Giới đầu tư chậm lại khi lợi suất trái phiếu Mỹ gây sức ép

Giới đầu tư chậm lại khi lợi suất trái phiếu Mỹ gây sức ép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ ít thay đổi trong phiên thứ Tư (24/4), khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng đã khiến đà hồi phục của thị trường chững lại.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đột ngột đi lên và gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, với kỳ hạn 10 năm đạt mức cao 4,67%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt mức 4,95%.

Điều này khiến các cổ phiếu công nghệ, tăng trưởng phần lớn đã suy yếu, với Meta, Amazon.com, Netflix mất từ 0,5% đến hơn 3,9%...

Tuy nhiên, cổ phiếu Tesla vượt trội so với các công ty cùng ngành với mức tăng 12%, sau khi nhà sản xuất xe điện xoa dịu lo lắng của thị trường về đà tăng trưởng, với dự báo doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm nay và cho biết họ sẽ tung ra các mẫu xe giá cả phải chăng hơn vào đầu năm 2025.

Với mùa báo cáo tài chính đang diễn ra sôi nổi, với các cổ phiếu nổi bật trong phiên như nhà sản xuất dược phẩm Biogen tăng 4,7% nhờ đánh bại kỳ vọng lợi nhuận quý I, trong khi Boston Scientific tăng 5,7% sau khi nhà sản xuất thiết bị y tế nâng dự báo lợi nhuận hàng năm.

Trong khi đó, các công ty lớn như Meta, Microsoft và Alphabet dự kiến sẽ cung cấp báo cáo kết quả kinh doanh quý vào cuối tuần này.

Trọng tâm hiện tại cũng dịch chuyển sang chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 24/4: Chỉ số Dow Jones giảm 42,77 điểm (-0,11%), xuống 38.460,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,08 điểm (+0,02%), lên 5.071,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 16,11 điểm (+0,10%), lên 15.712,75 điểm.

Chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm, khi nhóm cổ phiếu tài chính hạ nhiệt nhanh so báo cáo kết quả kinh doanh từ ngân hàng Thụy Điển Handelsbanken, trong khi cổ phiếu công nghệ hạn chế thua lỗ sau dự báo mạnh mẽ của ASML.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 giảm 0,43% xuống 501,61 điểm.

Chỉ số ngành ngân hàng mất 1,2%, ảnh hưởng bởi Handelsbanken giảm 12,1% sau khi lợi nhuận ròng quý I giảm, trong khi SEB giảm 3,7% ngay khi công bố lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong quý I.

Cổ phiếu nhóm tài chính dẫn đầu sự sụt giảm khi giảm 2%, với Allfunds mất 11% sau khi có báo cáo rằng nhà quản lý quỹ đã từ bỏ các cuộc đàm phán về kế hoạch M&A tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu công nghệ tăng 1,3% sau ASML tăng tới 11% khi nhà cung cấp thiết bị xử lý wafer này nâng dự báo doanh thu quý II.

Trong số 34 công ty STOXX 600 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên, 61,8% trong số đó đã vượt quá ước tính của thị trường, con số khá tích cực so với mức trung bình nhiều năm là 54%.

Trong khi đó, tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng hơn, sau khi Chủ tịch Bundesbank, ông Joachim Nagel lưu ý lạm phát khu vực đồng euro có thể vẫn chưa giảm đủ nhanh. Do đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ cân nhắc kế hoạch không cắt giảm lãi suất sâu hơn.

"ECB có khả năng cắt giảm 0,25% lãi suất vào tháng 6 và sau đó giữ trong một hoặc hai tháng để đánh giá tác động của nó", Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.

Kết thúc phiên 24/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 4,43 điểm (-0,05%), xuống 8.040,38 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 48,95 điểm (-0,27%), xuống 18.088,70 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 13,92 điểm (-0,17%), xuống 8.091,86 điểm.

Giá dầu thô giảm do lo ngại về xung đột ở Trung Đông đã hạ nhiệt và hoạt động kinh doanh ở Mỹ chậm lại. Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh đã hạn chế mất mát của giá dầu trong phiên.

Kết thúc phiên 24/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,55 USD (-0,66%), xuống 82,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,40 USD (-0,45%), xuống 88,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan