Giới đầu tư đặt kỳ vọng cao về việc cắt giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (12/3), với S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục khi cổ phiếu Oracle nhảy vọt và dữ liệu giá tiêu dùng không làm giảm kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất trong những tháng tới của các nhà đầu tư.
Giới đầu tư đặt kỳ vọng cao về việc cắt giảm lãi suất

Cổ phiếu của Oracle tăng tới 11,7% và đạt mức đỉnh mới, một ngày sau khi báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan và cho biết chuẩn bị đưa ra thông báo chung với gã khổng lồ chip trí tuệ nhân tạo Nvidia. Cổ phiếu Nvidia cũng tăng mạnh 7,2% và giúp chỉ số theo dõi lĩnh vực chất bán dẫn tăng 2,1% và cắt đứt chuỗi giảm hai ngày.

Trong khi đó, dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Chỉ số lạm phát lõi (sau khi trừ đi giá năng lượng và lương thực) tăng 0,4% so với tháng trước đó và 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng gần như tương đương với tháng 1.

"Lạm phát vẫn còn hơi nóng, nhưng các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng lãi suất sẽ giảm. Chúng ta vẫn còn ba bản báo cáo tương tự vào các tháng tới trước cuộc họp của Fed vào tháng 6 để xác nhận hoặc đảo ngược hy vọng đó", David Russell, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation, cho biết.

Các nhà giao dịch hiện đang dự báo xác suất 70% cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, theo công cụ CME FedWatch, giảm từ mức 71% trước báo cáo CPI được công bố.

Kết thúc phiên 12/3: Chỉ số Dow Jones tăng 235,83 điểm (+0,61%), lên 39.005,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 57,33 điểm (+1,12%), lên 5.175,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 246,36 điểm (+1,54%), lên 16.265,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu trở lại mức cao kỷ lục, dẫn đầu là các nhà sản xuất ô tô và ngân hàng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1% lên 506,52 điểm.

“Những người tham gia thị trường đã có thể thở phào nhẹ nhõm và tăng lực mua cổ phiếu, sau khi chỉ số CPI lõi của Mỹ trong tháng 2 tăng chỉ tương đương tháng trước đó” Stuart Cole, nhà kinh tế trưởng tại Equiti Capital cho biết.

Chỉ số STOXX 600 phiên này đã tăng lên mức cao mới vào năm 2024 nhờ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 sau khi lạm phát chậm lại gần đây ở khu vực đồng euro.

Trong đó, chỉ số DAX của Đức cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới sau khi dữ liệu xác nhận lạm phát nước này giảm trong tháng 2 xuống còn 2,7%.

"Tôi nghĩ ECB sẽ đi trước trong việc cắt giảm lãi suất, đề cập đến thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên. Nhưng tôi do dự về Fed. Họ rất e ngại sẽ dự báo sai về lạm phát một lần nữa và tự nhiên có khuynh hướng thận trọng quá mức", Stuart Cole nói thêm.

Phiên này, chỉ số ô tô của châu Âu tăng 2,4%, được thúc đẩy bởi mức tăng 11,5% của Porsche.

Trong khi cổ phiếu ngân hàng nhạy cảm với lãi suất tăng 1,9%, và ghi nhận phiên tăng tốt nhất trong năm tháng.

Kết thúc phiên 12/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 78,58 điểm (+1,02%), lên 7.747,81 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 218,84 điểm (+1,23%), lên 17.965,11 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 67,75 điểm (+0,84%), lên 8.087,48 điểm.

Giá dầu thô giảm nhẹ sau báo cáo về sản lượng dầu thô và chỉ số CPI của Mỹ được công bố.

Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8/3 đã giảm 5,521 triệu thùng, cắt đứt chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp. Tồn kho xăng giảm 3,750 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 1,162 triệu thùng.

Kết thúc phiên 12/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,37 USD/thùng (-0,44%), xuống 77,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,29 USD (-0,32%), xuống 81,92 USD/thùng.

Tin bài liên quan