Reuters: JPMorgan đề xuất thành lập chỉ số tín dụng châu Á mới với trọng số Trung Quốc thấp hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) JPMorgan đang đề xuất một chỉ số tín dụng châu Á mới với việc cắt giảm trọng số của thị trường Trung Quốc song song với chỉ số tín dụng châu Á hiện tại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng và nhu cầu đầu tư vào trái phiếu bất động sản Trung Quốc ngày càng mờ nhạt.
Reuters: JPMorgan đề xuất thành lập chỉ số tín dụng châu Á mới với trọng số Trung Quốc thấp hơn

Theo nguồn tin từ Reuters, đối với chỉ số mới, JPMorgan đã đề xuất trọng số của thị trường Trung Quốc ở mức gần 30% so với mức khoảng 43% trong Chỉ số tín dụng JPMorgan Asia (JACI) hiện tại, trong đó Trung Quốc là thị trường có trọng số lớn nhất.

Đề xuất này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao về các vấn đề từ xung đột Nga-Ukraine và những đòn trả đũa qua lại về công nghệ đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng bất ổn.

Động thái này được đưa ra sau khi JPMorgan ban đầu đề xuất mở rộng JACI hiện tại, nhưng cắt giảm trọng số của Trung Quốc xuống còn 29,86% so với mức ban đầu là 43,14%. Nếu việc cải tổ này được thực hiện, thị trường tín dụng châu Á sẽ bị ảnh hưởng, vì các nhà quản lý quỹ thụ động và chủ động sẽ bán ra trái phiếu Trung Quốc để phù hợp với sự thay đổi trọng số.

JPMorgan đã mô tả chỉ số mới này được gọi là Jaci Asia Pacific, đây là phiên bản nâng cao của chỉ số JACI hiện tại khi bổ sung thêm với các thị trường châu Á-Thái Bình Dương khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Papua New Guinea. JACI là một chỉ số tín dụng hàng đầu châu Á, được theo dõi bởi các nhà quản lý quỹ quản lý tài sản trị giá hơn 85 tỷ USD.

Theo nguồn tin, trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ vẫn là phần lớn nhất của chỉ số mới, tiếp theo là Nhật Bản ở mức 20% và Úc ở mức khoảng 10%.

Đề xuất giảm trọng số của Trung Quốc được đưa ra sau khi một số nhà quản lý quỹ đã thúc đẩy JPMorgan cắt giảm trọng số trái phiếu Trung Quốc khi hiệu suất yếu kém của chỉ số JACI kéo dài. Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu đang ngày càng cân nhắc tới các thị trường mới nổi hoặc các chỉ số châu Á khác mà không tiếp xúc với Trung Quốc để tránh rủi ro địa chính trị.

Theo một tài liệu mà Reuters có được, đề xuất cho chỉ số JACI trước đó đã tìm cách giảm rủi ro quốc gia đơn lẻ và "nắm bắt toàn bộ phân khúc thị trường trái phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và cung cấp "lợi nhuận được điều chỉnh rủi ro tốt hơn với sự biến động thấp hơn".

Trái phiếu đô la do các doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản phát hành, đã chiếm tỷ trọng phần lớn trong các chỉ số trái phiếu của thị trường châu Á và thị trường mới nổi. Tuy nhiên, khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tấn công cả các quỹ đầu tư chỉ số chủ động và thụ động.

Jane Cai, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại China Asset Management cho biết, JPMorgan cũng đang thảo luận nội bộ về một chỉ số tín dụng châu Á ngoài Trung Quốc. Động thái này là để đáp ứng với yêu cầu của một số nhà đầu tư ở nước ngoài rằng một chỉ số mà không có thị trường Trung Quốc.

Tin bài liên quan