Thị trường đón nhận sự tích cực từ chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, với kết quả đầu tiên rất đáng chú ý là cam kết đầu tư 600 tỷ USD từ Ả Rập Xê Út. Một số công ty công nghệ Mỹ đã nhanh chóng công bố các thỏa thuận liên quan đến trí tuệ nhân tạo ở Trung Đông vào thứ Ba.
Nhận ảnh hưởng tích cực, hầu hết các cổ phiếu siêu vốn hóa và tăng trưởng đều tăng, với hai gã khổng lồ Nvidia tăng 4,2% và cổ phiếu AMD tăng 4,7%.
Hiện giới đầu tư sẽ tập trung vào Chủ tịch Fed Jerome Powell, khi ông dự kiến sẽ có bài phát biểu vào thứ Năm và bình luận của ông sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về kế hoạch trong tương lai của Fed, khi các dấu hiệu gần nhất cho thấy lạm phát đang tiến về mục tiêu 2%.
Kết thúc phiên 14/5: Chỉ số Dow Jones giảm 89,37 điểm (-0,21%), xuống 42.051,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,03 điểm (+0,10%), lên 5.892,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 136,72 điểm (+0,72%), lên 19.146,81 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ sau một đợt phục hồi kéo dài bốn phiên trước đó, được thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh và Mỹ-Trung đã làm giảm bớt một số lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,24% xuống 543,88 điểm.
"Đây là diễn biến chốt lời thường thấy. Các nhà đầu tư châu Âu đang tiếp cận với sự lạc quan thận trọng đối với diễn biến đàm phán thuế quan toàn cầu”, Steve Sosnick, nhà phân tích thị trường tại Interactive Brokers cho biết.
Dù giảm điểm, nhưng chỉ số STOXX 600 hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy vào đầu tháng Tư, khi ông Trump tuyên bố áp thuế phổ quát đối với các đối tác thương mại, dẫn đến việc bán tháo chứng khoán trên toàn cầu.
Goldman Sachs đã nâng dự báo vào cuối năm cho chỉ số STOXX 600 từ 520 điểm lên 570 điểm sau thỏa thuận thương mại ban đầu đầy hứa hẹn từ Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên 14/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 17,91 điểm (-0,21%), xuống 8.585,01 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 111,55 điểm (-0,47%), xuống 23.527,01 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 37,04 điểm (-0,47%), xuống 7.836,79 điểm.
Giá dầu thô giảm, chịu ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng dư cung.
Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,52 USD (-0,82%), xuống 61,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,54 USD (-0,81%), xuống 66,09 USD/thùng.