Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư hân hoan với dữ liệu việc làm thất vọng của Mỹ

(ĐTCK) Ngay khi Bộ Lao động Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 với con số thất vọng, tất cả các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và vàng đều hồ hởi và nhanh tay mua vào, đẩy chứng khoán và giá vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần.

Dữ liệu kinh tế quan trọng nhất trong tuần qua là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ đã được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu.

Theo đó, số việc làm tăng thêm trong lĩnh vưc phi nông nghiệp trong tháng 9 của Mỹ chỉ là 142.000 việc làm so với con số dự đoán là 203.000 của giới phân tích. Con số của tháng 8 cũng đã được điều chỉnh chỉ còn 136.000 việc làm. Đây là 2 tháng có mức tăng việc làm thấp nhất trong 1 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là 5,1%, chủ yếu là do công việc bán thời gian tăng lên.

Phố Wall lúc đầu đang dao động dưới tham chiếu đã ngay lập tức bứt mạnh trở lại sau khi dữ liệu trên được công bố. Phố Wall lúc đầu đang dao động dưới tham chiếu đã ngay lập tức bứt mạnh trở lại sau khi dữ liệu trên được công bố, bởi theo giới đầu tư, với thị trường lao động yếu kém như trên, khó có khả năng Fed tăng lãi suất. Khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12 đã giảm xuống chỉ còn 30% so với 50% trước khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố.

Không chỉ thế, một dữ liệu khác do Bộ Thương mại Mỹ công bố cũng cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có vấn đề là đơn hàng mới của các nhà máy Mỹ giảm 1,7% trong tháng 8.

Tiền lương theo giờ trung bình giảm 1%, xuống 25,09 USD trong tháng 9 và chỉ còn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Bảng lương phi nông nghiệp yếu kém trong 2 tháng qua được cho là do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự châm lại của kinh tế Trung Quốc và giá dầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc làm trong lĩnh vực năng lượng.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Dow Jones tăng 200,36 điểm (+1,23%), lên 16.472,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,54 điểm (+1,43%), lên 1.951,36 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 80,69 điểm (+1,74%), lên 4.707,78 điểm.

Phiên tăng mạnh cuối tuẩn đã giúp phố Wall tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,97%, chỉ số S&P 500 tăng 1,04% và chỉ số Nasdaq tăng 0,45%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục trải qua phiên giao dịch đầy biến động do ảnh hưởng từ các thông tin chính trị của khu vực, cũng như dữ liệu kinh tế từ Mỹ.

Các thị trường chính của khu vực có mức tăng tốt ngay đầu phiên và duy trì đà tăng vững chắc đến nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên, việc thêm Pháp bước vào cuộc điều tra về khí thải với hãng xe hơi Volkswagen làm cổ phiếu của hãng xe hơi của Đức này giảm mạnh 4,3%, xuống mức thấp nhất 4 năm, tạo sức ép lên cả thị trường, đẩy các chỉ số chính của khu vực đảo chiều giảm trở lại.

Đến cuối phiên, nhờ thông tin tiêu cực về dữ liệu việc làm của Mỹ, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại và đóng cửa trong sắc xanh, qua đó cũng tránh khỏi tuần giảm điểm.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,51 điểm (+0,95%), lên 6.129,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 43,82 điểm (+0,46%), lên 9.553,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 32,34 điểm (+0,73%), lên 4.458,88 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng nhẹ 0,34%, trong khi chỉ số DAX tiếp tục giảm 1,40% và chỉ số CAC 40 giảm 0,49%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản chốt phiên cuối tuần gần như không thay đổi khi giới đầu tư chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ. Trong khi đó, ngay khi mở cửa trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, chứng khoán Hồng Kông đã tăng vọt hơn 3% khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với các động thái của Trung Quốc nhằm vực dậy thị trường bất động sản và sản xuất ô tô trong nước.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,71 điểm (+0,02%), lên 17.725,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 659,79 điểm (+3,17%), lên 21.506,09 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ lễ Quốc khánh.

Trong tuần, với 2 phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,87%, chỉ số Hang Seng tăng trở lại 1,51% nhờ phiên khởi sắc cuối tuần, trong khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm 1,28%.

Trên thị trường vàng, bảng lương phi nông nghiệp thất vọng được công bố khiến USD giảm mạnh và giá vàng được hưởng lợi. Đang lình xình trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã bất ngờ tăng vọt trong phiên Mỹ khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố. Dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm liên tiếp trước đó, giá vàng vẫn không tránh khỏi được tuần giảm giá trở lại và đánh mất hết toàn bộ những gì đã có được trong tuần trước đó.

Kết thúc phiên 2/10, giá vàng giao ngay tăng 24,9 USD (+2,24%), lên 1.138,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 23,9 USD (+2,15%), lên 1.137,6 USD/ounce.

Trong tuần, giá giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 12 cùng giảm 0,69%, sau khi tăng 0,56% và 0,68% tuần trước.

Phiên tăng vọt cuối tuần với dữ liệu việc làm thất vọng đã làm thay đổi cái nhìn của nhà đầu tư về xu thế giá vàng tuần tới. Trong cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong những phút cuối trước khi chốt kết quả, số người có cái nhìn lạc quan về giá vàng đã tăng vọt lên, ngang bằng với số người có cái nhìn kém lạc quan vốn chiếm thế áp đảo trước khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố.

Cụ thể, trong số 210 người tham gia khảo sát trực tuyến, có 86 người, chiếm 41% có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần mới; 89 người, chiếm 42% cho rằng, giá vàng sẽ giảm và 35 người, chiếm 17% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Còn trong cuộc khảo sát các nhà phân tích, trong số 36 người được hỏi, có 20 người trả lời. Trong đó, có 14 người, chiếm 70% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần mới; chỉ có 2 người, chiếm 10% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 4 người, chiếm 20% giữ quan điểm trung lập.

Phil Streible, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nói rằng, ông hy vọng giá vàng ít nhất là kiểm tra các đường trung bình 200 ngày tại  1.179,3 USD/ounce khi dữ liệu việc làm vừa công bố có thể đẩy thời gian tăng lãi suất của Fed sang năm 2016.

Không chỉ vàng và chứng khoán, giá dầu cũng hồi phục trở lại nhờ đồng USD giảm mạnh.

Kết thúc phiên 2/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,8 USD/thùng (+1,76%), lên 45,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,91%), lên 48,13 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55% và giá dầu thô Brent cũng giảm nhẹ trở lại 0,97%.

Tin bài liên quan