Giới đầu tư cảnh giác với khả năng tăng lãi suất cao hơn từ Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (28/2) và khép lại tháng Hai ảm đạm, khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn dự kiến.
Giới đầu tư cảnh giác với khả năng tăng lãi suất cao hơn từ Fed

Sau màn trình diễn mạnh mẽ vào tháng 1, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm vào tháng 2, khi dữ liệu kinh tế và những bình luận từ các quan chức Fed khiến những người tham gia thị trường xem xét lại khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn dự báo và giữ ở mức cao lâu hơn so với hy vọng ban đầu.

Trong tháng 2 vừa qua, S&P 500 giảm 2,61%, Dow Jones giảm 4,19% và Nasdaq giảm 1,11%.

Keith Buchanan, Giám đốc danh mục đầu tư tại GLOBALT Investments cho biết, ba hoặc bốn tuần trước, người ta kỳ vọng về một hoặc thậm chí có thể là hai lần cắt giảm lãi suất liên bang trong năm nay và điều đó đã hoàn toàn được định giá ngoài thị trường. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường đã bắt đầu nghĩ về kịch bản Fed tăng lãi suất 0,5% vào tháng 3, mặc dù tỷ lệ đặt cược vẫn ở mức thấp khoảng 23%.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt gần 5% trong tháng 2 này. Theo dữ liệu từ Refinitiv, đây là tháng 2 mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này có mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.

Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 232,39 điểm (-0,71%), xuống 32.656,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,09 điểm (-0,30%), xuống 3.970,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,44 điểm (-0,1%), xuống 11.455,54 điểm.

Chứng khoán châu Âu trượt dốc, sau khi dữ liệu từ Pháp và Tây Ban Nha cho thấy lạm phát đang nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn kết thúc tháng thứ hai liên tiếp tăng cao hơn nhờ sự tăng mạnh của các cổ phiếu ngân hàng, vốn nhạy cảm với lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,24% xuống 461,49 điểm.

Michael Hewson, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets, Vương quốc Anh cho biết: “Cho dù đó là Tây Ban Nha, Pháp hay Đức, thì về cơ bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tính đến lạm phát cao hơn, bởi vì bạn đang nói về ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu”.

Giá lương thực cao hơn đã đẩy tỷ lệ lạm phát 12 tháng ở Pháp lên 7,2% trong tháng 2 từ mức 7% của tháng trước.

Tại Tây Ban Nha, giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ trong tháng Hai, cao hơn mức tăng 5,9% trong 12 tháng tính đến tháng Giêng.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp tháng 3 sắp tới, đưa lãi suất cơ bản lên 3% và dự kiến ​​​​sẽ đạt mức cao nhất là 4% vào tháng 7.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng sơ bộ trên toàn khu vực đồng euro cho tháng 2 sẽ được công bố vào thứ Năm.

Cũng gây áp lực lên chứng khoán châu Âu là sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro, với lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức, điểm chuẩn của khối, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.

Cổ phiếu các ngân hàng, có xu hướng được hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao, đã tăng 1,4% và nhanh chóng đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

Chỉ số STOXX 600 rộng hơn đã ghi nhận mức giảm một tuần tồi tệ nhất trong năm nay vào thứ Sáu, do lo ngại rằng các ngân hàng trung ương ở Mỹ và khu vực đồng euro sẽ tăng lãi suất để giải quyết tình trạng lạm phát dai dẳng.

Dù vậy, chỉ số này vẫn ghi nhận tháng tích cực thứ tư trong năm, kết thúc tháng Hai cao hơn 1,7%.

Kết thúc phiên 28/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 58,83 điểm (-0,74%), xuống 7.876,28 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 16,29 điểm (-0,11%), xuống 15.365,14 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 27,62 điểm (-0,38%), xuống 7.267,93 điểm.

Giá dầu thô tăng do giới đầu tư đóng trạng thái của các nhà bán khống vì tháng 2 đã hết.

Tính chung trong tháng 2 vừa qua, giá dầu Brent giảm khoảng 0,7% và giá dầu WTI giảm 2,5%. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp của cả hai loại dầu.

Kết thúc phiên 28/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,37 USD/thùng (+1,78%), lên 77,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,44 USD/thùng (+1,72%), lên 83,89 USD/thùng.

Tin bài liên quan