Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng chờ kết quả các cuộc họp lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chờ đợi kết quả các cuộc họp quyết định về các gói kích thích lớn hơn từ các nước khiến giới đầu tư thận trọng trong phiên cuối tuần (17/7).

Trong phiên cuối tuần, Dow Jones giảm điểm khi một số mã lớn trong rổ giảm giá, trong khi kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế lớn hơn giúp S&P và Nasdaq tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, phiên tăng nhẹ cuối tuần không thể giúp Nasdaq tránh khỏi tuần điều chỉnh sau nhiều tuần thăng hoa do lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, Dow Jones và S&P có tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ các thông tin tích cực về vắc-xin.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones giảm 62,76 điểm (-0,23%), xuống 26.671,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,16 điểm (+0,28%), lên 3.224,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,36 điểm (+0,28%), lên 10.503,19 điểm.

Phố Wall có sự trái chiều, trong khi Nasdaq điều chỉnh sau chuỗi tuần tăng mạnh và liên tiếp thiết lập đỉnh lịch sử mới, thì Dow Jones và S&P có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones tăng 2,29%, S&P tăng 1,25%, còn Nasdaq giảm 1,08%.

Cổ phiếu châu Âu tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu khi giới đầu tư chờ đợi với một chút kỳ vọng về cuộc họp của các nhà lãnh đạo khu vực sẽ đưa ra gói cứu trợ 750 tỷ euro (tuy nhiên, cuối cùng cuộc họp đã thất bại).

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,61 điểm (+0,63%), lên 6.290,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 44,64 điểm (+0,35%), lên 12.919,61 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 15,85 điểm (-0,31%), xuống 5.069,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng trở lại trong tuần qua sau khi trái chiều tuần trước đó. Chứng khoán Anh hồi phục sau 3 tuần giảm liên tiếp, chứng khoán Pháp quay đầu tăng sau tuần điều chỉnh trước đó, chứng khoán Đức có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 3,20%, chỉ số DAX tăng 2,26% và CAC40 tăng 1,99%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về số ca nhiếm Covid tăng cản trở đà hồi phục của nền kinh tế khiến chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, trong khi các thị trường khác duy trì đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc không tránh khỏi tuần giảm mạnh nhất 5 tháng do trong tuần có những phiên lao dốc mạnh trước lo ngại về căng thẳng với Mỹ, cùng với việc GDP quý II tốt hơn dự kiến sẽ khiến Bắc Kinh giảm liều lượng gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 73,94 điểm (-0,32%), xuống 22.696,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,03 điểm (+0,13%), lên 3.214,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 118,48 điểm (+0,47%), lên 25.089,17 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,43 điểm (+0,80%), lên 2.201,19 điểm. 

Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có tuần hồi phục sau 3 tuần giảm nhẹ, chứng khoán Hàn Quốc cũng đảo chiều tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh nhất 2 tháng và Trung Quốc cũng chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh nhất trong 5 tháng. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,82%, chỉ số Hang Seng giảm 6,13%, chỉ số Shanghai Composite giảm 5%, còn Kospi tăng 2,37%.

Kỳ vọng về EU sẽ tung gói cứu trợ lớn khiến đồng USD giảm mạnh, qua đó hỗ trợ cho giá vàng bật tăng trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/7, giá vàng giao ngay tăng 14,3 USD (+0,80%), lên 1.810,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 9,7 USD (+0,54%), lên 1.810,0 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 0,65%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,45%.

Dù dữ liệu kinh tế bắt đầu khả quan, nhưng với làn sóng bùng phát Covid lần thứ 2, cả giới phân tích và đầu tư phần lớn vẫn đặt vào cửa giá vàng tiếp tục tăng cao hơn, đặc biệt là giới phân tích.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời khảo sát có 11 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 69%, thấp hơn mức 88% của tuần trước, chỉ có 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 6%, thấp hơn mức 12% của tuần trước và 4 người dự báo đi ngang, chiếm 25%.

Tương tự, trong 1.642 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 977 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 60%, thấp hơn mức 67% của tuần trước; 349 lượt dự báo giá giảm, chiếm 21%, cao hơn mức 17% của tuần trước và 317 lượt dự báo đi ngang, chiếm 19%.

Chờ đợi các cuộc họp bàn về kế hoạch giải cứu nền kinh tế, giá dầu thô lình xình và đóng cửa giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,16 USD (-0,39%), lên xuống 40,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,53%), xuống 43,14 USD/thùng.

Giá dầu thô tiếp tục có tuần lình xình và trái chiếu nhau, nhưng xu thế đảo ngược. Trong khi giá dầu thô Mỹ đảo chiều hồi phục nhẹ 0,1%, thì giá dầu thô Brent lại giảm 0,23%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Tin bài liên quan