin về việc Trung Quốc sẽ phá giá đồng nhân dân tệ tới 10%, thị trường tài chính toàn cầu đã trở nên ổn định hơn trong phiên thứ Năm.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 9 giảm trong ngày thứ Tư sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp của Trung Quốc đã lại tăng trở lại trong phiên thứ Năm.

Khả năng này tăng trở lại sau phát biểu của Thống đốc PBOC, cũng như dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khả quan.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ tăng trở lại trong tháng 7 nhờ các hộ gia đình tăng mua xe ô tô và một loạt các hàng hóa khác, cho thấy đà vững chắc trong nền kinh tế của Mỹ.

Với khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 16 và 17/9, đồng USD đã hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 1 tháng và giới đầu tư tìm đến trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu như là kênh trú ẩn an toàn. Điều này khiến phố Wall đóng cửa ít biến động trong phiên giao dịch thứ Năm.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Dow Jones tăng 5,74 điểm (+0,03%), lên 17.408,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,66 điểm (-0,13%), xuống 2.083,39 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,83 điểm (-0,21%), xuống 5.033,56 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại sau trấn an từ Trung Quốc về việc sẽ không phá giá quá sâu đồng nhân dân tệ.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,86 điểm (-0,04%), xuống 6.568,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,02 điểm (+0,82%), lên 11.014,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 61,42 điểm (+1,25%), lên 4.986,85 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm sau phiên giảm mạnh trước đó khi nỗi lo về việc PBOC phá giá sâu đồng nhân dân tệ đã giảm đi sau phát biểu của Thống đốc PBOC.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 202,78 điểm (+0,99%), lên 20.595,55  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 102,78 điểm (+0,43%), lên 24.018,8 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 68,24 điểm (+1,76%), lên 3.954,56 điểm.

Trên thị trường vàng, việc nỗi lo về cuộc chiến tranh tiền tệ tạm thời lắng xuống, cũng như khả năng Fed tăng lãi suất mạnh trở lại khiến vàng quay đầu giảm giá. Bên cạnh đó, đồng USD hồi phục cũng gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 13/8, giá vàng giao ngay giảm 10,8 USD (-0,96%), xuống 1.114,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8 USD (-0,71%), xuống 1.115,6 USD/ounce.

Tương tự giá vàng, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng USD hồi phục và nỗi lo dư cung. Theo thông tin mới nhất, một số nhà máy lọc dầu tạm thời đóng cửa, trong khi kho dự trữ chủ chốt của Mỹ tại Oklahoma tăng tới 1,3 triệu thùng trong tuần đến 11/8.

Những thông tin trên đã đẩy giá dầu thô Mỹ giảm hơn 2,5%, xuống ngưỡng 42 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 6 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 13/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,07 USD/thùng (-2,53%), xuống 42,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,44 USD (-0,89%), xuống 49,22 USD/thùng.

Tin bài liên quan