Giới đầu tư tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu

Giới đầu tư tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Năm (16/6), với một đợt bán tháo trên diện rộng do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng sau các động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm dập tắt lạm phát.

Chứng khoán Mỹ đã tăng vào ngày thứ Tư sau khi khi Fed đưa ra một đợt tăng lãi suất cơ bản 0,75% như dự kiến.

Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất bất ngờ của Thụy Sĩ lần đầu tiên trong 15 năm và Anh với lần thứ 5 kể từ tháng 12/2021 mới được thông báo đã làm dấy lên lo ngại rằng, những nỗ lực của các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể trên toàn thế giới hoặc tệ hơn là rơi vào suy thoái.

Các số liệu mới công bố càng cho thấy hoạt động kinh tế tại Mỹ đi xuống với số nhà xây mới giảm 14% trong tháng 5, mạnh hơn nhiều dự báo là 2,6%. Chỉ số hoạt động kinh doanh của Fed Philadelphia lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5/2020.

Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều rơi sâu vào vùng thị trường giá xuống, lần lượt giảm 24% và 34% so với mức cao mọi thời đại, khi lạm phát và lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Trong khi đó, Dow Jones đã thủng mốc 30.000 điểm và ghi nhận giảm 19% so với mức cao mọi thời đại ghi nhận vào ngày 05/01/2022.

Chỉ một trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 tăng điểm, đó là nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu với WalMart, General Mills và Procter & Gamble là một trong số ít mã tăng giá.

Trái lại, nhóm cổ phiếu tăng trưởng, vốn bị ảnh hưởng nặng nề với chỉ số tăng trưởng S&P 500 giảm 3,75% trong khi Nasdaq Composite chứng kiến phiên có ​​mức giảm từ 4% trở lên lần thứ 5 kể từ đầu tháng 5/2022.

Hy vọng Fed có thể tạo ra một cú hạ cánh kinh tế mềm đang tắt dần và các nhà phân tích của Wells Fargo hiện nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế đã lớn hơn 50%. Trong khi các ngân hàng khác cũng đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng bao gồm Deutsche Bank và Morgan Stanley.

Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones giảm 741,46 điểm (-2,42%), xuống 29.927,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 123,22 điểm (-3,25%), xuống 3.666,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 453,06 điểm (-4,08%), xuống 10.646,10 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, sau khi chính sách thắt chặt ở Anh và Thụy Sĩ làm dấy lên những lo lắng mới về tác động của lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,31% xuống 403,56 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

“Có rất ít điều đáng vui mừng,” Giuseppe Sersale, chiến lược gia của Anthilia ở Milan cho biết và nói thêm rằng với việc ngân hàng trung ương Thụy Sĩ tăng lãi suất bất ngờ, các nhà đầu tư rõ ràng đang lo lắng về việc thắt chặt tiền tệ hơn ở những nơi khác.

Chỉ số chứng khoán Thụy Sĩ giảm 2,9%, nằm trong số những thị trường giảm sâu nhất trong các thị trường lớn tại châu Âu, với các ngân hàng lớn như UBS và Credit Suisse lần lượt giảm 4,9% và 6%.

Chỉ số bluechip FTSE 100 của Vương quốc Anh giảm 3,1% sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thêm 1%, ​​nhưng cho biết họ đã sẵn sàng hành động "mạnh mẽ" để dập tắt những nguy cơ do tỷ lệ lạm phát tăng lên.

Chỉ số STOXX 600 đã cắt mạnh chuỗi sáu ngày giảm vào thứ Tư sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố các biện pháp để kiềm chế thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên, những lo lắng về triển vọng kinh tế đen tối và ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp đã khiến chỉ số này giảm 17,3% tính đến thời điểm hiện tại.

Trong đó, điểm chuẩn CAC 40 của Pháp đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất đóng cửa kỷ lục gần đây nhất để xác nhận rơi vào thị trường giá xuống.

Kết thúc phiên 16/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 228,43 điểm (-3,14%), xuống 7.044,98 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 446,80 điểm (-3,31%), xuống 13.038,49 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 143,89 điểm (-2,39%), xuống 5.886,24 điểm.

Tin bài liên quan